.

Hiệu quả từ một dự án

Thứ Sáu, 16/12/2016, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ Việt Nam thông qua Hiệp định Tài chính và vốn vay. Nhà tài trợ Dự án là Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW). Dự án được triển khai thực hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) và 13 xã vùng đệm, bao gồm khu vực VQG PN-KB, có diện tích 123.326 ha và vùng đệm có diện tích 220.055 ha, chiếm 43% diện tích toàn tỉnh, có khoảng 65.000 người dân sinh sống.

Ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án cho biết, thời gian thực hiện dự án từ tháng 8-2008 đến tháng 12-2016, với tổng nguồn vốn 15,77 triệu EUR, bao gồm 8 triệu EUR thuộc vốn tài trợ không hoàn lại, 4,6 triệu EUR là vốn vay và 3,17 triệu EUR là vốn đối ứng của phía Việt Nam.

Qua 8 năm hoạt động, đến thời điểm này, hầu hết các hoạt động chủ yếu của dự án đều được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bước đầu, dự án đã phát huy tác dụng, ảnh hưởng tích cực đến việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm.

Kết quả quan trọng nhất mà dự án đạt được là, cải thiện rõ rệt năng lực quản lý và bảo vệ VQG PN-KB. Dự án đã hỗ trợ  tích cực cho VQG PN-KB xây dựng hồ sơ mở rộng Vườn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (từ 92.756 ha lên 123.326 ha); tiến hành xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới vùng mở rộng, ranh giới phía Nam và ranh giới vùng đệm trong giúp cho công tác quản lý, bảo vệ VQG được tốt hơn; xây dựng hồ sơ đề cử lại cho toàn bộ VQG PN-KB, kể cả khu mở rộng theo các tiêu chí Di sản thế giới.

Dự án đã xây dựng các cẩm nang quản lý VQG PN-KB đạt tiêu chuẩn quốc tế, đúng theo yêu cầu của các Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh và các đoàn đánh giá giữa kỳ của KFW. Tổ chức các đợt khảo sát, điều tra đa dạng sinh học; các nghiên cứu khoa học về hang động, chế độ thuỷ văn, liên kết bảo tồn liên biên giới; xây dựng phim về giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và văn hoá, con người vùng di sản...

Đáng chú ý là dự án đã hỗ trợ các địa phương, cộng đồng dân cư và người dân vùng đệm thực hiện các hoạt động cải thiện đời sống người dân. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng mang lại.

Từ năm 2008 đến 2016, tổng diện tích đã thực hiện được là 3.527 ha (đạt 90% so với kế hoạch). Các địa phương đã thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và mở tài khoản tiền gửi cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo đúng yêu cầu của dự án.

Mặt khác, hỗ trợ các địa phương vùng đệm thực hiện giao rừng cho cộng đồng quản lý với tổng diện tích 8.000 ha. Từ năm 2012 đến tháng 2016, các địa phương đã giao được 8.277 ha rừng (đạt 103% kế hoạch) cho 34 cộng đồng thôn bản. Các địa phương đã thực hiện việc giao đất, cấp sổ đỏ và mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho các cộng đồng được giao đất giao rừng với số tiền gần 10 tỷ đồng, tại 34 tài khoản tiền gửi của 34 cộng đồng thôn bản.

Để thực hiện quản lý, bảo vệ vốn rừng đã giao cho các cộng đồng quản lý, Dự án khu vực VQG PN-KB đã hỗ trợ các địa phương thành lập BQL rừng cộng đồng đối với những thôn bản được giao đất, giao rừng. Các BQL rừng cộng đồng thôn bản do trưởng thôn, bản làm trưởng ban đã thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý rừng .

Mới đây, chúng tôi được theo đoàn cán bộ BQL dự án lên bản Cổ Tràng, là bản nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, thuộc huyện Quảng Ninh. Cổ Tràng được xem như một điển hình về thực hiện mô hình rừng cộng đồng của dự án.

Trao sổ đỏ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao sổ đỏ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Rừng cộng đồng ở đây được cấp "thẻ đỏ" và mở tài khoản tiền gửi, đã góp phần bảo vệ khá tốt những khu rừng mà trước đây chưa có chủ quản lý. Bản Cổ Tràng có 100% hộ là người dân tộc Vân Kiều, được giao gần 210ha rừng tự nhiên có trữ lượng 33 ngàn m3 gỗ để quản lý, bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng.

Bản đã thành lập BQL rừng cộng đồng gồm 7 thành viên do trưởng bản làm trưởng ban, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động dân bản không chặt phá rừng trái phép. Số tiền bảo vệ rừng 200 nghìn đồng/ha (hỗ trợ trong 6 năm liền) được dự án gửi vào một tài khoản ngân hàng để BQL rừng cộng đồng bản chi trả cho hoạt động bảo vệ rừng của người dân. Mỗi chuyến tuần tra rừng, mỗi thành viên được trả 100-200 nghìn đồng.

Ông Hồ Đền, Trưởng bản Cổ Tràng cho biết, từ khi được giao rừng, bà con mừng lắm, vì đã có sinh kế lâu dài. Mọi người đã nhận thức được vai trò của rừng, không đốt rừng làm nương rẫy nữa. Việc bảo vệ rừng tại bản ngày một tốt hơn, được tỉnh, huyện quan tâm và thường xuyên đến tham quan, kiểm tra, động viên.

Cũng như bản Cổ Tràng, ở thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch (Bố Trạch), anh Nguyễn Hải Doan, Trưởng thôn tâm sự rằng, từ ngày được dự án hỗ trợ vốn trồng rừng và phối hợp với huyện cấp "sổ đỏ", bà con trong thôn đã ý thức sâu sắc được vai trò của họ trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Trong thôn có 94 hộ gia đình được trao "sổ đỏ" với tổng diện tích 125,6ha, sử dụng tốt vào mục đích trồng rừng sản xuất, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, dự án đã đạt được mục tiêu, thực hiện một chiến lược phát triển tổng hợp cho khu vực VQG PN-KB, trong đó kết nối các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và nhu cầu phát triển để giảm áp lực khai thác lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của VQG. Đóng góp chính của Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật GIZ giai đoạn II là hỗ trợ xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG PN-KB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; hỗ trợ trên 770 mô hình cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm.

Trong đó, có nhiều mô hình sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng nấm, nông lâm kết hợp, chăn nuôi gà, nuôi ong lấy mật, mây tre đan, góp phần ổn định cuộc sống và thu nhập cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ hoàn thành quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp theo phương pháp có sự tham gia ở các xã khu vực dự án; hỗ trợ thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực PN-KB thông qua nâng cao chất lượng phục vụ du khách và kết nối phát triển sinh kế địa phương với du lịch.

Tích cực hỗ trợ tăng cường hợp tác liên biên giới trong bảo tồn đa dạng sinh học giữa VQG PN-KB với khu bảo tồn Hin Nậm Nô (CHDCND Lào); nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ các trang thiết bị giúp tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, thực thi pháp luật trong bảo vệ rừng; xây dựng năng lực cho các bên liên quan cấp tỉnh về REDD+ và đánh giá tiềm năng thực hiện REDD+ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Để hỗ trợ thiết lập hệ thống thu thập thông tin phục vụ giám sát diễn biến đa dạng sinh học, dự án đã hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm sử dụng thành công phần mềm SMART để cải thiện hiệu quả hoạt động bảo vệ, bảo tồn tại 2 khu vực thí điểm (các BQL rừng phòng hộ Minh Hoá, Động Châu).

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang lập kế hoạch để nhân rộng hoạt động này tại tất cả 8 BQL rừng phòng hộ trong tỉnh. Dự án khu vực PN-KB đã triển khai các mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong giai đoạn 3 của Dự án, Hợp phần GIZ và Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ các mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học cho khoảng 275 hộ gia đình nghèo, đặc biệt chú trọng các đối tượng là phụ nữ và các hộ đồng bào dân tộc sống phụ thuộc vào rừng.

Hỗ trợ phát triển giống cây bản địa cho người dân.
Hỗ trợ phát triển giống cây bản địa cho người dân.

Một trong những kết quả quan trọng đạt được của dự án là, năng lực thực thi pháp luật đối với hoạt động quản lý bảo vệ rừng khu vực VQGPN-KB một cách bền vững được nâng cao. Dự án đã hỗ trợ BQL Vườn và Chi cục Kiểm lâm xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực, xây dựng cẩm nang tuần tra bảo vệ rừng và quy trình vận hành chung về thực thi pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn về điều tra hình sự trong quản lý bảo vệ rừng, xây dựng cẩm nang tuần tra cho cán bộ kiểm lâm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và giám sát ngăn chặn việc mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, điều tra, khảo sát thực trạng sử dụng máy cơ xăng trên địa bàn vùng đệm...

Qua 8 năm thực hiện dự án, công tác thực thi pháp luật tại VQG PN-KB và khu vực vùng đệm đã được tăng cường và đạt hiệu quả, đã có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh, VQG cùng các lực lượng Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương trên địa bàn.

Theo Giám đốc BQL dự án Nguyễn Trung Thực, mặc dù dự án đã kết thúc nhưng còn một số công việc cần được tiếp nối để hoàn thiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, vấn đề quan tâm nhất là đối với những diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, sau khi hết nguồn hỗ trợ từ dự án, đề nghị UBND các huyện, các sở ngành liên quan xem xét, tổng hợp trình UBND tỉnh cho đưa vào diện được tham gia các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng hàng năm theo quy định của Nhà nước.

Hồng Quân