.

Nhà vượt lũ ở Tân Hóa

Thứ Hai, 20/06/2016, 07:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Về Tân Hóa (huyện Minh Hóa) nhiều người không khỏi bỡ ngỡ khi bắt gặp những căn nhà gỗ được thiết kế hết sức độc đáo. Đó là những ngôi nhà “vượt lũ” của người dân nơi đây…

Thích nghi với vùng lũ

Xã Tân Hóa được biết đến như là “rốn lũ” của huyện Minh Hóa. Địa thế vốn trũng, thấp lại bị bao quanh bởi ba bề là lèn núi cao vút nên khi tới mùa mưa lũ, nguồn nước từ các xã Thượng Hóa, Trung Hóa, Xuân Hóa đều đổ dồn về đây, nước không thoát kịp dâng lên rất nhanh.

Hiện xã Tân Hóa có khoảng 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu. Bà con ở đây quanh năm vất vả trồng từng hạt ngô, gieo từng hạt lạc, cuộc sống mưu sinh khổ nhọc lại thêm cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về.

Chúng tôi gặp ông Trương Xuân Minh (59 tuổi, trưởng thôn 1, xã Tân Hóa) vừa lúc ông đang sửa sang lại mái ngôi nhà “phao” độc đáo của mình. Ông Minh tâm sự: “Mùa lũ sắp về nên tui tranh thủ gia cố lại cái nhà bè tránh lũ chú à. Cuộc sống nơi rốn lũ vất vả lắm, tụi tui ở đây đất màu không nhiều, mùa nắng thì hạn hán, vào mùa mưa thì lũ kéo về, dân phải chạy lũ, mùa màng nhiều khi mất trắng”.

Ngôi nhà bè tránh lũ của người dân xã Tân Hóa.
Ngôi nhà bè tránh lũ của người dân xã Tân Hóa.

Theo lời ông Minh, mỗi lần nghe đài báo có mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày là người dân Tân Hóa ai cũng gói ghém đồ đạc, gia cố tài sản có giá trị, chuẩn bị thuyền, phao sẵn sàng chạy lũ bất kỳ lúc nào. Nếu không, nước lũ từ đầu nguồn đổ về bất ngờ thì không chỉ tài sản, nhà cửa bị cuốn trôi mà tính mạng con người cũng bị đe dọa. Nhiều năm trở lại đây, lũ lụt phức tạp hơn, dù có chuẩn bị nhưng người dân vẫn không kịp trở tay.

Trận đại hồng thủy năm 2010 đi qua để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở Tân Hóa. Tiếp đó, mùa mưa bão những năm 2011-2013, Tân Hóa tiếp tục ngập trong bể nước. Bà con phải tìm cách để thích nghi với mùa mưa lũ.

Sáng tạo độc đáo

Sau mỗi mùa mưa bão, đặc biệt là từ sau trận lũ lịch sử năm 2010, người dân xã Tân Hóa ý thức được mức độ ngày càng nguy hiểm, khó lường mỗi khi lũ đổ về. Nhằm giảm thiểu thấp nhất tổn thất do mưa lũ gây ra, cùng với việc thích nghi sống chung với lũ, bà con nơi đây tìm nhiều cách để tránh lũ hiệu quả hơn. Và những căn nhà gỗ “vượt lũ” hết sức độc đáo là một trong những mô hình tránh lũ sáng tạo do chính bà con nơi đây tự tay thiết kế làm nên. Chúng còn được gọi với cái tên nhà bè, nhà nổi.

Rời nhà ông Minh, chúng tôi đến thôn 3 gặp anh Trương Xuân Toàn (31 tuổi, trưởng thôn 3, xã Tân Hóa) một trong những thôn có có nhiều nhà bè của xã. Anh Toàn chia sẻ: “Sống ở cái vùng “rốn lũ” này, nhà nào cũng làm cho mình một căn nhà bè để tránh lũ. Trước kia bà con thường làm bè tạm, sắm thuyền để sẵn sàng chạy lên lèn cao. Năm 2010 lũ về nhanh quá, dân trong xã ứng phó không kịp, tài sản mất hết, xóm làng thấy chạy lũ suốt cũng vất vả, nên tự thiết kế ra nhà bè sống chung với lũ”.

Anh Toàn cho biết thêm, mô hình nhà bè ở xã Tân Hóa được phát động xây dựng từ năm 2010. Nhưng do điều kiện kinh tế sau lũ hết sức khó khăn và còn thiếu nguồn vốn hỗ trợ, nên thời gian đầu chỉ có một số ít hộ dân làm nhà bè tránh lũ. Một trong những hộ gia đình thực hiện làm nhà bè đầu tiên ở xã Tân Hóa đó là ông Trương Quang Đồng ở thôn 3 xã Tân Hóa.

Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ mô hình nhà bè vượt lũ, cùng với sự vận động, hỗ trợ của các tổ chức và các cấp chính quyền địa phương, cho đến nay, xã Tân Hóa có trên 60% hộ dân có nhà bè tránh lũ.

Những căn nhà gỗ vượt lũ ở Tân Hóa thoạt nhìn không khác gì những căn nhà gỗ bình thường với đầy đủ cột kèo, khung gỗ, vách che, mái lợp và cửa ra vào. Chúng được đặt sát bên nhà chính để tiện cho việc vận chuyển đồ đạc khi có lũ về.

Điểm độc đáo của nhà bè tránh lũ ở Tân Hóa là ở chỗ, người dân rất sáng tạo trong việc cải tiến ngôi nhà để có thể chống chọi với lũ. Thay vì cố định móng nhà trên mặt đất, bà con dựng nhà trên những chiếc thùng phuy rỗng, khi nước dâng cao, các thùng phuy rỗng nổi lên và nâng luôn cả ngôi nhà, nước nổi thì nhà nổi, không còn lo ngập.

Để làm một căn nhà nổi, bà con đầu tư từ 30-35 triệu đồng. Mỗi nhà rộng từ 15-20m2, nhà to hay nhỏ tùy điều kiện kinh tế từng hộ gia đình. Một số hộ có điều kiện thì làm đến 2 nhà bè, một nhà dành cho gia súc, vật nuôi, nhà còn lại thì để người ở tránh lũ. Khi có lũ, mỗi ngôi nhà bè là nơi cư trú cho cả gia đình 8 - 10 người và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực...

Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc ngôi nhà. Cột định vị thường là ống thép hoặc cột gỗ cao khoảng 7 mét. Khi nước dâng, nhà sẽ bám theo cột mà nổi theo, khỏi sợ bị nước cuốn trôi.

Thêm một mùa mưa lũ nữa chuẩn bị về, nhưng năm nay, người dân nơi nơi “rốn lũ” Tân Hóa đã an tâm hơn khi có những ngôi nhà bè vượt lũ.

Hải Hoàng