.

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên

Thứ Năm, 05/11/2015, 07:39 [GMT+7]
Đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên sẽ góp phần hạn chế tội phạm ở tuổi vị thành niên/thanh niên.
Đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên sẽ góp phần hạn chế tội phạm ở tuổi vị thành niên/thanh niên.

(QBĐT) - Thực tế trên địa bàn tỉnh ta cũng như cả nước hiện nay cho thấy một xu hướng đáng báo động về tỷ lệ gia tăng người phạm tội trong lứa tuổi thanh niên, vị thành niên, đồng thời, các hành vi tội ác cũng đang ngày càng trở nên tinh vi, thủ đoạn, tàn khốc hơn.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng này đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với các thanh niên sau khi thi hành xong các án phạt, trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Xác định rõ mục tiêu đó, Tỉnh đoàn đã có sự kết hợp chặt chẽ với các đơn vị, đoàn thể liên quan để đẩy mạnh, nâng cao các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng đa dạng hóa hình thức và đi vào chiều sâu chất lượng.

Chị Ngọc Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho biết, từ trước đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Huyện Đoàn chỉ đạo xuyên suốt, có hệ thống đến tận các cơ sở đoàn cấp xã, cấp trường. Các hình thức tuyên truyền rất phong phú, đa dạng với nhiều mô hình, chương trình hữu ích, hiệu quả, như: các buổi tọa đàm về ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, an toàn giao thông tại các điểm xã, trường; triển khai mô hình Câu lạc bộ (CLB) thanh niên với pháp luật tại một số xã trọng điểm; mô hình “Đoạn đường tự quản”, “Cổng trường an toàn giao thông”; hội nghị phổ biến Hiến pháp và tuyên truyền về tình hình biển Đông; đội thanh niên xung kích trên các mặt trận ở cấp cơ sở...

Đáng chú ý là CLB thanh niên với pháp luật được triển khai hiệu quả tại xã Hưng Thủy, thu hút sự quan tâm đông đảo của đoàn viên thanh niên và là sân chơi hữu ích để các bạn trẻ cùng giao lưu, tìm hiểu về một nội dung được xem là khá khô khan thông qua các hình thức sáng tạo, mới mẻ. Hiện tại, phát huy thế mạnh đạt được, mô hình cũng đang được nhân rộng tại một số xã khác trong huyện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại địa phương, theo chị Ngọc Anh, chính là việc thiếu các tài liệu tuyên truyền, nhất là tờ rơi-một trong những hình thức phổ biến kiến thức hiệu quả nhất, thời gian để tổ chức còn khá eo hẹp, quá trình triển khai chưa đồng đều, tính hệ thống chưa cao, đồng thời nhận thức của một bộ phận đoàn viên thanh niên vẫn chưa được đầy đủ, toàn diện về vấn đề này.

Theo chị Lê Thị Hồng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên nắm và có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến từng cơ sở đoàn. Nổi bật có các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua tập huấn, hội thảo, hội nghị, sinh hoạt CLB... về những nội dung trọng tâm, như: Luật Thanh niên, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Thuế nhà đất, thuế thu nhập cá nhân, Luật Hôn nhân gia đình, pháp luật ATGT đường thủy, đường bộ, tuyên truyền về HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tư vấn sức khỏe sinh sản cho thanh niên....

Từ năm 2013, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ sở Đoàn thành lập CLB thanh niên với pháp luật, đến cuối năm 2014 đã có 6/7 huyện, thị xã, thành phố ra quyết định thành lập, riêng khối trường học có 8 CLB. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn đã củng cố lại các câu lạc bộ tuyên tuyền về phòng chống tệ nạn ma túy như: “CLB hạnh phúc gia đình trẻ”, “CLB phòng chống tệ nạn xã hội”, “CLB tuyên truyền pháp luật và phòng chống tệ nạn xã hội”, “CLB dân số-sức khỏe sinh sản”, “Đội kỹ năng sống phòng chống HIV/AIDS”, “Làng không ma túy”...

Các CLB đã góp phần tuyên truyền, vận động, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tích cực thành lập các CLB mới trên các địa bàn có nguy cơ cao về tệ nạn xã hội. Nhằm đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, hình thức hội thi được xem là một nỗ lực lớn của đội ngũ những người làm công tác Đoàn trong thời gian qua. Hoạt động này nhằm giúp cho đoàn viên thanh niên dễ tiếp cận những hiểu biết, kiến thức về pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, đối thoại trực tiếp...

Bên cạnh đó, mỗi một cơ sở Đoàn đều nỗ lực xây dựng tủ sách pháp luật và giao cho 1 đồng chí trong BCH chịu trách nhiệm về công tác quản lý và khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tại địa phương, đơn vị mình. Với số lượng gần 200 tủ sách pháp luật và 2.000  đầu sách các loại tại trụ sở xã, phường, trường học..., công trình này đã phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về công tác giáo dục pháp luật của đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân.

Tại các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đều có tổ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên thanh niên khi gặp những tình huống liên quan đến pháp luật. Trong những trường hợp không thể tư vấn, hỗ trợ thì sẽ liên hệ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành pháp luật tại địa phương. Đáng chú ý, 100% trường trung học chuyên nghiệp, đại học đều có tổ tư vấn pháp luật cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, chị Lê Thị Hồng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cũng chia sẻ, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật các huyện, xã hầu hết kiêm nhiệm, cho nên việc tổ chức hình thức hội nghị phổ biến pháp luật không thường xuyên và đa phần là triển khai trong các hội nghị, chương trình công tác của Đoàn.

Ở một số cơ sở Đoàn, vẫn còn thiếu lực lượng cán bộ, đoàn viên thanh niên đủ kiến thức, năng lực về pháp luật để duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh phí được cấp cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp bộ Đoàn chưa có, do đó việc đầu tư tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế. Ngoài ra, một số tổ chức cơ sở Đoàn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong quá trình triển khai công tác này.

Tủ sách pháp luật đã được xây dựng tại các địa phương, đơn vị, nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng còn thấp, số lượng người tham gia đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật còn hạn chế, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Và nhất là vẫn còn thiếu hệ thống tài liệu dùng cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, như: tờ gấp, tờ rơi, bảng hỏi đáp, tạp chí...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn cho biết, Tỉnh Đoàn sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tiếp tục triển khai các hoạt động theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp, chú trọng vào các nội dung lớn, như: tuyên truyền pháp luật về biển, đảo Việt Nam; giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS ở các địa bàn nóng về ma túy và tệ nạn xã hội...

Song song với đó, Tỉnh đoàn sẽ phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật tại các cấp bộ Đoàn nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên năng động, nhiệt tình, tâm huyết, nắm vững kiến thức pháp luật, có khả năng tuyên truyền tốt giúp cho nhân dân tiếp thu một cách nhanh hơn và dễ hiểu hơn.

Mai Nhân