.

Tuyên Hoá chủ động ứng phó với mùa bão lũ năm 2015

Thứ Năm, 17/09/2015, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện tốt phương châm: "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả" và phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống lụt bão, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Tuyên Hóa đang khẩn trương triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, cấp bách nhằm ứng phó với mùa bão lũ năm 2015, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra...

Huyện miền núi rẻo cao Tuyên Hóa có 3 vùng cơ bản gồm: vùng núi cao, vùng đồi núi trung du và vùng đồng bằng. Địa hình hẹp và dốc, nghiêng từ tây sang đông, lại bị chia cắt bởi 3 con sông, gồm sông Gianh (2 nhánh Rào Trổ và Rào Nậy), sông Nan, sông Ngàn Sâu cùng nhiều khe suối.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có hơn 60 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ đập với dung tích khá lớn và xung yếu như: đập Bẹ ở xã Mai Hoá; đập Thuỷ điện Hố Hô, đập Cây Trâm, đập Cây Ươi ở xã Hương Hoá... Bởi vậy, cứ đến mùa mưa lũ, mực nước trên các sông, đặc biệt là tại các khu vực ở gần hồ đập thường dâng cao và chảy xiết khó lường, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân...

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 11-8-2015, UBND huyện Tuyên Hoá đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tuyên Hoá. Ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hoá đã khẩn trương sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban; tiến hành xây dựng phương án, khoanh vùng xung yếu, trọng điểm để ứng phó hiệu quả hơn với mọi diễn biến bất thường của thời tiết...

Quốc lộ 12A, đoạn qua địa bàn xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá thường xuyên bị chia cắt khi có lũ lớn.
Quốc lộ 12A, đoạn qua địa bàn xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá thường xuyên bị chia cắt khi có lũ lớn.

Cụ thể, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hoá đã khoanh vùng xung yếu, trọng điểm gồm: vùng thường bị lũ lụt, ngập úng ở các địa phương có địa hình nằm hai bên bờ sông Gianh như Văn Hoá, Tiến Hóa, Châu Hoá, Mai Hoá, Phong Hoá, Đức Hoá, Thạch Hoá, Đồng Hoá, Thuận Hoá, Lê Hoá, Thanh Hoá, Thanh Thạch và một số vùng ngập úng cục bộ thuộc thị trấn Đồng Lê...; các vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm các khu vực hai bên bờ và hạ lưu các con suối ở các xã Tiến Hóa, Ngư Hoá, Cao Quảng, Đức Hóa, Kim Hoá, Hương Hoá, Thanh Thạch, Thanh Hoá, Lâm Hoá...; tố lốc, mưa đá, sét... thường xảy ra tại những xã vùng cao như Thanh Thạch, Lâm Hoá, Hương Hoá.

Nét mới trong phương án PCTT năm 2015 ở Tuyên Hoá, đó là đã sớm kiện toàn, sắp xếp Ban chỉ huy PCTT và TKCN: Ở cấp huyện đã phân công đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, Trưởng Công an huyện được phân công làm Phó ban. Ngoài ra, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan ở huyện cũng được cử làm ban viên của Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện. Ban chỉ huy đã phân công trách nhiệm, chỉ đạo các thành viên phụ trách các xã, thị trấn.

Ở cấp xã, Ban PCTT do đồng chí Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm phó ban, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan làm ban viên... Ngoài ra, đối với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, mỗi đơn vị phải thành lập 1 tổ phòng chống lụt, bão do đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm tổ trưởng và xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão của đơn vị mình.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời cảnh báo, thông báo diễn biến tình hình thời tiết để người dân có kế hoạch phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Các xã, thị trấn lập danh sách cá nhân, lực lượng ứng cứu để khi có tình huống xảy ra huy động và sử dụng tối đa lực lượng dân quân, thanh niên và dùng thuyền bè, các phương tiện hiện có của nhân dân thực hiện tốt công tác ứng cứu tại chỗ.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng huy động và sử dụng tối đa lực lượng Quân đội, Công an, đoàn viên thanh niên tình nguyện, lực lượng của các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện nhanh chóng công tác khắc phục sau thiên tai. Phân công các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận vật chất, hàng cứu trợ để cấp phát ứng cứu cho nhân dân kịp thời, đúng đối tượng.

Đối với những xã thường xuyên ngập lụt, cần nắm bắt phương tiện đường thuỷ hiện có của các hộ dân (thỏa thuận, hợp đồng, cam kết đưa vào sử dụng khi cần thiết) nhằm huy động phương tiện thuyền, đò và các nhân lực khác để chủ động trong việc ứng cứu người và tài sản. Riêng các xã, thị trấn có các đê đập, các công trình thủy lợi phải thành lập các đội hộ đê, hộ đập với số lượng từ 100-200 người, sức khoẻ tốt để sửa chữa, ứng cứu tài sản và các công trình kịp thời...

Theo đồng chí Lê Nam Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hoá, tại thời điểm này, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng với các xã, thị trấn hoàn tất việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015; tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp cơ sở theo hướng gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả; quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh... liên quan đến công tác PCTT và TKCN năm 2015.

Khi có bão, lũ xảy ra, tinh thần chỉ đạo là trước, trong thời điểm diễn ra mưa, lũ tất cả các đồng chí lãnh đạo, thành viên ở huyện phải có mặt thường trực 24/24 giờ để chỉ đạo phòng, chống lũ, lụt và thông tin báo cáo kịp thời cho tỉnh. Lãnh đạo các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị cũng tổ chức trực chỉ huy PCLB 24/24h; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết.

Văn Minh