.

Trung thu của em

Thứ Sáu, 25/09/2015, 12:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù không được bình thường và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, thế nhưng những đứa trẻ ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy vẫn đang ngày ngày miệt mài say mê luyện tập những tiết mục văn nghệ. Dù đó là những tiết mục chưa hay và chưa xuất sắc nhưng đó là cách để các em, những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng trí tuệ vượt lên hoàn cảnh và mặc cảm tự ti đón một cái tết Trung thu ý nghĩa theo cách của riêng mình.

Nằm bên cạnh con sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy hiện là nơi nuôi dạy của 90 em học sinh khuyết tật đến từ các xã trên địa bàn huyện. Mặc dù còn gặp nhiều thiếu thốn và khó khăn nhưng thời gian qua, cán bộ, nhân viên trung tâm đã luôn cố gắng nỗ lực xây dựng trung tâm trở thành ngôi nhà thứ hai và nơi chắp cánh cho những ước mơ của những đứa trẻ có số phận không may mắn. Để giúp các em hòa đồng và được cảm nhận niềm vui từ những ngày lễ của mình, trung tâm đã tạo điều kiện và không gian để các em được thể hiện tài năng đặc biệt.

Ông Phạm Văn Hiệu, Giám đốc trung tâm cho biết: Hằng năm, vào mỗi dịp tết Trung thu, trung tâm đều tổ chức một chương trình đón Trung thu cho các em. Cũng như mọi năm, năm nay, các em sẽ được các giáo viên hướng dẫn tập luyện những tiết mục văn nghệ như hát, nhảy, múa lân để đón Trung thu. Ông Phan Văn Hiệu cũng cho biết, ngoài những tiết mục văn nghệ đặc biệt do chính các em, những trẻ khuyết tật thực hiện, thì chương trình còn có buổi nói chuyện, giới thiệu cho các em hiểu và biết rõ hơn ý nghĩa của ngày Trung thu và sau cùng sẽ là phần phá cỗ.

Những tiết mục văn nghệ của trẻ khuyết tật ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy.
Những tiết mục văn nghệ của trẻ khuyết tật ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy.

Phụ trách về phần tiết mục văn nghệ cho các em, thầy giáo Trần Văn Bằng tâm sự: Những trẻ khuyết tật ở trung tâm mặc dù phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác nhưng các em rất thích ca hát nhảy múa. Nhiều em còn đến để xin được tham gia vào đội văn nghệ phục vụ cho dịp Tết Trung thu. Và bù lại những khiếm khuyết của mình nhiều em rất có tố chất và tiếp thu hướng dẫn rất nhanh.

Đến thăm một buổi luyện tập văn nghệ sau giờ học của các em trong một căn phòng nhỏ của phục hồi chức năng, nhìn những ánh mắt vô tư và nụ cười hồn nhiên của các em khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Với những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường thì biểu diễn những tiết mục văn nghệ như thế này cũng đã khó đối với những đứa trẻ khuyết tật bị khiếm thính hay thiểu năng trí tuệ thì càng khó khăn, trở ngại lớn hơn. Có lẽ chính vì điều đó mà tất cả những tiết mục văn nghệ mà các em biểu diễn hôm ấy càng trở nên đặc biệt. Đặc biệt bởi 5 tiết mục múa với 5 phong cách khác nhau từ màn múa lân, nhảy híp hop... tất cả đều được thể hiện bằng chính nghị lực và sự say mê của các em với văn nghệ.

Thầy giáo Trần Văn Bằng cho biết thêm: Cũng chính vì những hạn chế của các em nên các thầy cô giáo chỉ tập cho các em những động tác cơ bản và đơn giản như tiết mục múa lân hay màn nhảy híp hop... Đối với tiết mục múa của các em bị khiếm thính, các thầy cô phải dùng hình ảnh minh họa để phân tích cho các em hiểu.

Có mặt ở trung tâm để đón con về nhà, nhìn đứa con gái đang học lớp 2 vừa bị câm, điếc đang say sưa tập múa, anh Ngô Xuân Dị ở Cam Thủy, Lệ Thủy không giấu được niềm vui sướng: "Nhìn con thế này tôi mừng lắm. Trước đây khi ở nhà cháu không biết gì và ngại tiếp xúc với mọi người nhưng khi vào đây cháu đã trở nên mạnh dạn và vui vẻ hơn”.

Chia tay các em, chia tay những người thầy tâm huyết với trẻ khuyết tật, hình ảnh về những nụ cười hồn nhiên các em làm chúng tôi xúc động. Trung thu đang đến, với những đứa trẻ ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy niềm hạnh phúc đơn giản của các em chỉ là những điệu múa hay được nhìn các bạn cùng cảnh ngộ biểu diễn...

Đ.N