.

Chú trọng xây dựng trường học an toàn về an ninh trật tự tại thành phố Đồng Hới

Thứ Ba, 29/09/2015, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả tỉnh, thành phố Đồng Hới có những thuận lợi cũng như khó khăn riêng của mình trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Để có một môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, vấn đề xây dựng trường học an toàn về an ninh trật tự (ANTT) trở thành việc làm cấp thiết, thường xuyên của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Những kết quả bước đầu

Trên địa bàn thành phố có 66 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó bậc mầm non 21 trường; TH 22 trường; 17 trường THCS; 7 trường THPT, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề. Tổng số giáo viên, cán bộ công nhân viên toàn ngành giáo dục có 1.936 người. Tổng số học sinh các bậc học 29.102 em, trong đó bậc mầm non 6.950 em; TH 10.130 em; THCS 6.275 em; THPT và Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 5.747 em.

Qua 5 năm (2011-2015) triển khai xây dựng trường học an toàn về ANTT, tình hình ANTT ở xung quanh và trong các nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh giảng dạy, học tập, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Hiện tượng người ngoài vào trong trường học quậy phá, gây rối giảm hẳn. Phụ huynh học sinh ý thức hơn về chấp hành pháp luật ATGT tại các khu vực trước cổng trường vào giờ tan trường. Học sinh nỗ lực, phấn đấu chấp hành nội quy, quy định về ATGT, phòng chống cháy nổ, phòng chống đuối nước, phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy, chủ động tuyên truyền cho người thân, gia đình, bạn bè cùng chung tay thực hiện.

 Tình trạng học sinh trên địa bàn thành phố Đồng Hới vi phạm ATGT có chiều hướng gia tăng.
Tình trạng học sinh trên địa bàn thành phố Đồng Hới vi phạm ATGT có chiều hướng gia tăng.

Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Đồng Hới đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho giáo viên, học sinh toàn ngành ngay từ đầu năm học mới. 5 năm qua, các trường học phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố, Công an tỉnh tổ chức được 2.036 buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật, thu hút 311.623 lượt giáo viên, học sinh tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng trường học an toàn về ANTT, trong đó chú trọng đến phòng chống tội phạm, trộm cắp tài sản, gây rối; phòng chống tệ nạn xã hội, chấp hành tốt pháp luật ATGT.

Trong 5 năm đã xảy ra 189 vụ việc liên quan đến ANTT trường học, tuy nhiên nhìn tổng quan khi triển khai xây dựng mô hình trường học an toàn về ANTT thì số vụ liên quan đến ANTT trường học năm sau giảm hơn năm trước. Cụ thể: năm học 2011-2012 có 22 vụ việc vi phạm thì đến năm học 2014-2015 chỉ xảy ra 8 vụ việc. Số vụ việc do người ngoài gây ra trong trường học giảm mạnh, năm học 2011-2012 xảy ra 8 vụ, đến năm học 2014-2015 không có vụ việc nào.

Những định hướng lâu dài

Mô hình trường học an toàn về ANTT ở thành phố Đồng Hới đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong việc xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện thời gian vừa qua. Tuy nhiên một thực trạng đáng báo động hiện nay là hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật ATGT đang có chiều hướng gia tăng. Đơn cử năm học 2011-2012 không phát hiện trường hợp vi phạm nào, nhưng đến năm học 2014-2015 đã có 76 trường hợp vi phạm.

Để có những định hướng lâu dài về xây dựng trường học an toàn về ANTT, Ban chỉ đạo thành phố đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: tiếp tục tham mưu cho Thành ủy ban hành nghị quyết lãnh đạo xây dựng mô hình trường học an toàn về ANTT nhằm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ngành Giáo dục thành phố phối hợp với các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, giáo viên, học sinh.

Ngay đầu năm học mới, tiến hành ký cam kết xây dựng trường học an toàn về ANTT giữa các lớp học, các chi đội, chi đoàn... gắn với từng học sinh, ĐVTN cam kết chấp hành tốt về ATGT, phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, chấp hành tốt nội quy, quy định của nhà trường. Rà soát những học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ rèn luyện, tu dưỡng đạo đức phù hợp.

Nhà trường cần chủ động phối hợp với Ban đại diện phụ huynh, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Hội Phụ nữ... tham gia quản lý học sinh tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong và ngoài nhà trường; quản lý các em tham gia giao thông; tham gia học thêm ngoài giờ chính khóa; tham gia các hoạt động đoàn thể, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

T.Long