.

Nguy hiểm chực chờ khi qua cầu phao

Thứ Tư, 19/08/2015, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường, (Quảng Trạch) vẫn hàng ngày qua lại con sông Gianh rộng gần 200m bằng cây cầu phao dân sinh đã xuống cấp nghiêm trọng, mặc cho nguy hiểm rình rập...

Thôn Thuận Hoà nằm cách trung tâm xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch) chỉ tầm 2km, nhưng nơi đây được ví như là một “ốc đảo” nằm cô độc giữa dòng sông Gianh bởi bốn bề là nước. Trước đây, ai muốn qua lại thôn này chỉ có thể sử dụng phương tiện duy nhất là bằng đò.

Chia sẻ nỗi gian nan với người dân, năm 2005, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một ít kinh phí và số tiền còn lại do người dân gom góp làm một cây cầu phao tạm bắc qua sông, cầu được kết cấu bằng những thùng phuy nhựa rồi lát ván lên trên mặt và cố định bằng dây cáp ở 2 đầu cầu với chiều dài 195m, rộng 2m. Trải qua 10 năm, cầu xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân, học sinh luôn phải đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào. Đặc biệt từ sau trận lũ lịch sử năm 2013 cây cầu đã xuống cấp trầm trọng.

Người dân thôn Thuận Hòa qua lại trên cây cầu phao đã xuống cấp bất chấp nguy hiểm chực chờ.
Người dân thôn Thuận Hòa qua lại trên cây cầu phao đã xuống cấp bất chấp nguy hiểm chực chờ.

Ngang qua cầu phao để sang Thuận Hoà, chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh chiếc cầu đã đứt dây cáp một bên, từng tấm ván gỗ trên bề mặt cầu bị mục mối, bong tróc ra từng khúc, lan can của cầu là những thanh tre bó buộc lại bằng những sợi thép đã hoen gỉ, phía dưới dòng nước là những chiếc thùng phuy cái lủng, cái mòn được kết với nhau bằng những sợi dây cao su khiến bề mặt cầu khúc nổi, khúc chìm trông rất chênh vênh.

Trận lũ lịch sử năm 2013 đã cuốn trôi mất cầu khiến bà con thôn Thuận Hoà bị cô lập một thời gian dài, chờ lũ xong, nước rút xuống chính quyền địa phương vận động người dân toàn xã đi nhặt từng chiếc phuy, miếng gỗ, sợi dây về lắp ráp lại để bà con qua lại.

Biết cây cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng, việc đi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi mùa mưa lũ sắp đến gần nhưng người dân thôn Thuận Hoà  vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại mỗi ngày, bởi đây chính là con đường ngắn nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con và nó cũng là con đường duy nhất đi học của gần 200 học sinh sống trên bãi cồn giữa dòng sông này.

Ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn Thuận Hoà cho biết, toàn thôn có 178 hộ dân và 997 nhân khẩu, tuy sống giữa “ốc đảo” nhưng sản xuất nông nghiệp lại ở bên kia sông gần với trung tâm xã, ngày ngày bà con đều phải vượt qua cây cầu phao chao đảo mới đến đồng ruộng canh tác, thu hoạch sản phẩm, giao thương qua lại... Nhưng có lẽ vất vả nhất là các em học sinh trong thôn từ cấp tiểu học đến THPT hàng ngày phải vượt cầu phao qua sông tới trường.

Ông Mai Xuân Nhung (68 tuổi, thôn Thuận Hoà) chia sẻ: “Biết là nguy hiểm rứa đó nhưng người dân vẫn liều mà bước qua chứ có đường mô nữa. Trong thôn đã có nhiều trường hợp qua cầu gặp tai nạn do sự xuống cấp của cây cầu phao, mùa mưa lũ năm nay không biết thế nào nữa. Vùng đất Thuận Hoà là một cái cồn giữa sông Gianh, đời sống bà con rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên việc người dân bỏ tiền để xây dựng một cây cầu vững chắc khó lòng mà đạt được”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết, cây cầu xuống cấp gây nguy hiểm từ nhiều năm nay, chính quyền xã đã khuyến cáo với người dân nên cẩn thận mỗi khi qua cầu. Bên cạnh đó chúng tôi thường xuyên đến kiểm tra cầu, nếu phát hiện có điểm nào hư hỏng thì sửa tạm lại cho bà con đi.

Cũng theo ông Tiến, đó chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài cần phải xây dựng cầu mới bảo đảm an toàn cho người dân khi qua sông. Các cây cầu phao xuống cấp trầm trọng như thế này đang là một lực cản lớn trong việc giao thương kinh tế cũng như phát triển các hoạt động giáo dục, an sinh xã hội nhằm phát triển nông thôn mới. Muốn phát triển bền vững thì việc xây dựng cầu bê tông kiên cố là điều cần thiết để vừa bảo đảm an toàn, sử dụng lâu dài, vừa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Một cây cầu kiên cố, vững chắc thực sự đang là một niềm mơ ước của bà con nơi đây.

X.Phú-P.Hoàng