.

Thú chơi chim của người Cổ Hiền

Thứ Sáu, 19/06/2015, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng tháng 5. Gió qua sông lồng lộng thổi. Những nếp nhà ngói đỏ của ngôi làng nơi ngã ba sông chợt gợi lên bao xúc cảm. Cổ Hiền (Hiền Ninh, Quảng Ninh) - ngôi làng từng được biết đến như một trong “tứ danh hương” của phủ Quảng Ninh và là “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình, đến hôm nay, dẫu qua bao biến thiên của lịch sử, mảnh đất ấy vẫn mang đầy nét đẹp về thuần phong mỹ tục, một làng văn vật với nhiều cảnh, nhiều tình.

Đến Cổ Hiền những ngày đầu mùa gặt, giữa tiếng gió vi vút từ mặt sông rào rạt thổi, vẫn nghe văng vẳng đâu đó tiếng chim hót lảnh lót khắp mọi nẻo thôn, ngõ xóm. Chẳng biết từ bao giờ, thú chơi chim của người Cổ Hiền trở thành một nét văn hóa truyền thống, ăn sâu vào máu thịt của từng thế hệ con em mảnh đất này.

Người Cổ Hiền, bất kể giàu sang, nghèo khó, nhà cao cửa rộng, hay chỉ là một ngôi nhà lụp xụp neo mình bên ngã ba sông, đâu đâu cũng nuôi ít nhất một, hai con chim cảnh, nhiều nhất vẫn là chim cu gáy, chim khướu, chào mào... Họ chơi chim không phải để bán buôn mà đơn giản là một thú vui tao nhã, truyền từ đời này qua đời khác. Ngoài các phong tục đẹp về khuyến học và dạy học, về chế độ tộc trưởng hiếm thấy trong nông thôn... thì thú chơi chim, đặc biệt là chim gáy trở thành thú chơi thanh cao nhất của làng quê văn vật neo mình bên ngã ba sông này.

Người dân Cổ Hiền đam mê chơi chim cảnh
Người dân Cổ Hiền đam mê chơi chim cảnh

Xưa mảnh đất Cổ Hiền nổi tiếng có cụ Lê Hiếu là người đam mê và có tài nuôi chim cảnh. Cụ yêu tiếng chim hót nên có thể ngồi hàng giờ, quên ăn, quên ngủ chỉ để chăm bẵm cho từng con chim, lắng nghe tiếng chim lảnh lót mỗi ngày. Giờ thì người yêu chim ấy đã khuất núi. Người con trai cụ là anh Lê Huy Hoàng cũng có chung niềm đam mê như cha mình. Sáng sáng, trước khi bắt đầu một ngày làm việc tại lò rèn gia đình, anh mang mấy lồng chim cảnh ra trước bờ sông, nghe tiếng chim hót hòa vào tiếng gió sông mát rượi, chợt thấy lòng thư thái lạ. Anh bảo rằng từ nhỏ đã nhiễm cái thú ham chim cảnh từ cha mình, nên giờ dù cuộc sống có vất vả mấy anh cũng không thể gác lại cái thú vui tao nhã ấy. Anh nhớ ngày còn nhỏ, ấn tượng nhất là những buổi thấy cha đứng say mê bên từng lồng chim, chăm chút từng miếng ăn, nước uống cho chim. Nhìn ngắm cha chăm sóc chim gáy mỗi ngày dần trở thành thói quen, rồi hóa đam mê từ buổi nào chẳng rõ. Đến giờ, bận rộn với cuộc mưu sinh nhưng người đàn ông ấy vẫn không quên dành những phút nghỉ ngơi để theo đuổi thú vui “truyền đời” ấy. “Một khi đã nghe tiếng chim trong lồng cất tiếng thì y như rằng, đang làm chi cũng gác lại để nghe tiếng chim hót, mọi mệt mỏi có lẽ vì rứa mà cũng tan biến theo”, người đàn ông ấy giải bày.

Trong cuốn "Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình", cụ Nguyễn Tú đã dành những lời tâm đắc khi viết về thú chơi chim tao nhã của người Cổ Hiền xưa và nay: “Người Cổ Hiền nào cũng biết, cứ mỗi sáng hè nào mà khí trời mát dịu, nếu con chim gáy trong lồng đã cất tiếng gáy cúc cù cu thì đúng như một khúc đàn hồ của bạn tri âm giục người tri kỷ, nhất định phải gác mọi công việc lại để xách chim đi vào bìa rừng nào đó”.

Người Cổ Hiền, từ già đến trẻ, ai ai cũng yêu chim cảnh như thể một món ăn tinh thần để san sẻ cho cuộc sống của họ bớt đi những gánh nặng nhọc nhằn. Nhà ít thì một vài con, nhà nhiều thì lên đến vài chục con. Người đơn giản thì nuôi chim trong lồng tre, lồng sắt, người có điều kiện thì chăm chút, chạm khắc cho mấy lồng chim thêm cầu kỳ, sinh động. Theo các cụ cao niên trong làng, bên cạnh thú chơi chim gáy, người làng Cổ Hiền còn thích nuôi chim khướu. Giống chim này có tiếng hót lanh lảnh, nhảy nhót luôn chân, ồn ào hơn chim gáy.

“Chăm chim cảnh cũng không hề đơn giản nhưng một khi đã đam mê thì việc đó cũng trở thành một thú vui. Mà đã là thú vui thì làm răng bỏ được? Ngày mô không được nghe tiếng chim hót thì thấy nhớ, như thể thiếu thiếu một cái chi đó. Lạ lắm!”, anh Trần Ngọc Sơn – một người chơi chim cảnh ở Cổ Hiền tâm sự.

Người vùng sông nước nên tâm hồn của người Cổ Hiền cũng mênh mang, rộng mở như sông. Sự lạc quan, yêu đời trong cách sống dường như là liều thuốc giúp họ vươn lên giữa nghịch cảnh cuộc đời. Nên dẫu cuộc sống còn vất vả lắm, khó khăn lắm, người Cổ Hiền vẫn cứ hồn nhiên gắn bó với mảnh đất này, với thú chơi chim và những nét đẹp văn hóa cổ truyền của chính quê hương mình như máu thịt, như hơi thở.

Diệu Hương