.

Người truy bắt, vận động 27 đối tượng truy nã

Thứ Sáu, 12/06/2015, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Thiếu tá Hoàng Tiểu Phương, sinh năm 1977, đảng viên, công tác tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm là một trong những điển hình của Công an tỉnh về việc thực hiện công tác truy nã, giai đoạn 2004-2014.

Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ của một trinh sát, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn, đối tượng, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để xác minh, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đạt hiệu quả cao. Anh đã cùng với đồng chí, đồng đội trực tiếp bắt, vận động đầu thú 27 đối tượng truy nã. Từ 2004 đến nay, anh đã được Giám đốc Công an tỉnh tặng 4 giấy khen, đặc biệt anh đã được tặng thưởng giấy khen về thành tích 10 năm thực hiện nhiệm vụ truy nã đối tượng, giai đoạn 2004-2014.

Tâm sự cùng anh, chúng tôi mới thấy hết được những khó khăn, vất vả trong công việc của những người lính truy nã. Dẫu vậy, với vai trò là một cán bộ, đảng viên, thiếu tá Phương đã không quản ngại hy sinh, xông xáo đi đầu trong trong công tác, đến bất cứ nơi đâu có những manh mối thông tin của các đối tượng, anh điều tra, xác minh và củng cố thêm tài liệu, hồ sơ cho thật chính xác để khi tiến hành bắt hay vận động đối tượng thì không cho phép bất cứ một sai sót nào xảy ra.

Gần đây nhất, trong năm 2014, Hoàng Tiểu Phương đã trực tiếp phá chuyên án 030-C, bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Đoàn Văn Thỏa, bỏ trốn khỏi nơi giam giữ sau gần 20 năm. Đoàn Văn Thỏa là một đối tượng phạm nhiều tội như cướp, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Thời gian bỏ trốn của Thỏa lúc đó là đang thi hành án với mức án 9 năm tù giam tại Trại giam Đồng Sơn.

Lợi dụng sơ hở lúc đang đi lao động cải tạo, Thỏa đã bỏ trốn biệt tăm khi mới thi hành án được 2 năm. Thỏa đã đi đến nhiều nơi, vào tỉnh Bình Thuận, ra đảo Phú Quý, đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, rồi về huyện Xuyên Mộc của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều đáng nói ở chuyên án này, đó chính là đối tượng đã thay đổi và di chuyển chỗ ở qua nhiều địa điểm; thời gian lẩn trốn tương đối dài; khi bỏ trốn đối tượng đang là thanh niên, tới khi bị bắt thì Đoàn Văn Thỏa đã lập gia đình và có tới 4 đứa con. Đoàn Văn Thỏa lập gia đình từ năm 1994 sau hai năm bỏ trốn, vợ Thỏa là chị Nguyễn Thị L., người gốc Huế, nhưng cũng đã vào Nam lâu năm để sinh cơ lập nghiệp. Hai người lấy nhau ở huyện Xuyên Mộc, song hàng tháng, Thỏa lại về xã Long Hải ở huyện Long Điền của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để hành nghề đánh bắt xa bờ, mỗi tháng chỉ đảo về nhà một hai lần...

Tuy nhiên, hành tung của Thỏa đã không qua khỏi con mắt của các trinh sát truy nã, và người có công lớn trong vụ án này đó chính là thiếu tá Hoàng Tiểu Phương. Với bề dày kinh nghiệm trong công tác phát hiện, truy bắt đối tượng truy nã và bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, anh và đồng đội đã nắm chắc quy luật hoạt động của Thỏa. Vượt hàng ngàn cây số, anh và đồng đội đến Bà Rịa-Vũng Tàu thì Thỏa đang đi đánh cá xa bờ gần cả tháng trời. Các anh phải đợi đến con trăng tiếp theo mới bắt được Thỏa...

Bao nhiều năm làm truy nã, anh nhận thấy rằng, người phạm tội rồi sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng khổ nhất là những người thân ở lại. Giá như những đối tượng này biết dừng lại đúng lúc thì mọi chuyện đã khác nhiều. Chứng kiến cảnh chia tay của gia đình Đoàn Văn Thỏa, không ai có thể cầm lòng. Đứa con đầu sinh năm 1994, nhưng đứa bé nhất cũng mới chưa tới 1 tuổi. Khi lên xe để di lý ra Quảng Bình, Thỏa chỉ kịp dặn vợ rằng, dù có khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng cho các con ăn học đàng hoàng...

Có thể nói, các đối tượng truy nã lẩn trốn hết sức tinh vi, nên công tác truy bắt gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Để bắt đối tượng truy nã có hiệu quả, theo thiếu tá Hoàng Tiểu Phương, “ngoài các biện pháp nghiệp vụ, thì mỗi người lại phải có cái duyên với nghề”. Và cái duyên ấy đã bén vào anh, với hàng chục chuyến đi nhưng chưa chuyến nào anh và đồng đội phải "về tay không”...

Ngô Quang Văn