.

Rào cản trong công tác dân số ở Minh Hóa

Thứ Sáu, 03/04/2015, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương nhưng do nhiều rào cản, những hoạt động này chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn.

Vấn đề kiểm soát gia tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số là chiến lược trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, đồng thời cũng là một trong những ưu tiên trong chỉ đạo thực hiện chính sách kinh tế- xã hội của tỉnh ta. Là huyện miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn tương đối rộng, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức cao, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao,  nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ... nên công tác DS-KHHGĐ của huyện Minh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2014, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và nỗ lực của cán bộ chuyên trách dân số và các cộng tác viên dân số, công tác DS-KHHGĐ của huyện Minh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các chỉ tiêu dân số quan trọng được giao cơ bản được thực hiện hoàn thành. Cụ thể, tỷ suất sinh là 17,87o/oo, giảm 2,170o/oo so với năm 2013; tổng số trẻ sinh ra 922 cháu, giảm 91 cháu so với năm 2013; tổng số người áp dụng biện pháp tránh thai trong năm 2014 đạt 112 % kế hoạch, trong đó, đình sản đạt 120% kế hoạch, thuốc tiêm tránh thai đạt 196%, dụng cụ tử cung đạt 89,45%, bao cao su đạt 102%, thuốc uống tránh thai đạt 125%...

Tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng dân số địa phương.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng dân số địa phương.

Các mô hình như “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Sàng lọc trước và sơ sinh”, “Giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” và mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng đều được chú trọng thực hiện tốt, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dân số ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu nhưng công tác dân số vẫn còn nhiều rào cản như: tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, trẻ suy dinh dưỡng còn nhiều (theo báo cáo thống kê, năm 2014, trẻ sinh ra toàn huyện là 922 cháu, trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 161 cháu, chiếm 17,46 %, tăng 0,98 % so với 2013); vẫn còn một số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; tỷ lệ chênh lệch giới tính vẫn còn cao (103,89 bé trai/100 bé gái); cơ sở vật chất thiếu thốn; thù lao cho cán bộ làm công tác dân số còn thấp nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc...

Ông Cao Xuân Phẩm, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa cho biết: Cơ sở vật chất nói chung và trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc SKSS/ KHHGĐ ở các cơ sở y tế của huyện vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tuyến xã, thị trấn. Cụ thể, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhân lực, thời gian gửi mẫu máu qua đường bưu điện từ huyện Minh Hoá về Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh Trường đại học Y - Dược Huế chậm, quá thời gian quy định 24 - 36 tiếng. Định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật (như lấy mẫu máu gót chân) thấp nên chưa thực hiện được chỉ tiêu giao.

Ngoài ra, nguồn cung ứng phương tiện tránh thai còn thiếu (năm 2014, sử dụng thuốc cấy  tránh thai chỉ đạt 8% so KH) chưa kịp thời nhu cầu của đối tượng, do vậy khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; thuốc và chi phí hỗ trợ cho điều trị các ca viêm nhiễm đường sinh dục trong chiến dịch không có nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các gói dịch vụ trong chiến dịch và vận động đối tượng; chế tài xử phạt về vi phạm chính sách DS - KHHGĐ chưa đủ mạnh... đó là những rào cản ảnh hưởng rất lớn đến công tác dân số ở địa phương.

Trong thời gian tới, Minh Hóa xác định các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể phải vào cuộc mạnh mẽ để tạo chuyển biến trong cộng đồng, đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực, vững chắc để làm tốt công tác DS-KHHGĐ nói chung và hạn chế việc sinh con thứ 3 nói riêng. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ các cấp; kiểm tra, rà soát để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, hương ước, quy ước liên quan đến công tác DS-KHHGĐ; tổ chức phát động ký cam kết thi đua hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; UBND các xã, thị trấn quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động DS-KHHGĐ.

P.V