.

Thương cảnh mẹ già bệnh tật nuôi con bị chất độc da cam

Thứ Ba, 13/01/2015, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Mấy năm nay, hễ cứ nhắc đến hoàn cảnh của bà Trần Thị Tùy (SN 1948), người dân thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa (Quảng Trạch) không khỏi bùi ngùi, thương cảm. Từ ngày chồng mất, bà Tùy vẫn lầm lũi chăm sóc cho người con bị chất độc da cam nằm liệt giường gần 40 năm dù cho bệnh tật đeo đẳng, hành hạ...

Ngày chúng tôi tìm đến, căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm trong xóm nhỏ đóng cửa im lìm. Gọi cửa mãi mới thấy bà Tùy lên tiếng, một giọng nói yếu ớt cất lên. Chúng tôi đẩy cửa đi vào, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá, vết bụi bám đầy những chiếc ghế gỗ đã cũ mòn. Bà Tùy nằm trên giường, cố gắng ngồi dậy chào khách. Chiếc giường đối diện là của người con gái thứ 2, chị Hoàng Thị Yến (SN 1977), sinh ra đã bị chất độc da cam, không ý thức được, nằm một chỗ gần 40 năm nay. Nhìn đứa con bệnh tật, ngây dại, bà Tùy ngậm ngùi: “Mấy hôm nay trời lạnh quá, mỗi lần gió lùa vào hắn lại la hét, rên rỉ vì lạnh nên suốt ngày phải đóng cửa”.

Bà Tùy chăm sóc người con bị chất độc da cam.
Bà Tùy chăm sóc người con bị chất độc da cam.

Bà kể, bà cùng chồng là ông Hoàng Thanh Soa (SN 1945) đều tham gia thanh niên xung phong tại chiến trường miền tây Quảng Trị từ năm 1969 – 1973. Đến cuối năm 1973 hai người kết hôn và có với nhau 5 người con. Hòa bình lập lại, hai ông bà trở về quê sinh sống. Trở lại đời thường, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài mấy sào ruộng, ông bà cũng không làm được các công việc khác do sức khỏe đã bị vắt kiệt bởi những năm tháng chiến tranh.

Càng khó khăn hơn khi cả mấy người con của ông bà cũng chẳng được như những đứa trẻ cùng trang lứa, cứ trái gió trở trời lại đau ốm triền miên. Riêng chị Yến từ lúc sinh ra đến nay vẫn nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông nhờ vào người khác. Sau này đi khám bệnh bà mới biết chồng bị nhiễm chất độc da cam nên các con cũng bị di chứng của chất độc quái ác kia. Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, hai ông bà cùng tựa vào nhau lo cho các con ăn học và chăm sóc người con bệnh tật. Lớn lên các con của ông bà đều vào miền Nam kiếm sống, cuộc sống chật vật cũng chẳng dư giả gì để giúp đỡ gia đình. Còn hai ông bà dựa vào ít tiền trợ cấp chất độc da cam ít ỏi của ông Soa để sống qua ngày và chăm sóc cho chị Yến.

Mấy năm trước, trong một lần đi thăm người thân ở Đồng Hới, ông Soa bị  tai nạn giao thông. Vốn sức khỏe đã yếu, ông Soa đã không qua khỏi. Từ đây, mọi việc trong gia đình đều đổ lên vai bà Tùy. Hai mẹ con bữa rau, bữa cháo tựa vào nhau sống qua ngày. Đầu năm nay, bà bị ốm phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị suy thận cấp, phải nằm viện mất mấy tháng trời. Về nhà sức khỏe của bà Tùy đã xuống hẳn, việc đi lại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mọi sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con đều trông nhờ vào người cháu. Nhìn cảnh mẹ già lẫm lũi nuôi con ngây dại, nhiều người không khỏi chạnh lòng, thương cảm. Thi thoảng đến bữa cơm, những người hàng xóm tốt bụng lại mang cơm đến cho hai mẹ con.

“Thân già chẳng biết sống được bao lâu nữa nhưng chỉ thương cho đứa con gái bất hạnh này thôi, mấy chục năm nay nó vẫn như vậy. Không biết khi mình nằm xuống ai sẽ lo cho nó nữa...”, bà Tùy ngậm ngùi chia sẻ.

X.Phú

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:

Bà Trần Thị Tùy, thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch.

Điện thoại: 0985529761 (gặp ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Quảng Trạch).