.

Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm: Vẫn còn nhiều hạn chế

Thứ Sáu, 04/07/2014, 18:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án; tăng cường chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác dạy nghề  và giải quyết việc làm vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế...

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở đào tạo nghề (tăng 3 cơ sở so với năm 2011), với 123 phòng học lý thuyết, 84 phòng/xưởng thực hành và 3 thư viện. Trong đó có 3 trường trung cấp nghề (có 1 trường trung cấp nghề tư thục), 6 trung tâm dạy nghề công lập và 18 cơ sở khác có tham gia dạy nghề (6 cơ sở dạy nghề ngoài công lập).

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề đang từng bước được đầu tư hoàn thiện, nhiều cơ sở dạy nghề được xây mới, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng dạy học... đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ dạy nghề.

Riêng trong 3 năm (2011-2013) kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề là 47.727 triệu đồng. Trong đó, nguồn từ dự án đổi mới và phát triển dạy nghề 9.000 triệu đồng, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn 38.607 triệu đồng, đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề 120 triệu đồng.

Từ năm 2011 đến hết năm 2013, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được 43.134 lao động; trong đó: hệ cao đẳng 108 người, hệ trung cấp 3.516 người, sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng 39.510 người (năm 2011 đào tạo  được 12.720 người, năm 2012  được 13.256 người và năm 2013 là 13.534 người).

Thực hành nghề may của học viên Trường trung cấp nghề Quảng Bình.
Thực hành nghề may của học viên Trường trung cấp nghề Quảng Bình.

Công tác dạy nghề đã lựa chọn những nghề mà xã hội đang cần và từng bước gắn với giải quyết việc làm, vì vậy phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Công tác giải quyết việc làm đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2011 đã giải quyết việc làm cho 31.209 người, trong đó tạo việc làm mới cho 20.176 người (thông qua xuất khẩu lao động 2.290 người), tạo việc làm thêm cho 11.033 người. Năm 2012, giải quyết việc làm cho 30.580 người, trong đó tạo việc làm mới cho 18.659 người (thông qua xuất khẩu lao động 2.090 người), tạo việc làm thêm cho 11.921 người. Năm 2013, giải quyết việc làm cho 31.420 người, trong đó tạo việc làm mới cho 21.022 người (thông qua xuất khẩu lao động 2.397 người), tạo việc làm thêm cho 10.398 người.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm. Việc tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, về định hướng nghề nghiệp thiếu thường xuyên, chưa coi trọng việc học nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt thông tin liên quan đến nhu cầu học nghề và kết quả việc làm sau học nghề chưa được triển khai một cách khoa học, thường xuyên. Số cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn khả năng thu hút lao động còn thấp, vì vậy, nhiều lao động được đào tạo nghề chưa có việc làm ổn định, hoặc không có việc làm. Mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm còn hạn chế. 

Ngành nghề đào tạo còn đơn điệu, chưa thực sự chú trọng tìm hiểu nhu cầu của các địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, có địa chỉ, theo nhu cầu của người sử dụng, nhất là các nghề có yêu cầu cao về kỹ thuật như: cơ khí, tự động hóa, dịch vụ khách sạn cao cấp... Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn còn hạn chế. Cơ cấu trình độ đào tạo nghề, cơ cấu ngành nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng chưa phù hợp, chưa kịp thời bổ sung các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động...

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thiết nghĩ, UBND tỉnh cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề, danh mục ngành nghề tại các cơ sở nhằm thống nhất về ngành nghề, mục tiêu đào tạo, khung chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo, thời gian đào tạo, việc cấp và quản lý bằng nghề, chứng chỉ nghề, học phí... trên cơ sở nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động; khuyến khích phát triển dạy nghề gắn với việc làm tại chỗ nhằm sử dụng lao động nhàn rỗi tại địa phương; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến việc làm, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp có sử dụng người lao động; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đồng thời, thành lập Quỹ hỗ trợ học nghề, Quỹ hỗ trợ việc làm của tỉnh để hỗ trợ cho người học nghề, lao động không có việc làm, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất.

Các sở, ngành và các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua.Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, giải quyết việc làm; điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với thựctế.

Đối với các cơ sở tham gia đào tạo nghề cần tổ chức các lớp học nghề có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và điều kiện đào tạo nghề cho lao động của địa phương, chú trọng chất lượng đào tạo nghề; tích cực, chủ động liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đạo tạo nghề trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề  bảo đảm hiệu quả.

Hương Trà