.

Công tác cứu hộ, cứu nạn: Nỗi lo còn hiện hữu

Thứ Sáu, 04/07/2014, 14:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta là một trong những tỉnh nắng lắm, mưa nhiều. Mùa đông thường đối mặt với bão, lũ, sạt lở và mùa hè đối diện với cháy nổ, các tai nạn trên sông, trên biển... Vì vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn luôn được coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm của lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC và CHCN) thuộc Công an tỉnh Quảng Bình.

Thực trạng về các sự cố cháy nổ, thiên tai...

Chắc hẳn nhiều người dân thành phố Đồng Hới vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ cháy Trung tâm văn hóa tỉnh ngày 4-4-2013, nguyên nhân do chập điện gây ra hỏa hoạn. Đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ nội thất cũng như phá hỏng kiến trúc ngôi nhà, làm thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Hay vụ cột thu phát sóng Đài tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới cao 150m bị đổ sập vào ngày 30-9-2013 do cơn bão số 10 gây ra làm 2 người bị chết và 1 người bị thương nặng. Và đầu năm 2014 trong tất cả các vụ phải cứu hộ, cứu nạn điển hình có vụ cháy kho chứa vật liệu tại Nhà máy nước sạch ở khu kinh tế Hòn La, gây thiệt hại cho đơn vị 300 triệu đồng.

Ngày 7-4-2014 đội cứu hộ, cứu nạn cũng đã nhận được tin báo bị rò rỉ khí dầu mỡ hóa lỏng tại quán café Nghệ Sỹ Quán. Sau khi nhận được tin báo, các chiến sỹ trong đội cứu hộ, cứu nạn tỉnh đã có mặt kịp thời xử lý vì thế không xảy ra hậu quả đáng tiếc nào...

Theo thống kê sơ bộ của đơn vị PCCC và CHCN thì trong năm 2013 toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy nhà dân làm 3 người bị thương và gây thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng; cháy rừng có 7 vụ làm thiệt hại 70 triệu đồng; cháy các cơ sở tư nhân có 3 vụ (thiệt hại 60,5 triệu đồng); cháy trụ sở cơ quan 3 vụ (thiệt hại gần 20,3 tỷ đồng); cháy chợ có 3 vụ (thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng), đồng thời, lực lượng cũng đã cứu hộ cứu nạn 4 vụ. Riêng trong gần 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh ta đã xảy ra 12 vụ cháy (cháy nhà dân 7 vụ, trụ sở cơ quan 2 vụ và 3 vụ cháy chợ) với tổng thiệt hại gần 700 triệu đồng và lực lượng PCCC và CHCN đã tham gia cứu hộ, cứu nạn 3 vụ.

Nguyên nhân xảy ra những sự cố ngoài ý muốn nêu trên chủ yếu là do cháy vì chập điện, do sơ suất khi dùng lửa đốt phát nương rẫy, làm vệ sinh không đúng cách, hay do sự cố kỹ thuật và bất cẩn khi hàn cắt kim loại. Nhiều trường hợp khách quan như sa sẩy chân khi đi tắm sông, tắm biển và hy hữu là một số trường hợp do nạn nhân tự tử...

Đội cứu hộ cứu nạn cần được đào tạo và bổ sung nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đội cứu hộ cứu nạn cần được đào tạo và bổ sung nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra các sự cố đang là nỗi trăn trở lớn đối với lực lượng PCCC và CHCN trên địa bàn tỉnh ta.

“Cái khó bó cái khôn”  

“Có nhiều trường hợp đi cứu hộ, cứu nạn chúng tôi lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Vẫn biết là phải cố gắng bằng mọi cách, mọi biện pháp để xử lý tốt tình huống nhưng thiếu phương tiện, thiếu con người, các chiến sỹ phải cứu hộ, cứu nạn dựa trên kinh nghiệm là chính... vì thế đã có những hạn chế nhất định. Chính thực trạng này đang gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cán bộ, chiến sỹ làm công tác PCCC và CHCN khi thực thi nhiệm vụ...” - Trung tá Phạm Văn Phước, Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp đơn vị PCCC & CHCN tỉnh tâm sự.

Được biết, “nhóm” cứu hộ, cứu nạn của tỉnh hoạt động bắt đầu từ năm 2001 (đơn vị đang có đề án đề xuất thành lập một đội chuyên về cứu hộ, cứu nạn). Đến nay “nhóm” hoạt động đều đặn với khoảng 50/89 chiến sỹ chủ chốt (chia ra hai nhóm: Một phụ trách khu vực phía Nam và một là khu vực miền núi).

Hàng năm, công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ cứu hộ, cứu nạn đang còn rất ít và hạn chế. Được biết từ trước đến nay lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh chỉ được tham gia 4 đợt tập huấn với 11 CBCS tham gia. Từ trước đến nay, ngoài một số cán bộ, chiến sỹ được đưa sang nước ngoài học tập, nghiên cứu về lĩnh vực này thì toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn chỉ được đào tạo chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy.

Điều này giải thích vì sao việc đánh giá tình hình, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc những bài học rút ra từ thực tiễn. Còn khi đối mặt với những tình huống đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cần hội tụ một số kỹ năng về tâm lý học, sơ cứu, cấp cứu nạn nhân thì phần lớn cán bộ, chiến sỹ đều lúng túng. Chính với điều kiện thiếu thốn như hiện tại, lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo thống kê của đơn vị PCCC và CHCN tỉnh thì toàn lực lượng CHCN tỉnh chỉ có 3/7 chiếc xe còn hoạt động được 70%, trong đó có 2 xe bồn tiếp nước có thể tích 4m3 và 16m3, 1 xe bơm có thể tích 900 lít, 3 máy bơm tiếp nước, cùng một số phương tiện phụ khác như đệm hơi cứu người, thang dây, bộ phá dỡ thủy lực, máy hút - thổi khói... Tuy nhiên, số phương tiện, thiết bị này thường xuyên gặp sự cố khi hoạt động (do có “tuổi thọ” cao và phải linh hoạt biến đổi công năng).

Trung tá Phạm Văn Phước, Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp đơn vị PCCC và CHCN tỉnh cho rằng: Với chức năng và trang thiết bị như hiện nay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chỉ giải quyết được các tình huống nhỏ, chủ yếu có liên quan đến hỏa hoạn, bởi khi gặp những sự cố lớn,  việc thiếu thốn phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẽ dẫn đến tình trạng các nạn nhân có thể đối mặt với chấn thương. Hiện nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa được trang bị các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ trên sông, trong điều kiện có hóa chất độc hại...

Công suất phương tiện cứu hộ, cứu nạn thấp và dần xuống cấp.
Công suất phương tiện cứu hộ, cứu nạn thấp và dần xuống cấp.

Ngay cả trong lĩnh vực được tập huấn nhiều như cứu hộ, cứu nạn trong các vụ hỏa hoạn, lực lượng làm làm nhiệm vụ vẫn phải huy động, trưng dụng các phương tiện khoan cắt, phá dỡ của các doanh nghiệp xây dựng, vận tải. Điều này khiến lực lượng CHCN luôn ở tình thế bị động, không thể tự triển khai đội hình, mất nhiều thời gian chờ đợi và quan trọng hơn là phải sử dụng các loại phương tiện không bảo đảm yêu cầu.

Để thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn

Nguyên tắc của công tác cứu hộ cứu nạn là phải tiến hành kịp thời bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người. Khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Nhiệm vụ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn là phải nhanh chóng cứu hộ cứu nạn với các tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và tham gia cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn khác khi được yêu cầu. Phải bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo các tình huống.

Các tình huống cứu hộ, cứu nạn chủ yếu là: có người bị nạn trong sự cố cháy nổ. Có người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm hay bị các sự cố do sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình, hoặc có người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt. Đồng thời,  các tình huống khác như có người mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm...

Ðể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn có hiệu quả, kinh nghiệm trong những năm qua ở tỉnh ta cho thấy, trước hết đội cứu hộ, cứu nạn phải sớm được thành lập và xây dựng, triển khai phương án đến các ngành, xã, thị trấn. Ðồng thời, thường xuyên quán triệt sâu sắc nhiệm vụ phòng chống lụt, bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau lũ, bão xảy ra ngày càng có hiệu quả như việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, sắp xếp chỗ neo đậu tàu thuyền, hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống...

Ngoài những kết quả đạt được, đội cứu hộ, cứu nạn cần khẩn cấp trang cấp thêm phương tiện tối thiếu để công tác cứu hộ cứu nạn hạn chế được mức thấp nhất rủi ro như: Xe chữa cháy, xe cứu hộ, cứu nạn phải bảo đảm được vận hành, xe tẹc chở nước loại 10m3, xe thang loại 32m, máy bơm chữa cháy, tàu chữa cháy đường thủy, xe chỉ huy chữa cháy, xe thông tin, ánh sáng, xe bán tải chở phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xe cứu thương, máy phát điện, đệm hơi cứu người, quần áo lặn, bình dưỡng khí, đèn chiếu sáng dưới nước...

Bên cạnh đó, đơn vị PCCC và CHCN cần hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, tránh sơ sài, qua loa, hình thức mà tập trung làm tốt các giải pháp và phân công lực lượng ứng cứu chi tiết, cụ thể. Đồng thời, các tiểu ban như Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn; Tiểu ban tiền phương; Tiểu ban hậu phương và Tiểu ban tổng hợp huyện triển khai kế hoạch phối hợp để cùng các cụm PCLB huyện điều hành nhịp nhàng, có hiệu quả.

Để từng bước cải thiện, đáp ứng nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh, mới đây, đơn vị Cảnh sát PCCC và CHCN tỉnh cũng đã lên kế hoạch sẽ thành lập một lực lượng “chuyên nghiệp” về cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời đơn vị cũng đề xuất trang bị mới, trang bị thêm một số phương tiện đang thiếu và xuống cấp. Hy vọng, trong thời gian tới công tác cứu hộ cứu nạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiền Phương