.
Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014):

Không còn nặng gánh trần gian

Thứ Bảy, 21/06/2014, 05:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi thảng thốt giật mình... vì rằng ý định viết vài dòng tưởng nhớ về anh trong tháng sáu này đã có từ lâu, nhưng lần lữa mãi... đến khi thả rơi con chữ đầu tiên về anh lại nhằm ngày 16-6 dương lịch, đúng trọn một năm anh ra đi.

1. Anh là Hoàng Quang Trung, một nhà báo có nhiều đóng góp cho nền báo chí tỉnh nhà sau ngày tái lập tỉnh cũng như cho Hội Nhà báo tỉnh khi anh sang giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Trong cuộc đời, nhiều khi giữa người với người thường có cơ duyên với nhau để rồi gắn bó cùng nhau cho đến khi đi hết cuộc đời. Tôi với nhà báo Hoàng Quang Trung có thể ví như vậy, cho dù anh sớm “bỏ cuộc chơi” cùng cái nghiệp chữ nghĩa, không còn nặng gánh trần gian, để lại bao tiếc thương cho người thân và đồng nghiệp.

Tôi còn nhớ, năm 2000 khi vừa tốt nghiệp cử nhân báo chí tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn cuộc đời bằng ánh mắt tròn trịa, hồng hồng, được một người quen giới thiệu, tôi “vác” hồ sơ đến xin việc tại Báo Quảng Bình. Trụ sở cơ quan hồi đó đang ở số 6- đường Lý Thường Kiệt, bây giờ ngôi nhà xưa đã trở thành hoài cổ khi không còn chút dấu tích về sự tồn tại của mình.

Nhà báo Hoàng Quang Trung lúc đó là Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính Báo Quảng Bình. Bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn có thể mường tượng rõ nét về anh khoảng khắc ban đầu gặp nhau ấy. Tiếng anh nói chuyện oang oang rung cả gian phòng chật hẹp: “Vào đây làm gì?”.  “Con nai vàng ngơ ngác” trả lời: “Dạ, xin việc!”. Hỏi: “Học ở đâu?”. Trả lời: “Dạ! Hà Nội”. “Quê quán?”. “Dạ! Quảng Trị”... Dường như thấy bộ dạng tôi thảm hại lắm, anh bật cười rõ to, gương mặt phúc hậu hồng lên: “Hồ sơ đâu? Rồi... rồi. Để đó!”. Vậy là tôi chính thức bước chân vào Báo Quảng Bình... ngoảnh đi, ngoảnh lại thời gian trôi qua 14 năm. Một năm tròn chúng tôi vắng anh.

Nhiều lần ngang qua trụ sở Hội Nhà báo tỉnh, ngó vô căn phòng xưa anh làm việc, căn phòng đóng cửa cũng trọn năm. Bất giác ngẩn người ra, mường tượng thấy dáng anh nửa ngồi, nửa ngã ra trên chiếc ghế sau bàn làm việc, tay cầm điện thoại, tiếng oang oang: “Rồi... rồi!”.

2. Anh vốn tính hay ôm đồm, hay thương người lại rành hết tất cả các ngóc ngách, sở, ngành, lãnh đạo các địa phương cũng như cấp tỉnh. Biết! Anh sẵn sàng giúp đỡ tận tình mọi người quanh mình dù rằng chỉ là người quen ban sơ. Họ nhận sự giúp đỡ của anh xong, có thể không bao giờ quay lại gặp để có một lời cảm ơn chân thành.

Nhà báo Hoàng Quang Trung (áo trắng ngoài cùng bên phải) trong một lần đi thực tế tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa.
Nhà báo Hoàng Quang Trung (áo trắng ngoài cùng bên phải) trong một lần đi thực tế tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

Nói anh “ôm rơm nặng bụng”, anh chỉ cười rổn rảng “Giúp người, để đức cho cháu con”. Những lúc rảnh rỗi, khi sức khỏe anh còn tốt, hai anh em thường rủ nhau chui vào một góc quán nhỏ uống vài ly bia, nói chuyện trên trời dưới đất. Những lúc như thế, điện thoại anh đổ chuông liên tục, lại nghe cái câu cửa miệng từ anh “Rồi... rồi...!”. “Có người nhờ cái này, cái kia chứ gì?”- Tôi bắn trúng tim đen của anh. Hoàng Quang Trung có một biệt tài không mấy ai so được đó là nhớ số điện thoại di động của những người quanh mình. Anh tếu táo: “Trong đầu tao có hơn 100 số điện thoại... nên lưu vào danh bạ làm gì cho mất công”.

3. Vợ anh mất đột ngột, đang là người sống vô tâm, vô tư, sống dành phần nhiều cho công việc, bỗng nhiên nhận một cú sốc cực lớn, người anh xọp đi. Lo tang khó xong cho chị, ngôi nhà hai tầng ở đường Trần Hưng Đạo, ngay cạnh Cầu Rào chợt nhiên trống vắng, từ giờ một nách anh gà trống nuôi hai con trai “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ngôi nhà càng thêm quạnh hiu vì thiếu bóng dáng phụ nữ.

Hoàng Quang Trung vẫn một mình đi bên phía cuộc đời sôi động. Ngày anh sôi động, vùi đầu vào công việc cơ quan, vào những mối quan hệ như tơ giăng của mình. Đêm, nằm trên chiếc võng đu đưa, tay ngang trán cô độc.

Mãn tang chị, tôi bảo: “Hay là anh đi thêm bước nữa. Thằng Dũng, thằng Hùng đều lớn rồi. Mai này chúng có gia đình riêng, lấy ai chăm anh. Nhớ lời người xưa nói nhé “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Mà đâu phải chỉ mình tôi khuyên anh, nhiều người thân của anh cùng có chung quan điểm như thế. Anh nghe, xuề xòa: “Rồi... rồi!”. Đứa con trai sau- thằng Hùng, khi vào đại học năm một, thương bố, viết thư về bảo: “Bố lấy vợ lại đi, chúng con đã lớn. Bố không cần phải lo cho anh em con đâu. Đời bố thiệt thòi quá nhiều rồi”. Anh làm mình, làm mẩy với con, gạt phắt đi: “Rồi... rồi! Để bố tính!”.

Anh tính... khi rất nhiều người phụ nữ thương anh sẵn sàng đến với anh, sống cùng anh tận cuối con đường dương thế. Không biết anh tính thế nào, tôi vẫn chỉ thấy anh độc hành trên quãng dốc đời xuôi về chiều.

Lần thứ nhất anh bị tai biến nhẹ, từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới về vẫn tiếp tục công tác bình thường. Chỉ khác đi chút là một bên chân khập khễnh. Vẫn vui với mọi người, vẫn lạc quan với cuộc đời. Trong góc quán nhỏ thân quen, dấm dúi cho anh một cốc bia nhỏ. Một và chỉ một thôi, bác sỹ khuyên vậy, anh cũng phải biết giữ mình- Tôi bảo anh thế. Hoàng Quang Trung cười khà: “Chết thế nào được. Đời tao còn dài lắm!”.

Câu chuyện loanh quanh rồi đọng lại ở một vấn đề, anh cần tìm gấp cho mình người bạn đời nương tựa lúc tuổi già. Đó! Anh thấy chưa, bao người ốm đau đều một tay phụ nữ chăm sóc, anh thì có ai? Những người phụ nữ đến với anh lúc anh còn sung sức, giờ anh ngã bệnh... thấy ai đâu? Nghe ra có vẻ thấm, anh day ánh mắt đăm đăm ngó ra dòng đời tấp nập bên ngoài “Ừ! Rồi, rồi... để tao tính”.

Chưa kịp tính toán “ra môn, ra khoai” về chuyện gia đình, Hoàng Quang Trung tiếp tục bị tai biến lần hai, lần ba. Bệnh tật quật ngã anh một cách không thương tiếc. Đêm ở lại bên anh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới, nhìn cơ thể một thời cường tráng thế, nay xép ve lại, liệt mất một nửa người. Xót lắm! Chỉ có ánh mắt anh vẫn cứ cười... khi cơn đau dứt, bàn tay còn chút sức lực nắm lấy tay tôi bóp nhẹ, ray rứt! Hoàng Quang Trung ơi! Anh cố gượng dậy nhé, đừng vội buông xuôi, một bên đời sôi động đang chờ anh. Thằng Dũng, thằng Hùng đã mất mẹ, chúng cần anh. Người thân, đồng nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào anh...

Nhưng anh vẫn dứt áo, đang tâm vứt gánh nặng trần gian mà đi về phía vô cùng. Điện thoại của đồng nghiệp anh đổ chuông chuyền bức thông điệp buồn: Hoàng Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam tỉnh đã mất. Buổi sáng ngày 16-6-2013 (nhằm ngày 9-5 Quý Tỵ), anh lặng lẽ vĩnh biệt mọi người.

Tháng sáu này, khi tôi thả rơi những con chữ viết về anh, thì trọn năm “Anh đi về phía vuông tròn/ Trần gian lấm láp mãi còn nắng mưa”.

Thanh Long