.

Hết "quan", hoàn "nhà báo"

Thứ Sáu, 20/06/2014, 18:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 4 năm 2008, ông Hồ Duy Thiện, nguyên Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa về hưu. Từ khi hết làm “quan”, ông đã hoàn “nhà báo”. Cũng từ đó, tên tuổi ông đã trở nên quen thuộc với bạn đọc Báo Quảng Bình và một số tạp chí hay các tờ báo Trung ương khác.

 

“Nhà báo” Hồ Duy Thiện đang xử lý tin, bài.
“Nhà báo” Hồ Duy Thiện đang xử lý tin, bài.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1970 chàng sinh viên năm thứ 5, Trường đại học Thủy lợi-Hồ Duy Thiện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ông được bổ sung vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 thường xuyên hoạt động và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Đến năm 1975, ông cùng đơn vị tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phan Rang (Ninh Thuận), Long Thành (Đồng Nai). Đặc biệt, ngày 30-4-1975 ông cùng với những đoàn quân hừng hực khí thế như chẻ tre tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Khi hòa bình lập lại, năm 1976 anh lính Hồ Duy Thiện gác súng quay lại việc học hành. Năm 1977, ông tốt nghiệp đại học và được điều về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, Văn phòng Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Tỉnh đội Bình Trị Thiên... Năm 1988, ông chuyển ngành về quê nhà công tác với chức danh Phó chánh Văn phòng UBND huyện, rồi giữ các chức: Chánh văn phòng, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tuyên Hóa. Trong thời gian công tác, ông luôn thể hiện được năng lực lãnh đạo, thể hiện tâm, đức trong sáng. Tháng 12- 1999, ông được HĐND huyện tín nhiệm bầu Chủ tịch UBND huyện cho đến khi nghỉ hưu (năm 2008). 

Những tháng năm đi bộ đội hay trở về quê hoạt động chính trị, ông rất quan tâm và thường xuyên đọc sách báo và các tài liệu khác. Qua quá trình đọc, ông đã ngẫm, nghĩ và tìm cho mình “nghề tay trái” để góp phần tuyên truyền cho các hoạt động của đơn vị, đó là nghề viết báo. Ông Thiện bắt đầu viết báo từ khi còn là chiến sỹ đang hoạt động ở Quảng Trị. Ông kể lại: “Năm 1974, sau khi được điều về cơ quan Trung đoàn, tôi được đơn vị cấp cho chiếc máy ảnh Ky - ép. Thế là hàng ngày, kết hợp với công tác, tôi tìm những gương người tốt, việc tốt để viết bài cộng tác cho báo nhằm khích lệ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ”. Thời đó, những bài viết của ông chủ yếu cộng tác với Báo Quân đội, Báo Chiến sỹ giải phóng, Báo Quyết thắng của Sư đoàn 325...

Khi về làm lãnh đạo huyện, công việc rất bận rộn nhưng ông Hồ Duy Thiện vẫn quan tâm đến báo chí. Ông thường xuyên đọc báo và viết báo cộng tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Những bài viết của ông thường đề cập đến người thật, việc thật. Có những bài viết về những gương người tốt việc tốt nhằm kích lệ tinh thần cán bộ, chiến sỹ nhân dân trong huyện. Có khi ông lại viết các bài xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nêu rõ những mặt tích cực, hạn chế và đặc biệt là đưa ra những hướng giải quyết vấn đề, sự việc thấu tình đạt lý. “Nhà báo” Hồ Duy Thiên tâm sự: “Nhờ viết báo, tôi trưởng thành hơn trong công tác”.

Năm 2008, ông Thiện nghỉ hưu và gắn bó luôn với công việc viết báo. Hàng ngày, ông cầm chiếc máy ảnh, cuốn sổ, cây bút đến các cơ quan, đơn vị hay tìm đến những người dân trong huyện để gặp gỡ viết bài. Khi đi tác nghiệp, ông không hề có giấy giới thiệu hay thẻ nhà báo nhưng vẫn được các cơ quan, đơn vị và người dân đón tiếp lịch sự, chu đáo; sẵn sàng cung cấp cho ông những thông tin cần thiết cho bài viết của ông. Bởi cơ sở và người dân huyện Tuyên Hóa với ông đã quá đỗi quen thuộc. 

Từ khi hết “quan”, ông Hồ Duy Thiện như trở thành một “nhà báo” thực sự. Ông đã có hàng trăm tin, bài được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, nhiều nhất là Báo Quảng Bình. Nhờ đó mà năm nào ông cũng được Báo Quảng Bình tặng giấy khen cộng tác viên tích cực. Trong đó có nhiều bài viết khiến ông tâm đắc và nhớ mãi như các bài về chiến tranh, các bài viết về gương điển hình tiên tiến trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Những bài viết “xương máu” của ông trong thời chiến cũng như thời bình ông đã chọn lọc lại và cho xuất bản thành tập sách có tựa đề: “Dấu  thời gian”. Ông cho biết hiện nay Nhà xuất bản QĐND đang cho ấn hành tập sách “Ký ức người lính”, đó là những kỷ niệm về cuộc đời người lính thời chiến gian lao, vất vả, ác liệt của ông. Những bài viết trong hai tập sách này đều thể hiện chất thép, chất lính... Những câu chuyện về chiến tranh cũng như thời bình được ông tái hiện lại một cách sinh động, có sức cuốn hút độc giả.

“Với tôi, viết báo là niềm đam mê. Tôi luôn xem bài viết của mình là những đứa con tinh thần thực sự, mang lại niềm vui. Điều quan trọng muốn viết thành công một bài báo cần phải bỏ công tìm tòi về tư liệu, viết đúng người, đúng việc, phải chỉnh sửa nhiều lần trước khi gửi đến các cơ quan báo chí. Kinh nghiệm quý báu của tôi là muốn viết báo hay phải đọc báo nhiều”, ông Hồ Duy Thiện tâm sự.

Xuân Vương