Chuyện quản lý:

Khi nhà trường... liên doanh!

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Ba, 23/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ở đây không phải là chuyện liên doanh, liên kết trong đào tạo của các trường, mà là chuyện nhà trường "liên doanh" với một số "nhà" như nhà mạng, nhà xuất bản, nhà doanh nghiệp...

Chuyện ở trường nọ, vào một ngày đẹp trời, các em học sinh được thông báo, nhà trường đang bán sim của một mạng điện thoại di động. Tất cả các em (dù có hoặc không sử dụng điện thoại) đều phải mua tối thiểu mỗi em 1 sim điện thoại, nếu không lớp sẽ bị trừ điểm thi đua. Một số em học sinh thắc mắc, rằng mỗi em chỉ sử dụng một máy điện thoại, thậm chí nhiều em chưa có, vậy thì mua sim mới để làm gì. Cô giáo trả lời, mua sim mới là để... cộng vào điểm thi đua.

Thế là để "thi đua" với các bạn, mỗi em học sinh phải xin bố mẹ 25.000 đồng mua 1 sim mới, dù thực sự không có nhu cầu. Với tổng số học sinh của trường khoảng 2.000 em, tính ra số tiền các em mua sim điện thoại là không nhỏ. Điều đáng nói là rất nhiều em sau khi bị ép mua thì bỏ đấy và không sử dụng, gây lãng phí.

Tương tự, bước vào dịp ôn thi tốt nghiệp THPT, tất cả học sinh trường này cũng được nhà trường yêu cầu mua sách ôn tập 6 môn thi do nhà trường bán. Nhiều em đã lỡ mua bên ngoài, giờ cũng phải ngậm ngùi mua tiếp, nếu không sẽ lại bị trừ điểm thi đua. Một số em phản ứng mạnh với sự việc này, thì được nhà trường miễn cho một số môn, nhưng tối thiểu các em vẫn phải mua tài liệu ôn thi ba môn.

Thực tế, khi Bộ Giáo dục - Đào tạo có thông báo chính thức 6 môn thi tốt nghiệp vào cuối tháng 3-2013, các em đã chủ động chuẩn bị tài liệu khá đầy đủ. Hơn nữa, trong chương trình ôn thi tốt nghiệp do các thầy cô ở trường dạy, các em đã được ôn tập kỹ. Tài liệu ôn thi chỉ để bổ trợ, ai có nhu cầu thì mua. Việc nhà trường yêu cầu tất cả học sinh đều phải mua đã gây ra những phản ứng không tốt trong học sinh và phụ huynh. Chưa kể việc nhiều em phải lãng phí số tiền hàng trăm ngàn đồng để mua tài liệu mà không sử dụng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trường này lại "bỗng dưng nhiệt tình" hỗ trợ hoạt động kinh doanh của nhà mạng đến thế? Cũng như việc tổ chức bán tài liệu ôn thi theo kiểu ép buộc học sinh thay vì hướng dẫn các em nên mua tài liệu gì và ở đâu. Trong trường hợp các em có nhu cầu mua sim điện thoại hoặc tài liệu trực tiếp từ nhà trường thì trường có thể cung cấp theo số lượng đăng ký của các em. Nếu làm như thế, có lẽ sẽ không gây ra những phản ứng đáng tiếc của phụ huynh và học sinh. 

Nghề giáo là một nghề cao quý. Bác Hồ từng nói rất rõ: “Trách nhiệm vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Để trở thành những người thầy tốt, thực sự là tấm gương sáng của học trò, mỗi một việc làm của người thầy cần phải được cân nhắc phải trái, đúng sai một cách kỹ lưỡng, chứ đừng vì những lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của người thầy.

                                                                                        D. C

 

,
.
.
.