.

Đề tài biển đảo trong dòng chảy văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 12/11/2016, 17:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Biển đảo luôn là đề tài xuyên suốt trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi vấn đề chủ quyền và sự cố môi trường biển đang ngày càng nóng, thì sự thôi thúc từ “mẹ biển” lại càng mạnh mẽ và hối hả hơn, đòi hỏi người nghệ sĩ cần có sự khai thác theo bề sâu nhiều cảm xúc và rung động nhất. Nhờ vậy, nhiều tác phẩm về biển đảo đã ra đời, tạo dấu ấn trong lòng công chúng và mang lại những cách nhìn nhận mới mẻ về đề tài thân thuộc mà gai góc này. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít trăn trở của giới văn nghệ sĩ trong việc tiếp cận đề tài biển đảo giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống mưu sinh.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, là người có nhiều duyên nợ với biển. Từ tác phẩm “Mẹ Suốt” cho đến nhiều tác phẩm điêu khắc sau này của anh, đều mang dáng dấp của biển với những thông điệp sâu sắc, mạnh mẽ, mang tính cảnh báo về những gì con người đã và đang gây ra với biển nói riêng và môi trường sống nói chung. Có thể kể ra đây những tác phẩm tiêu biểu, được giới nghệ thuật và công chúng đánh giá cao ở sự mới mẻ, sáng tạo, tìm tòi và hiệu ứng xã hội mà chúng mang lại, như: “Biển cả”-giải khuyến khích ở Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005, “Trái tim của biển”-giải chính thức của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011, “Sóng”, “Khúc tráng ca của biển”...

Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Hòa đã có những đánh giá đầy ấn tượng về các tác phẩm mang đề tài biển cả của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến khi cho rằng: “... chết lặng trước cái lưỡi câu đồ sộ, đẹp sáng loáng và chết chóc xuyên qua 3 con cá mảnh mai đang rướn thở những hơi thở cuối cùng trong tác phẩm “Biển cả” và “... thực sự sửng sốt trước năng lực tạo hình ở tác phẩm “Trái tim của biển” mà lúc đầu vốn xuất phát chỉ từ những uẩn ức riêng tư nghiệt ngã mà nhà điêu khắc thích ví von với biển bởi biển mênh mông nhưng vẫn có bến bờ, rằng biển vẫn có thể bị chia cắt và cũng có thể “khâu vá lại”, dẫu đau đớn vô cùng. Sau đó, trong quá trình sáng tạo, tác phẩm ấy trở nên lớn vượt tầm, đa diện hoá với đa tầng ngữ nghĩa”.

Tác phẩm “Biển cả” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến được ví như một thông điệp cảnh báo cho con người.
Tác phẩm “Biển cả” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến được ví như một thông điệp cảnh báo cho con người.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến khẳng định, đề tài biển đảo đóng một vai trò quan trọng trong các tác phẩm mỹ thuật, góp phần truyền đạt những câu chuyện mang tính thời sự hay chính trị. Trong đó, dòng tranh cổ động là đại diện tiêu biểu với nhiều tên tuổi, như: Lê Anh Tân, Đan Tê... và gần đây là sự tiếp nối triển vọng của họa sĩ trẻ Lê Thuận Long... Tuy không biểu đạt trực tiếp như tranh cổ động, nhưng nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc lại có thế mạnh ở sự lắng đọng cảm xúc thông qua các hình tượng nghệ thuật và sự tìm tòi, khám phá trong cách thức thể hiện.

Mặc dù đã có không ít tác phẩm biển đảo xuất sắc của các họa sĩ, nhà điêu khắc tỉnh nhà, nhưng việc đưa chúng đến gần hơn với công chúng lại không hề dễ dàng. Theo nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, tỉnh ta vẫn chưa có chủ trương mua lại để lưu giữ các tác phẩm điêu khắc, hội họa có giá trị và cũng như chưa có một nhà trưng bày để triển lãm tác phẩm hay nhà sáng tác cho văn nghệ sĩ có không gian sáng tạo tác phẩm. Trong khi đó, nỗ lực xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật lại đầy gian nan và khó khăn. Đây là thực trạng chung của không chỉ mỹ thuật mà của nhiều chuyên ngành văn học nghệ thuật khác.

Ca khúc “Tiếng nói Việt Nam trên đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh mang lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người nghe.
Ca khúc “Tiếng nói Việt Nam trên đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh mang lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người nghe.

Âm nhạc cũng tự hào về các tác phẩm mang hơi thở thời đại về biển đảo trong giai đoạn gần đây, khi chủ quyền đất nước luôn thôi thúc người nghệ sĩ khát khao thể hiện tình yêu, quyết tâm và ý chí. Nhạc sĩ Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Bình chia sẻ, các ca khúc về biển đảo luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các sáng tác của anh chị em nhạc sĩ, nổi bật với các tác phẩm “Bình minh nơi cửa biển” của nhạc sĩ Đức Trí, “Tiếng nói Việt Nam trên đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh... Nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh tâm sự, chị sáng tác tác phẩm “Tiếng nói Việt Nam trên đảo Trường Sa” trong chuyến thực tế tại TP.Vũng Tàu năm 2015. Bị mê hoặc bởi tứ thơ của tác giả Bùi Văn Bồng, chị đã khơi nguồn cảm xúc và dùng âm nhạc để chuyển tải nỗi niềm tâm sự của người lính trẻ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam khi đứng gác giữa biển trời bao la của quê hương:

 “Thoảng nghe gió ru vọng
tiếng nói Việt Nam
Lời thiêng hồn sông núi cuộn
sóng biển Đông oai hùng
Nhớ hàng tre xanh nhớ giếng
nước trong nhớ lời mẹ hát,
 ấm lòng người lính
Trường Sa”

Bài hát còn là lời nhắn nhủ của người lính trẻ về một tình yêu Tổ quốc mãnh liệt, về quyết tâm bảo vệ bình yên cho vùng biển đảo quê hương và nhắn nhủ về hậu phương với niềm tin son sắt, bền vững nhất:

“Vượt muôn trùng bão tố
Ôi tiếng Việt Nam thiêng liêng
Càng thêm yêu đất nước ta,
chắc tay súng giữ biển trời Tổ quốc yêu thương...”

Các nhạc phẩm về biển đảo luôn tạo sức lay động mạnh mẽ trong lòng công chúng yêu nhạc và góp phần truyền tải những thông điệp sâu sắc nhất, dễ tạo sự đồng cảm nhất. Tuy nhiên, từ sáng tạo tác phẩm đến việc đưa chúng đến gần hơn với công chúng, theo như nhạc sĩ Đức Trí, thì đó là cả một quá trình dài. Bởi trên thực tế, anh em nhạc sĩ sẽ phải tự xoay xở các khâu hòa âm, phối khí, tìm ca sĩ thể hiện, tìm phòng thu hiện đại... Nguồn kinh phí này không phải nhạc sĩ nào cũng có điều kiện để đi đến tận cùng. Bên cạnh đó, đặc thù của âm nhạc là phải đi, phải trải nghiệm thực tế thì cảm xúc mới đến, tác phẩm mới có cơ hội thai nghén, hình thành, đặc biệt là về đề tài biển đảo thì những chuyến đi lại càng không thể thiếu. Nhưng với sự khó khăn về kinh phí nói chung trong các hoạt động văn học nghệ thuật, những chuyến đi thực tế biển đảo đối với anh em nhạc sĩ là rất hiếm hoi.

Đối với văn chương, từ bấy lâu nay, biển đảo vẫn luôn là niềm cảm hứng bất tận với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Nhà văn Kim Cương, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh cho biết, văn thơ về biển đảo luôn chiếm một phần quan trọng trong hệ thống các tác phẩm văn chương. Có thể kể tên ra đây nhiều tác phẩm thơ tạo dấu ấn trong lòng công chúng, như: “Đảo” (Hoàng Vũ Thuật), “Ông và cháu luôn hướng về biển đảo” (Cảnh Giang), “Anh lính biển” (Nguyễn Hồng Sơn), “Màu xanh Trường Sa” (Trương Văn Quê), “Gửi anh lính đảo” (Lê Tiền Xuân)... Các Ngày thơ Việt Nam được tổ chức hàng năm hướng về chủ đề này luôn nhận được sự đón chờ nồng nhiệt của cả người sáng tác và người thưởng thức. Nhà văn Kim Cương cũng bày tỏ một thực tế, đó là mặc dù gần 150 hội viên chuyên ngành văn học với nhiều tài năng, giàu tâm huyết, luôn yêu quê hương đất nước, luôn hướng về biển đảo, thường xuyên quan tâm đến chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, sẵn sàng đem hết tư duy trách nhiệm để sáng tác nhiều tác phẩm về biển đảo, nhưng điều kiện vật chất và phương tiện đi lại, điều kiện để đi thực tế và sáng tạo còn quá khó khăn, nên vẫn chưa có những tác phẩm lớn, chưa có tập sách nào viết về biển đảo ra đời. Đây cũng là điều day dứt của các cây bút tâm huyết và càng khiến cho việc đưa các tác phẩm đến với công chúng thêm phần khó.

Dẫu biết rằng đề tài biển đảo luôn tạo cho người nghệ sĩ những cảm hứng bất tận, thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng để các tác phẩm đến được với công chúng, góp phần truyền tải thông điệp nhân văn cao cả lại không phải điều dễ dàng trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt như hiện nay. Trong thời gian tới, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ tích cực hơn cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong hành trình sáng tạo tác phẩm về mảng đề tài mang tính thời sự này, đặc biệt chú trọng ở khâu xâm nhập thực tế và quảng bá tác phẩm đến với công chúng.

Mai Nhân