.

Về cuốn sách Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (1946-2015)

Thứ Tư, 27/04/2016, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - “Sự ra đời của cuốn sách thỏa được nguyện vọng và sự quan tâm mong đợi của các thế đại biểu Quốc hội tiền bối. Có thể khẳng định, đây là việc làm đúng hướng và hết sức có ý nghĩa của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình”. Đó là nhận định của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về cuốn sách Lịch sử Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (1946 – 2015) vừa được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình là đơn vị đầu tiên trong cả nước biên soạn cuốn sách nhằm tái hiện, khắc họa có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của Đoàn ĐBQH tỉnh trong dòng chảy 70 năm của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. 70 năm đồng hành cùng truyền thống lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, ngay trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, hay khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân trong xây dựng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và của tỉnh nhà. Sự ra đời của cuốn Lịch sử Đoàn ĐBQH tỉnh đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhiều bậc lão thành, các thế hệ ĐBQH tỉnh về một công trình nghiên cứu lịch sử, tái hiện, khắc họa và ghi lại những năm tháng phấn đấu, trưởng thành của các thế hệ ĐBQH tỉnh và sự phát triển của Đoàn ĐBQH tỉnh qua các nhiệm kỳ Quốc hội.

Cuốn sách gồm 5 chương, tái hiện lại quá trình hoạt động, những đóng góp nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh trong 70 năm hình thành và phát triển. Trong đó, chương I tổng hợp hoạt động của ĐBQH  trúng cử tại Quảng Bình, thời kỳ 1946 – 1960; phản ánh không khí hào hứng, sôi nổi của cử tri cả nước trong ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) và những đóng góp quan trọng của ĐBQH ứng cử tại Quảng Bình trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước, các vấn đề về khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và đối ngoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng lập pháp, củng cố chính quyền cách mạng.

 Bìa cuốn sách Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (1946 – 2015)
Bìa cuốn sách Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (1946 – 2015)

Chương II tái hiện hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình những năm 1960 – 1971. Trải qua 11 năm, Quốc hội nước Việt Nam DCCH khóa II và khóa III là Quốc hội xây dựng đất nước thời chiến. Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần cùng Quốc hội và cả nước quyết định những vấn đề quan trọng để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ trên chiến trường miền Nam và tích cực làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào, Campuchia.

Những đóng góp quan trọng của Đoàn ĐBQH trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiếp tục được tái hiện sâu sắc tại Chương III – Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia xây dựng CNXH ở Miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam (4/1971 – 4/1976), với hoạt động hai kỳ Quốc hội (khóa IV và khóa V). Quốc hội khóa IV là Quốc hội chiến thắng cuộc “chiến tranh Việt Nam hóa” của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Hoạt động trong những năm tháng vào giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã cùng Quốc hội khóa V hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam DCCH.

Chương IV – Đoàn ĐBQH tỉnh thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên (4/1976 – 1989) giới thiệu hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên khóa VI, VII, VIII. Khắc phục khó khăn của những ngày đầu sáp nhập tỉnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên khóa VI, VII đã tham gia xây dựng lập pháp, xây dựng nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc thống nhất trong cả nước, quyết định tổ chức bộ máy và những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên, khóa VIII cũng được chia tách thành ba đoàn theo nguyên tắc ĐBQH ứng cử, bầu cử, trúng cử ở tỉnh nào được chia tách theo tỉnh đó.

Chương V của cuốn sách đã tổng hợp hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình sau ngày tái lập tỉnh và tham gia thực hiện sự nghiệp đổi mới (1989 – 2015). Sau ngày chia tách tỉnh, mặc dù chỉ còn 6 đại biểu nhưng với tinh thần trách nhiệm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa VIII đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Từ đó đến nay, trong 23 năm với hoạt động nối tiếp của 5 khóa ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Đoàn ĐBQH đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quyết định tổ chức bộ máy Quốc hội, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao...; tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong công tác lập Hiến, lập pháp, các chương trình phát triển KT – XH, AN – QP, chính sách xã hội và thực hiện quyền giám sát tối cao. Thông qua các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Quốc hội, làm cho hình ảnh Quảng Bình được quảng bá rộng rãi hơn trong diễn đàn Quốc hội và trong cả nước.

Cuốn sách Lịch sử Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (1946 – 2015)  là sự ghi nhận những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong việc tiếp thu, tổng hợp, chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến Quốc hội. Đồng thời, cuốn sách cũng là nguồn tài liệu quý cung cấp những thông tin, tư liệu, bài học bổ ích phục vụ cho việc tham khảo và những nghiên cứu tiếp theo.

Diệu Hương