.

Sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ trong trường ca của Hoàng Bình Trọng

Thứ Ba, 05/04/2016, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lời giới thiệu tập Trường ca về Tướng Giáp - Người Anh cả của toàn quân của Hoàng Bình Trọng (NXB Kim Đồng, 2009), Trần Đăng Khoa nhận xét: “...Hoàng Bình Trọng có lối đi riêng. Anh không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Đã thế, anh còn chọn loại văn rất mộc để khắc họa chân dung của một thiên tài. “Loại văn rất mộc” là loại văn gì? Lối nào là “lối đi riêng” của Hoàng Bình Trọng? Điều đó nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn còn để ngỏ.

Đối với người cầm bút, tìm cho mình được “lối đi riêng” hết sức quan trọng. Có người xuất bản hàng chục tác phẩm mà vẫn bị lẫn vào đám đông một phần cũng vì chưa tìm được cho mình “lối đi riêng”.

Với tập Trường ca về tướng Giáp-Người Anh cả của toàn quân và tập Trường ca Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 2016), Hoàng Bình Trọng đã khéo léo trộn lẫn chất văn xuôi và chất thơ, tạo ra một loại văn không giống ai để khắc họa chân dung hai vị tướng tài ba.

Những người viết trường ca ở nước ta cũng như trên thế giới hầu hết là các nhà thơ. Về hình thức, trường ca thông thường là những câu thơ nối nhau, được chia làm nhiều phần, nhiều chương, nhiều đoạn và gắn kết với nhau chung quanh hình tượng trung tâm.

Hoàng Bình Trọng vừa viết văn vừa làm thơ. Tác phẩm văn xuôi đầu tay Bí mật một khu rừng của anh in với số lượng lớn và tái bản nhiều lần. Anh cũng là tác giả của nhiều bài thơ được công chúng yêu thích. Vì vậy, khi bắt tay viết thể loại trường ca, Hoàng Bình Trọng đã quyết định chọn cho mình “lối đi riêng”: pha trộn giữa văn xuôi và thơ. Lướt qua hai tập trường ca của anh, người đọc dễ dàng nhận ra sự khác biệt so với các tập trường ca xuất bản gần đây. Điểm khác biệt đó là số lượng câu dài lấn át những câu ngắn (trong khi đó ở các tập trường ca của các tác giả khác thì ngược lại). Bởi thế mới nhìn vào hai bản trường ca của Hoàng Bình Trọng, ta có cảm giác như đây là hai tập văn xuôi mà các câu được xuống dòng liên tục.

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Trường ca về Tướng Giáp-Người Anh cả của toàn quân".

Chẳng hạn, đoạn anh viết về cuộc hội ngộ giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp: Sau ba chục năm hải ngoại bôn ba, trong huyết quản Người vẫn chảy dòng máu Việt Nam tinh chất/ Nên Người được tôn vinh là hiện thân của trái tim yêu nước/ Là lãnh tụ tối cao Đảng tiên phong của giai cấp cần lao toàn cõi Đông Dương/ Dẫu mới gặp Võ Nguyên Giáp lần đầu, nhưng với cặp mắt tinh anh, Người đã thấy ở chàng trai một chiến sĩ cộng sản kiên cường/ Một trí tuệ uyên thâm, một cách nhìn lóe sáng... (Trường ca về tướng Giáp – Người Anh cả của toàn quân).

Còn đây là đoạn anh viết về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hoàng đế Quang Trung với Ngọc Hân công chúa: Nào hay chỉ một lần diện kiến với người con gái hoa hờn nguyệt thẹn/ Nhịp tim Nguyễn Huệ đã đập thình thình trong lồng ngực/ Và cặp mắt bậc anh hùng biến đâu mất ánh nhìn tia chớp/ Mà ngất ngây đờ đẫn trước báu vật trời ban/ Mới thế thôi mà đã có một mối tơ duyên giữa thiếp với chàng/ Buộc chặt họ thành đôi tri kỷ... (Trường ca Hoàng đế Quang Trung).

Ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp (đã trích dẫn ở trên), tác giả đúc kết: Một cuộc hội ngộ của đỉnh cao trí tuệ/ Hai ngọn đuốc sáng ngời trong đêm trường nô lệ/ Báo hiệu niềm vui: Vận nước đến rồi! Đó là những câu thơ vừa giàu hình tượng, vừa giàu chất triết lý, vừa tràn đầy cảm xúc.

Ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Hoàng đế Quang Trung với Ngọc Hân công chúa (đã trích dẫn ở trên), tác giả diễn tả một cách sinh động buổi lễ tân hôn của họ: Tiếng trống chiêng khua dậy đất, tiếng pháo nổ rung trời, không át nổi lời reo hò chúc phúc lê dân trăm họ/ Cây cối hai bên đường lá cành đung đưa trước gió/ Sóng vỗ quanh hồ dào dạt, ánh mặt trời hấp háy trên cao/ Dương như cũng hướng về cặp uyên ương trao gửi lời chào... Cách nói thậm xưng cùng với các từ láy: “đung đưa”, "dào dạt”, “hấp háy” đã góp phần tái hiện cái khoảnh khắc đáng nhớ về  đám cưới có một không hai của cặp đôi “trai tài gái sắc”.

Tuy số lượng có bị những câu thơ dài lấn át nhưng những câu thơ ngắn vẫn đủ sức cân bằng, tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất văn xuôi và chất thơ trong hai bản trường ca. Sau khi lược thuật theo kiểu văn xuôi lời thề của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc trước Đội Tuyên truyền giải phóng quân, dưới cây đa Tân Trào, Hoàng Bình Trọng phóng trí tưởng tượng: Tiếng hô dội vào vách đá làm bão làm giông/ Vòng quanh thung sâu, đổ xuống đồng bằng,/ Trèo lên đèo mây, xuyên qua rừng thẳm/ Trời như thêm cao, đất như thêm rộng,/ Và những bản gần,/ Và những bản xa,/ Và những mái đình, bến nước, gốc đa/ Mọi chân trời góc bể/ Đã nghe rõ trong tiếng “xin thề” ba mươi tư chiến sĩ.

Trong tập Trường ca Hoàng đế Quang Trung, khi tái hiện lại kinh đô Thăng Long trong những tháng ngày bị bọn phong kiến phương Bắc xâm chiếm, sau một đoạn dài lược thuật theo kiểu văn xuôi, tác giả viết: Ngay cả tiếng gió xạc xào trên cành lá chốn công viên/ Cũng mang âm hưởng các oan hồn gào khóc/ Những con sóng lượn lờ xoay chiều ngang dọc/ Cũng gợi hình ảnh các tử thi trôi dạt bập bềnh/ Những làn mây trắng vô tư bay lượn giữa trời xanh/ Cũng mang bóng dáng những chiếc khăn tang rũ buồn đứt ruột... Phải giàu trí tưởng tượng và giàu óc liên tưởng mới viết được những câu giàu hình ảnh đến như thế.

Hoàng Bình Trọng đã kết hợp hết sức tài tình giữa câu dài và câu ngắn, giữa kể và tả, giữa thơ và văn xuôi. Tác giả đã “trộn mơ vào thực”, “trộn thực vào mơ”. Ta bắt gặp không ít những đoạn thơ tài hoa như thế trong cả hai bản trường ca.

Để sáng tác hai bản trường ca này, Hoàng Bình Trọng đã phải tự “dọn mình”, phải tự soi chiếu bản thân, phải tự tu dưỡng phẩm chất lẫn tinh thần: Vì người ấy trí tuệ uyên thâm, hồn thơ phải tự nâng cao tầm vóc/ Vì người ấy rất mực sáng trong, hồn thơ phải lánh xa nơi phàm tục/ Vì người ấy độ lượng khoan dung, hồn thơ không có quyền bé nhỏ thấp hèn/ Muốn xứng đáng với Người, hồn thơ ơi, hãy chắp cánh bay lên! Mặc dù chưa phải là những bản trường ca đặc sắc nhưng việc tìm được cho mình một “lối đi riêng” bằng cách hòa trộn giữa thơ và văn xuôi của Hoàng Bình Trọng là rất đáng trân trọng.

Năm 2010, Trung ương Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã trao  giải nhất cho Trường ca về Tướng Giáp - Người Anh cả của toàn quân. Được biết: Nhà xuất bản Kim Đồng đang có kế hoạch tái bản cả hai tập trường ca có lối viết không giống ai này.

Xin chúc mừng anh!

Mai Văn Hoan