.

Ngày hội sách làng Minh Lệ

Thứ Hai, 18/01/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử làng Minh Lệ đã có hơn 600 năm. Truyền thống cha ông đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương ăn sâu trong máu thịt của mỗi người. Nơi đây có những người con làm rạng danh cho làng xã về truyền thống khoa bảng, khuyến học, khuyến tài. Nhiều người đã trở thành nhà văn, nhà báo xuất sắc, những nhà khoa học hàng đầu của đất nước.  

Để bảo tồn và quảng bá văn hóa đọc trong địa phương, trong ngày hội làng năm nay (10-1-2016), sau khi tế lễ tại đình làng, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Câu lạc bộ văn nghệ Quảng Minh tổ chức khai trương tủ sách, giới thiệu tác phẩm của con em công tác từ mọi miền đất nước. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến dự và phát biểu: đây là một sự kiện văn hóa hiếm có lần đầu tiên xuất hiện trong xã. Đồng chí cũng kêu gọi các nhà khoa học gửi tác phẩm, công trình nghiên cứu về làng và nhất là cố gắng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng quê hương.

Giáo sư, Tiến sĩ văn học, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương từ Hà Nội cũng về dự. Anh là người có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về văn học phương Đông, người tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở các nước Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Anh đề nghị trùng tu lại các di sản văn hóa vật thể và xây dựng lại đội hát Kiều, hát nhà trò trong làng phục vụ bà con. Anh cũng đóng góp 40 đầu sách chuyên khảo và sách tham khảo như: “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”; “Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam”; “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lí luận và lịch sử”; “Thực thể Việt nhìn từ tọa độ chữ”... vv.

Cả ba anh em giáo sư, tiến sỹ khoa học, nhà giáo nhân dân Trần Nghi (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng mang đến 16 cuốn giáo trình dạy đại học và sau đại học xây dựng tủ sách. Cuốn sách “Trái đất và kho báu của nhân loại” do Trần Nghi chủ biên như một thông điệp gửi tới thế hệ trẻ những tư duy mới, quan niệm mới, là động lực thúc đẩy những khát vọng vươn tới chân trời khoa học. Cuốn sách cũng dành nhiều trang viết về Phong Nha Kẻ Bàng và việc khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch của Quảng Bình.

Tuy đã tám lăm, tám bảy tuổi nhưng các ông Huỳnh Thúc Tấn, Hoàng Hữu Thanh đại diện cho lớp tiền bối trong làng cũng có mặt. Ông Huỳnh Thúc Tấn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Thứ trưởng) và từng là Trưởng đại diện Thường trực Việt Nam tại Hội đồng tương trợ kinh tế (SEP) đã mang “Tuyển tập Minh Sơn – Hoàng Bá Chuân” của người cha mình cùng 200 cuốn sách đến đóng góp.  Bộ di cảo của cụ Hoàng Bá Chuân đã cho biết một phần cuộc sống của người dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Cụ có năm người con tham gia giải phóng Thủ đô và đều có tác phẩm. Người con thứ ba của cụ: Đại tá, nhà văn Huỳnh Thúc Cẩn là người tham gia đào tạo sĩ quan kỹ thuật quân sự cho Bộ Quốc phòng Cộng hòa dân chủ Đức, từng tham gia hội thảo về đường lối chiến tranh nhân dân cùng chuyên gia quân sự ba nước: Cộng hòa dân chủ Đức, Bun ga ri, Tiệp khắc. Ông Cẩn có ba tập truyện ký kể lại cuộc chiến đấu trên các chiến trường Điện Biên Phủ và nước bạn Lào. Ông đã được nhận ba giải thưởng lớn, trong đó có hai giải thưởng của Hội Nhà văn, một giải thưởng do Bộ Quốc phòng và Tổng cục chính trị Pha Thét Lào trao tặng.

Tiến sĩ Nông học Hoàng Kim - “Người học trò chân đất” có 9 cuốn sách chuyên khảo viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Anh là “nhà khoa học xanh” đã lai tạo được 27 giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới. Sáu quy trình kỹ thuật canh tác của anh được công nhận là tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Anh giành được giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC lần thứ 10...
Đây là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho Ngày hội sách hàng năm của xã Quảng Minh, một mô hình mới về việc sinh hoạt văn hóa làng xã trong tỉnh.

Hoàng Minh Đức