.

Những nạn nhân bị đạo thơ

Thứ Sáu, 23/05/2014, 13:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong mục “Đời sống văn hóa văn nghệ trong nước” của báo “Văn nghệ Công an” số 214 ra ngày 16 tháng 12 năm 2013, nhà văn Vương Trọng đã viết: “Hình như các nhà thơ chúng ta, nhiều ít khác nhau đều là nạn nhân của những vụ đạo thơ”.

Theo ông những người đạo thơ có hai loại. Loại thứ nhất là do họ không hiểu luật bản quyền. Họ chép thơ của người khác để dự thi, đăng báo, in sách. Loại thứ hai là “nhà thơ” nắm luật nhưng cố tình chế tác, cướp bản quyền của người khác làm đau đầu tác giả.

Đạo nhạc, đạo thơ, đạo văn là những đạo tặc trong văn nghệ. Những người có nhân cách  rất đau lòng khi tác phẩm của mình bị đánh cắp. Nhưng đau đớn hơn là bị biến thành “kẻ ăn cắp”. Một sự xúc phạm quá lớn.

Nhìn lại trong tỉnh ta, tôi thấy hiện tượng đạo thơ, đạo văn không phải là hiếm. Những “tác giả” đã thành “tác quái” trên văn đàn làm nhiễu loạn nền văn nghệ tỉnh nhà. Họ “đạo” vì nhiều mục đích khác nhau. Có người “đạo” cho đủ số lượng bài được đăng để được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật.

Có người “tự đánh bóng mình” trong con mắt của Ban biên tập. Cho nên bên cạnh mấy bài thơ loại “tập tàng” là những bài thơ “tuyệt đỉnh” được chữa lại của các nhà thơ tên tuổi. Mà người biên tập đủ sức đâu để kiểm soát hết cả thế giới mạng. Anh Hoàng Hữu Thào, một hội viên của Câu lạc bộ thơ văn làng Minh Lệ đã chìa ra hai tờ báo phân trần với tôi. Một “chép giả” lấy bài thơ “Đường Trường Sơn và em” của anh đăng trên báo Xuân Quân khu Bốn năm 2009, chữa thành “Em và đường Trường Sơn huyền thoại” đăng trên Bản tin Huyện ủy Quảng Trạch tháng 11 năm 2010.

Nghĩ rằng bản tin của một huyện, địa bàn nhỏ nên ít người để ý, “chép giả” cũng lấy bài “Khúc đồng quê” của Hoàng Gia Cư định cư ở Vân Đồn - Quảng Ninh chữa lại thành “Khúc nhạc đồng quê” đăng trên bản tin của huyện Quảng Trạch, sau khi bỏ đi một câu cuối. Tuy nhiên khi bị phát giác “chép giả” có thái độ thành khẩn biết ăn năn hối lỗi nên tác giả cũng tha thứ cho.

Nhà văn Hoàng Bình Trọng phàn nàn: bài thơ “Về Nhật Lệ” của anh đã in trong tập “Những miền ký ức”, (trang 63 - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2002), nhưng “chép giả” chữa lại thành “Về Quan Lạn” trang 68 trong tập “Một miền riêng quê”- Nhà xuất bản Văn học năm 2008. Có điều “chép giả” chưa thấy được cái hay, cái đẹp của bài thơ gốc nên khi chữa lại hạ thấp giá trị của bài thơ.

Chẳng hạn trong “Về Nhật Lệ” Hoàng Bình Trọng viết: “Tìm mắt cười trong mắt sóng lân tinh”  thì “Về Quan Lạn”  lại là “Tìm mắt cười trong mắt sáng lân tinh”. Mắt sáng lân tinh thì ghê sợ quá! Hay “Để bâng khuâng trầm mặc trường thành” thì “chép giả” chữa lại thành một câu vô nghĩa “Để bâng khuâng trầm mặc trưởng thành”... Vì chỉ  “Về Nhật Lệ” mới có trường thành để mà bâng khuâng, trầm mặc.

Để bạn đọc tiện theo dõi tôi xin chép lại hai bài thơ trên.

Bài 1: Về Nhật Lệ

Ta tìm về Nhật Lệ lối xuân em
Tìm môi thắm trong trúc đào hoa nở
Tìm giọng nói trong thì thào tiếng gió
Tìm mắt cười trong mắt sóng lân tinh

Ta tìm về Nhật Lệ lối xuân xanh
Nơi say đắm dại khờ hoa muống biển
Nơi sạt lở những khúc kè hoài niệm
Để bâng khuâng trầm mặc trường thành

Mặc con tàu mộng tưởng phía xa xanh
Ta kí ức đốm lửa chòi cất vó
Và đôi lứa bồng bềnh con thuyền nhỏ.
Bủa lưới vào nỗi nhớ của lòng nhau

Xin giã từ kiêu bạc những phương âu
Những mái phố những mặt người nhòa nhạt
Mùa thi tứ đã mạch nguồn dào dạt
Ta tìm về Nhật Lệ lối tim em.

Bài 2: Về Quan Lạn

Ta theo tàu Quan Lạn lối tìm em,
Tìm kỉ niệm thời để thương để nhớ
Tìm giọng nói trong thì thào tiếng gió
Tìm mắt cười trong mắt sáng lân tinh

Ta tìm về Quan Lạn thuở xuân xanh
Nơi say đắm dại khờ hoa muống biển
Nơi sạt lở những khúc đê hoài niệm
Để bâng khuâng trầm mặc trưởng thành

Mặc con tàu mộng tưởng phía xa xanh
Ta kí ức đêm sáng đèn cất vó
Những lứa đôi bồng bềnh con thuyền nhỏ.
Bủa lưới vào nỗi nhớ của lòng nhau

Xa quê hương phiêu bạt phương trời nào?
Nay trở về với mạch nguồn dào dạt
Đêm hội làng nghe như lời em hát
Về bến Đình - lối ấy tìm em.

Trần Thị Thu Huề, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình nổi tiếng với bài thơ “Cây bần” có bài “Sông Son” đăng trong tập thơ “Vòng Thời gian”- Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2005 thì “Nghe điệu hò khoan” trong tập “Một miền riêng quê” cũng na ná như vậy. Cả hai bài đều ghi là sáng tác tháng 8 năm 2003. Vậy ai ăn cắp của ai đây? Thật khó phân giải.

Bài “Sông Son”

“Khoan khoan mời bạn hò con”
Thuyền ai ngược mạn sông Son trở về
Mái chèo đọng ánh sao khuya
Giọng hò lay động niềm kia, nỗi này
Hẳn là duyên phận chi đây
Đêm đêm vẫn đến nơi này ngóng trông
Lại ngân rung sợi tơ lòng
 “Khoan khoan mời bạn nào cùng hò con”
Bài Nghe điệu hò khoan
“Khoan khoan mời bạn hò khoan”
Thuyền ai ngược mạn Rào Nan mới về
Giọng hò xao động trăng khuya
Mái chèo nhẹ lướt trao chia nỗi niềm
Hẳn còn vương vấn tơ duyên?
Đêm về Rào Nậy hội thuyền hò khoan
Mai ngày người ngược thượng nguồn,
Người xuôi hạ bạn, hò khoan hẹn chờ...

Hẳn bạn cùng tôi khẳng định là một trong hai người đã “đạo” của nhau. Tác giả của “Nghe điệu hò khoan” nói rằng hai bài có cùng một tứ thơ chứ không phải ai “đạo” thơ ai. Tôi thì không cho rằng hai bài “độc lập”.

Ngoài ra nhiều bài thơ của Trần Thị Thu Huề bị nhiều người chữa lại để đăng báo. Ví dụ bài “Người nhà quê”  bị biến thành bài “Lời quê”, “chép giả” cứ lặp đi lặp lại các câu thơ của chị một cách “hồn nhiên” trong bài thơ của mình.

Tôi và thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa là người thường xuyên góp ý cho các Ban biên tập và các “nhà thơ dổm”, nhưng các “nhà thơ” này lại biện hộ: “Đó là những va quệt trong thơ. Hiện tượng này cũng tương tự như khi mọi người tham gia giao thông, vì đi chung một con đường nên cũng có khi để xảy ra tai nạn”. Nói như thế là không được.

Sự ngụy biện quá khiên cưỡng. Người ta có thể trùng nhau một vài từ, vài ý chứ không thể trùng vài ba câu trong một bài. Thầy Nghĩa đã chỉ ra bài “Nghĩ về thơ” của thầy đã bị “ăn cắp” chữa lại thành bài “Yêu thơ” đăng trên số Xuân Mậu Tý - Văn nghệ Công Tum (số 51). Cả bài thơ chỉ chữa một cái đề. Tòa soạn đã viết thư xin lỗi, trả lại nhuận bút và đăng lại nguyên bài cho đúng với tên của thầy (số 53). Hay bài “Khúc đồng quê” cũng vậy, chỉ thêm một chữ “nhạc” ở đề và cắt đi một câu cuối thì không thể gọi là “va quệt” được.

Một người nghệ sĩ chân chính phải biết đi bằng đôi chân của mình. Đức tính trung thực là tiêu chuẩn cao nhất của người cầm bút.

Hoàng Minh Đức
(Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn)