Quảng Ninh: Xây dựng đời sống văn hoá

Cập nhật lúc 14:19, Thứ Hai, 12/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong những  năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Quảng Ninh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần phục vụ tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, củng cố mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân  và xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Năm 1990 sau khi được chia tách từ huyện Lệ Ninh, trở về địa giới cũ, điều kiện kinh tế-xã hội của huyện Quảng Ninh còn chậm phát triển, đời sống mọi mặt của nhân dân còn hạn chế. Tuy nhiên từ năm 2000 sau khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, huyện Quảng Ninh đã biết khơi dậy những tiền năng vốn có trở thành truyền thống được đúc kết, lưu giữ từ bao đời nay, đó chính là tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường để vận động toàn  dân cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển, đi lên.

Hằng năm, Phòng Văn hoá -Thông tin huyện, ban văn hoá các xã, thị  trấn đều coi trọng công tác tuyên truyền, vận động  trong toàn dân hưởng ứng phong trào với nhiều hình thức phong phú đa dạng, nhưng hiệu quả  cao, như tuyên truyền qua loa truyền thanh, tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, xóm, qua các buổi biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... Nhờ đó phong trào xây dựng đời sống văn hoá đã thực sự  trở  thành phong trào thi đua  rộng khắp trong các địa phương, cơ quan, đơn vị, các thôn xóm, khu dân cư trên địa bàn, tạo động lực để mọi người dân vươn lên trong  phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Điệu múa truyền thống của người dân Trường Xuân (Quảng Ninh) trong dịp lễ hội. Ảnh: M.Q
Điệu múa truyền thống của người dân Trường Xuân (Quảng Ninh) trong dịp lễ hội. Ảnh: M.Q

Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, đi lên từ xuất phát điểm khá thấp, nhưng nhờ biết kết hợp đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá",  đời sống mọi mặt của người dân Quảng Ninh ngày càng được nâng lên đáng kể.  Đến nay Quảng Ninh đã được xếp vào danh sách các địa phương có năng suất, sản lượng  lương thực nói chung và lúa nói riêng  cao nhất, nhì trong tỉnh; các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển khá... Nếu như năm 2003, thu nhập bình  quân theo đầu người ở Quảng Ninh mới đạt trên 2 triệu đồng/người/năm, thì đến nay, thu nhập đã đạt trên 11 triệu đồng/người/năm. Năm 2006, toàn huyện có 27,5% hộ nghèo, đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%...

Tuy đời sống vật chất, tinh thần đã được nâng cao hơn, nhưng nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trên địa bàn Quảng Ninh, các loại tệ nạn xã hội  ngày càng giảm đáng kể. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu dân cư tiên tiến, cơ quan văn hoá được phát động rộng rãi, ngày càng thu được nhiều kết quả. Năm 2000, toàn huyện mới có 24 thôn, bản, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện, chưa có làng văn hóa cấp tỉnh và cơ quan văn hoá, đến cuối năm 2010, có 35 thôn, bản, tiểu khu, 50 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá. Các phong trào xây dựng khu dân cư an toàn giao thông, khu dân cư  kế hoạch hoá gia đình, khu dân cư  vệ môi trường... ngày càng phát huy hiệu quả, tiêu biểu như khu dân cư phòng chống tội phạm ở thôn Văn La (Lương Ninh), khu dân cư phòng chống ma tuý ở thôn Chợ Gộ (Vĩnh Ninh), khu dân cư không sinh con thứ 3 ở Phú Cát (Lương Ninh)...

Đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa,  năm 2000, toàn huyện có 7.368 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đến cuối năm 2010, có 15.211 hộ đạt danh hiệu văn hoá, chiếm tỷ lệ 68%... Toàn huyện có 90%  hộ gia đình có công trình vệ sinh, 99,5% nhà ở kiên cố, 95% số hộ được sử dụng điện. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”  không ngừng phát triển, tỷ lệ người luyện tập thường xuyên trên 24.489 người, đạt 26.5%; tăng hơn 3.600 người/năm...

Thực hiện đề án “Xây dựng thiết chế văn hoá đồng bộ và phát triển đời sống văn hoá cơ sở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010”, huyện Quảng Ninh  đã huy động nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hoá, như hệ thống nhà văn hóa,  trạm truyền thanh, sân tập luyện thể dục thể thao...

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị đã được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực, cụ thể hoá vào trong việc cưới, việc tang của gia đình, lễ hội của địa phương, đơn vị,  đã trở thành một vấn đề quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hoá  mới. 

Phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển văn hoá thông tin đến năm 2020 có từ 75-80% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa;  từ 40 - 50% số làng, thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 100% xã, thị trấn và làng, thôn, bản có thiết chế văn hóa thông tin đồng bộ; 90% cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa...

                                                                                       Trương Văn Hà

,
.
.
.