.

Không để sốt xuất huyết thành dịch lớn

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là quyết tâm của ngành Y tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh. Toàn ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông phòng, chống bệnh, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, nhằm ứng phó với các tình huống phức tạp do dịch bệnh sốt xuất huyết gây ra.

Tập trung phòng bệnh

Từ đầu năm 2017 đến nay tình hình dịch bệnh SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp. Cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc SXH, trong đó có 17 trường hợp đã tử vong. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng. Tại tỉnh ta, dù không có các điểm nóng về dịch bệnh, song công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH, đang được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở với sự vào cuộc đồng bộ của ngành Y tế và các địa phương.

 Cán bộ y tế đang thực hiện phun tẩm hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch SXH.
Cán bộ y tế đang thực hiện phun tẩm hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 63 trường hợp mắc  SXH và trong tháng 7 phát hiện thêm 7 trường mắc bệnh ở TP. Đồng Hới và một số trường hợp ở các xã, phường khác. Điều đáng mừng là số mắc tản phát, chưa ghi nhận có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm trong không khí cao khiến muỗi (trung gian truyền bệnh) sinh sản và phát triển mạnh cộng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước nên toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự phòng nhằm hạn chế các nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Bác sĩ Ngô Văn Bốn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, với mục tiêu là không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai sớm những hoạt động dự phòng nhằm ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở các địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH, đặc biệt là tại các xã, phường từng là trọng điểm của bệnh này. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã đã thực hiện định kỳ theo đúng kế hoạch hoạt động diệt bọ gậy, loăng quăng, thu gom rác thải, xử lý nguồn nước tồn đọng, phun hóa chất diệt muỗi tại những địa bàn có nguy cơ và những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vận động người dân thực hiện phương châm “không có bọ gậy - không có sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, toàn ngành còn tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản về kỹ năng giám sát bệnh nhân, huyết thanh, côn trùng, kỹ năng xử lý hoá chất diệt muỗi, chẩn đoán, điều trị bệnh SXH theo quy định của Bộ Y tế. Các hoạt động nhằm bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư, hoá chất, thuốc, dịch truyền, máu, chế phẩm của máu, các lưu đồ xử lý để cấp cứu người bệnh cũng được các cơ sở điều trị trực thuộc Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có dịch xảy ra. Ngoài ra, ngành còn xây dựng những phương án hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở theo phương châm điều trị tại chỗ và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới trong cấp cứu, điều trị khi có nhu cầu. Việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các ca bệnh cũng được các đơn vị chú trọng. Hiện tại, các bệnh viện đều chủ động nguồn thuốc, hóa chất và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, điều trị tốt cho các bệnh nhân SXH nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh, không để người bệnh bị lây nhiễm chéo khi điều trị tại bệnh viện.

 Phát quang bụi rậm, làm sạch môi trường sống để ngăn chặn sự sinh trưởng của muỗi vằn là biện pháp phòng, chống SXH hiệu quả.
Phát quang bụi rậm, làm sạch môi trường sống để ngăn chặn sự sinh trưởng của muỗi vằn là biện pháp phòng, chống SXH hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho hay, là bệnh viện đóng trên địa bàn đông dân cư, trong đó có một số địa phương từng xảy ra dịch SXH, nên bệnh viện đã chủ động sớm các phương án để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Khoa Truyền nhiễm... để tiếp nhận, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và chú trọng đến việc khám sàng lọc người bệnh từ đầu để có phương án cấp cứu điều trị thích hợp. Bệnh viện còn chú trọng đến hoạt động tập huấn đội cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới trong trường hợp cần thiết.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Đó là khuyến cáo của ngành Y tế đối với người dân trước tình hình dịch SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do siêu vi Dengue, muỗi Aedes (muỗi vằn) là vật trung gian truyền bệnh. Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng, chống muỗi đốt. Khi mắc bệnh, người bệnh thường sốt cao kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đối với phụ nữ có thể rong kinh, đau bụng, chân tay lạnh, tiểu ít.... Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh SXH, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc đang sốt cao. Ở những người mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng, ảnh hưởng cho sức khỏe và tính mạng.

Để phòng chống SXH có hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi vằn (làm giảm nguồn lây) bằng cách phát quang bụi rậm, không trữ nước lâu ngày, các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách. Người dân cần tự bảo vệ mình trước dịch SXH bằng cách tránh bị muỗi đốt, nên mặc quần, áo dài, ngủ màn hoặc tẩm màn hóa chất diệt côn trùng ở những địa bàn thường xảy ra dịch bệnh, có thể dùng bình xịt côn trùng hay hương đuổi muỗi để loại trừ và làm giảm hoạt động đốt chích của muỗi.

Sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh trong những trường hợp bệnh nặng mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh này sẽ không nguy hiểm nếu mọi người biết cách phòng, chống, quan trọng nhất là diệt muỗi, tránh muỗi đốt và khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần phải thăm khám, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế, không nên chủ quan để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

NH.V