.

Phát triển y, dược học cổ truyền: Còn đó những khó khăn

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định công tác phát triển y, dược học cổ truyền không chỉ đóng góp vào thành tựu chung của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để phát triển y, dược học cổ truyền, nhất là hoạt động kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Tỉnh ta, mà vai trò hạt nhân là ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố mạng lưới quản lý y, dược cổ truyền, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý y, dược cổ truyền từ tỉnh đến tuyến cơ sở. Ngành Y tế luôn chú trọng đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Qua đó, nhiều phương pháp điều trị cũng như bài thuốc cổ truyền đã được ứng dụng hiệu quả. Công tác đào tạo nguồn nhân lực từng bước được chú trọng. Sở Y tế chỉ đạo Trường trung cấp Y tế và phối hợp với các trường đại học y, dược trong nước xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ y sỹ y học cổ truyền đủ cho các trạm y tế và xây dựng đề án đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, sau đại học chuyên ngành y học cổ truyền đến năm 2020 cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, khoa đông y các bệnh viện huyện, thành phố đã thực hiện chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ về lĩnh vực trên, đồng thời phát động phong trào học tập để nâng cao trình độ, bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ. Hiện tại, toàn tỉnh có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 6 bác sĩ chuyên khoa I, 11 bác sĩ chuyên khoa định hướng y học cổ truyền và đang tiếp tục đào tạo, dự kiến đến 2017, đội ngũ bác sĩ y học cổ truyền cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tại tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Cùng với các bệnh viện, Hội Đông Y tỉnh đã phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lương y, lương dược và thực hiện nhiều giải pháp để kế thừa, bảo tồn, phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam. Một số địa phương đã có sự kết hợp tốt giữa Hội Đông y và trạm y tế xã triển khai thực hiện phòng chẩn trị y học cổ truyền trong trạm y tế với cơ chế tự hạch toán để phục vụ cho nhân dân tại địa bàn.

Mạng lưới khám, chữa bệnh y dược cổ truyền đã có sự phát triển, trong đó nổi bật nhất là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Hiện tại bệnh viện, đang hoạt động với quy mô 75 giường bệnh nhưng số giường thực kê để đáp ứng nhu cầu của người dân lên đến 144 giường bệnh. Toàn tỉnh có 7/7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa y học cổ truyền, 7/7 phòng khám đa khoa khu vực và 75% trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ y học cổ truyền.

Khoa y học cổ truyền của các bệnh viện đa khoa như Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố từng bước được đầu tư, nâng cấp nhằm triển khai tốt các nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị.

Mô hình vườn thuốc nam ở Đồn Biên phòng 184.
Mô hình vườn thuốc nam ở Đồn Biên phòng 184.

Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được các bệnh viện, đơn vị y tế chú trọng thực hiện đưa lại hiệu quả điều trị khá cao cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: đột quỵ, thoát vị đĩa đệm, nhóm bệnh lý về thần kinh, cơ xương khớp..., rút ngắn được thời gian điều trị trung bình, giảm chi phí và hạn chế được tình trạng tái phát. Các bệnh viện đã hình thành các khoa đông y và có bộ phận phục hồi chức năng riêng, trang cấp đầy đủ các trang thiết bị cơ bản như tủ thuốc, máy điện châm, đèn hồng ngoại, thiết bị phục hồi chức năng, máy sắc thuốc tự động và các trang thiết  bị khác phục vụ công tác điều trị và các hoạt động bào chế, bảo quản dược liệu. Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh và các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đều duy trì kết quả đạt được và ngày càng phát triển thêm các các loại hình dịch vụ dùng thuốc, không dùng thuốc, phục hồi chức năng để phục vụ cho người bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y trong chương trình hành động đến 2020, UBND tỉnh đã và đang có chính sách khuyến khích các công ty dược phẩm, doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc đông dược trên địa bàn. Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã có vườn thuốc nam mẫu, phục vụ cho công tác giảng dạy, công tác chỉ đạo tuyến về phát triển nguồn dược liệu. Các bệnh viện đa khoa trong tỉnh, các phòng khám khu vực và các trạm y tế xã cũng đã xây dựng được vườn thuốc nam từ 30-50 loại cây có giá trị chữa bệnh tại cộng đồng để sử dụng và giới thiệu cho nhân dân trên địa bàn về cách trồng, bảo quản, cách sử dụng để tự chăm sóc bảo vệ sức khoẻ. Phát triển nguồn dược liệu cũng là nhiệm vụ được Hội Đông y tỉnh hết sức chú trọng. Hội Đông y tỉnh đã tăng cường phát hiện, sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu của địa phương; đồng thời bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho cán bộ hội viên để ngày càng có nhiều thầy thuốc hiểu biết về cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng vùng, từng địa phương nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu phong phú. Từ đó, diện tích trồng dược liệu tập trung tại vườn thuốc nam mẫu ở các trạm y tế ngày càng tăng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển y, dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền tại các tuyến, nhất là tuyến cơ sở; kinh phí phục vụ cho các hoạt động còn hạn hẹp; việc nuôi trồng, phát triển nguồn dược liệu còn nhiều hạn chế, nguồn dược liệu do người dân trồng, chăm sóc chưa có đầu ra ổn định nên khó có thể khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích và đầu tư đúng mức.

Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với quy mô 120 giường bệnh, phát triển khoa y học cổ truyền trong Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố; củng cố tổ y học cổ truyền tại các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã và mở rộng chính sách khuyến khích thành lập, phát triển các loại hình khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền ngoài công lập theo quy định của pháp luật... là nhiệm vụ được ngành Y tế chú trọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, có chính sách ưu đãi các cơ sở sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) và theo hướng dẫn của Trung ương; khuyến khích phát triển thị trường kinh doanh dược liệu, thuốc đông y để đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền. Đồng thời, tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh nhằm tạo bước chuyển rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại trong bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Nhật Văn