.

Kiên quyết nói "không" với thực phẩm bẩn

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu cho sự tồn tại của con người. Tuy nhiên trên thực tế, tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn quốc và địa bàn tỉnh ta vẫn là khá phổ biến, việc bảo đảm cho người dân có nguồn thực phẩm “sạch” còn gặp nhiều khó khăn…

 "Khó như mua thực phẩm sạch"

Đó là tâm sự của các bà nội trợ khi không biết lựa chọn thực phẩm nào thật sự an toàn để chế biến bữa ăn cho gia đình. Trái cây chứa hóa chất độc hại, bột ớt và bột điều nhuộm phẩm màu công nghiệp, chả giò chứa hàn the, cá biển ướp đạm, thịt lợn nuôi bằng thức ăn tăng trọng, rau củ, quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật..., nội tạng lợn, chim cút không rõ nguồn gốc; việc dùng hóa chất, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép còn khá phổ biến tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh là những thông tin khá phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng chợ tự phát ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Đó là các điểm bán thịt lợn và thực phẩm tươi sống ở những nơi đông người qua lại. Qua quan sát của chúng tôi, hầu hết các chủ hàng này đều bày bán kiểu di động. Thịt được đặt trên một tấm bìa cũ hoặc lá chuối ngay bên lề đường đầy khói bụi do các phương tiện giao thông qua lại. Trông qua đã thấy mất vệ sinh, nhưng người tiêu dùng mua khá nhiều với lý do là tiện lợi và họ tin lời người bán rằng đây là lợn nuôi tại nhà nên yên tâm về chất lượng. Chính sự "dễ dãi" của người mua nên các chợ kiểu này vẫn tồn tại. Theo đó, thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà không qua kiểm dịch của lực lượng thú y, không cần đến các điểm giết mổ tập trung là khá phổ biến.

Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác như trái cây các loại, nước giải khát, thức ăn vặt... được bày bán theo kiểu chợ vỉa hè, nhiều nhất là ở trước các cổng trường. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các xe hàng rong bán các mặt hàng như xúc xích rán, bánh rán, kem, chè...

Hàng ăn ở các chợ trông qua cũng thấy mất vệ sinh không kém. Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh chưa có các khu vực riêng biệt dành riêng cho gian hàng ăn (ngoại trừ chợ Ba Đồn) nên hàng ăn được bày bán khá lộn xộn. Các gian hàng bún mắm, miến trộn ở chợ Nam Lý được bố trí hết sức tạm bợ, một cái bàn cũ bày trên đó đủ thứ thực phẩm; một bếp than bên cạnh để nướng thịt, vài xô nước... Điều đáng lo ngại là chủ hàng thường dùng tay để bốc thực phẩm cho khách thay vì phải đeo găng tay theo quy định, xung quanh đầy rác bẩn và ngay cả xô nước rửa cũng có màu đục nhờ nhưng vẫn được tận dụng để rửa các loại chén, bát, đũa. Mất vệ sinh ngay trước mắt thực khách như vậy nhưng vẫn rất đông người ăn, có người còn cho rằng ăn ở đây không an toàn nhưng vì hợp khẩu vị và rẻ nên "liều". Chính cái sự "liều" đó của không ít thực khách đã tiếp tay cho những chủ hàng ăn bán hàng kiểu như kể trên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều người mắc các bệnh về đường tiêu hóa và tiềm ẩn nguy cơ bệnh nan y.

Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm là chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe.
Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm là chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe.

Nói "không" với thực phẩm bẩn

Vệ sinh an toàn thực phẩm là tập hợp các điều kiện và biện pháp cần thiết để thực phẩm không gây hại cho sức khỏe, tính mạng con người.

Để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm chất lượng thực phẩm (từ nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn. Nếu bất kỳ khâu nào không đạt yêu cầu thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Chỉ tính riêng trong năm 2015 toàn tỉnh có 249 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 227 trường hợp phải nhập viện và 259 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ. Nguyên nhân ngộ độc là do người dân sử dụng nguồn thực phẩm chứa chất bảo quản độc hại, thực phẩm quá hạn sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý vi phạm hành chính 06 cơ sở, thu phạt 5.750.000đ, buộc tiêu hủy 18kg chả có hàn the, 20 kg chả hỏng, 1.880 con gia cầm giống không rõ nguồn gốc, 600kg gà đông lạnh, 1.350kg cá nóc...

Cũng qua điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành, không ít hộ nông dân có vườn rau không sử dụng hoá chất, đàn gà vịt nuôi theo kiểu truyền thống để riêng cho gia đình mình sử dụng, còn rau xanh có sử dụng hoá chất, gia súc, gia cầm nuôi bằng thức ăn có chất độc hại thì bán ra thị truờng. Hầu hết các cơ sở bị xử phạt vi phạm phần lớn do chưa bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm chưa được trang bị đầy đủ.. Việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng còn khá phổ biến...

Sở dĩ tồn tại vấn đề trên một phần là do nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông chưa thật nghiêm, khi phát hiện có vi phạm thì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, điều này đã tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn lan tràn trên thị trường.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, mùa của du lịch và lễ hội, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân; đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ một số cơ sở chế biến sản phẩm nông, thủy sản xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn và hỗ trợ 16 thùng vận chuyển thịt cho 16 cơ sở kinh doanh thịt trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã quy hoạch và xây dựng phương án hỗ trợ cơ sở sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 2,8 ha tại phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn), khuyến khích người dân trồng rau sạch, thực hiện bếp ăn sạch...

Mùa hè cũng là thời điểm lượng khách du lịch đến tỉnh ta sẽ tăng cao, nhiều lễ hội cũng sẽ được diễn ra. Đây là thời điểm mức tiêu thụ thực phẩm tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường và các mùa khác trong năm, cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh lợi dụng cơ hội. Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cần đồng thuận của các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân nhằm kiên quyết nói "không" với thực phẩm bẩn mới có thể hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này.

Nhật Văn-Lê Hồng