.

Hiệu quả từ mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân

Thứ Năm, 21/04/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tại xã Vĩnh Ninh, Trường THPT Ninh Châu... Mô hình đã trang bị các kiến thức bổ ích về giới tính, sức khỏe sinh sản cho nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên, giúp các em tự tin khi bước vào đời.

Lâu nay, đối với trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, kiến thức về sức khỏe sinh sản dường như vẫn còn rất hạn chế. Đa số các em đều có tâm lý ngại ngùng, e thẹn mỗi khi được nhắc đến vấn đề nhạy cảm này. Nguyên nhân là bởi nhiều phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình những vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, tại các nhà trường, mặc dù chương trình học đã có các buổi giáo dục giới tính cho các em song do thời gian không nhiều nên việc trao đổi giữa học sinh và giáo viên vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng với các loại văn hóa phẩm, các em có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn đến những vấn đề giới tính. Với tâm lý tò mò, muốn khám phá bản thân, nhiều em đã quan hệ tình dục sớm, và hệ quả là có nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc các bệnh về tình dục. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe và nguy hiểm hơn, nó còn ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này.

Nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của việc tuyên truyền và giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên, năm 2010, Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân tại 4 điểm: Trường THPT Ninh Châu, Trường THPT Quảng Ninh, xã vĩnh Ninh, xã Hiền Ninh. Chị Nguyễn Thị Lánh, Phó giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện cho biết: hiện tại, các mô hình này vẫn đang hoạt động có hiệu quả, mặc dù kinh phí hoạt động qua từng năm giảm xuống nhiều...

Một buổi sinh hoạt về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân của Trường THPT Ninh Châu.
Một buổi sinh hoạt về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân của Trường THPT Ninh Châu.

Cô Lê Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ninh Châu, Trưởng ban quản lý mô hình sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân của  trường chia sẻ: Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban quản lý mô hình và xây dựng 2 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Mỗi câu lạc bộ khoảng 30 em học sinh, mỗi quý sinh hoạt một lần. Tại những buổi sinh hoạt, các giáo viên đã nói chuyện và cung cấp cho các em những thông tin, tài liệu về giới tính, dấu hiệu về tuổi dậy thì, kinh nguyệt, xuất tinh ở nam giới, quan hệ tình dục không an toàn, hậu quả của việc mang thai sớm... Ngoài ra, những chia sẻ và thắc mắc thầm kín của các em về những vấn đề liên quan đến sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản cũng được các giáo viên trong câu lạc bộ giải đáp rõ ràng. Đặc biệt, việc tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho các em không chỉ giới hạn ở những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ mà còn được thực hiện lồng ghép vào trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, với những chủ đề thu hút được nhiều em tham gia sôi nổi như: Khi tôi 18, phòng chống HIV, tình yêu...

Tại xã Vĩnh Ninh, mô hình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân cũng được duy trì và hoạt động tốt trong nhiều năm qua. Là người gắn bó với mô hình từ những ngày đầu thành lập, chị Đỗ Thị Cạnh, cán bộ chuyên trách dân số xã Vĩnh Ninh, Trưởng ban mô hình tâm sự: những ngày đầu thành lập, mô hình đã gặp phải không ít khó khăn. Do tâm lý ngại ngùng nên số lượng trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên tham gia rất ít. Chị Cạnh đã cùng các thành viên đi vận động các em học sinh THCS, THPT trong xã tham gia sinh hoạt. Tuy nhiên, việc duy trì để mô hình hoạt động cũng là việc khó bởi nội dung tuyên truyền trùng lặp gây ra nhàm chán cho các em. Khắc phục hạn chế này, chị cùng các thành viên đã lên kế hoạch mỗi quý sinh hoạt một chủ đề khác nhau nhằm tạo không khí sôi nổi cho các em. Những chủ đề tuyên truyền và đưa ra thảo luận thường tập trung vào nội dung như: tình bạn tình yêu, tác hại của mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, các bệnh viêm nhiễm ở tuổi dậy thì, các biện pháp tránh thai... Chị Cạnh cho biết: Trong các buổi sinh hoạt, rất nhiều em hào hứng, nhiệt tình đặt các câu hỏi nhưng cũng có không ít em rụt rè và ngại hỏi. Để giúp các em mạnh dạn hơn, chị thường đặt câu hỏi, các em trả lời. Cũng tại các buổi sinh hoạt này, một số dụng cụ tránh thai đã được cấp phát miễn phí cho các em.  

Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình, chị Cạnh cho biết: Trước đây nhiều em trong độ tuổi thanh niên, vị thành niên vẫn còn mơ hồ và không hiểu rõ về giới tính, sức khỏe sinh sản, thế nhưng sau một thời gian tham gia, nhận thức của các em đã tăng lên. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi này mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh liên quan đến tình dục đã giảm hẳn. Quan trọng hơn, những kiến thức mà các em được trang bị từ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ đã giúp các em có thêm hành trang để bước vào đời.

Đoàn Nguyệt