.

Lợi ích khi tham gia mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân"

Thứ Sáu, 03/04/2015, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của thông tin đã làm cho cơ hội tiếp cận thông tin của giới trẻ nhiều hơn, kể cả thông tin trái chiều. Những thông tin về giới tính và “chuyện người lớn” đôi khi làm cho giới trẻ lúng túng, thậm chí lệch lạc về nhận thức và có thể dẫn hành vi sai trái. Chính vì vậy, để có thông tin chính thống và lành mạnh, mang tính định hướng giáo dục, trong đó giáo dục kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho độ tuổi vị thành niên và thanh niên là điều hết sức cần thiết.

Về mặt tâm lý, trong giai đoạn này, các em có rất nhiều băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi về thể chất lẫn tâm sinh lý, tình cảm, các em cần được chia sẻ, tìm hiểu, giải tỏa những khúc mắc để có thể tự tin hơn, nhận thức đúng đắn hơn trong hành trang chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành.

Ở tỉnh ta, từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã triển khai thí điểm mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 35 xã, phường, thị trấn và trường học nhằm cung cấp kiến thức về CSSKSS, tâm sinh lý lứa tuổi cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Trải qua hơn 3 năm hoạt động, các CLB này đã thực sự trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn...

Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là mô hình cần thiết cho đối tượng vị thành niên và thanh niên
Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là mô hình cần thiết cho đối tượng vị thành niên và thanh niên

Thông qua những buổi tư vấn, các hoạt động thiết thực, thời gian qua, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” ở tỉnh ta đã mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng CSSKSS cho vị thành niên và thanh niên, đồng thời, giúp các em tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ.

Ngoài việc nâng cao kiến thức, kỹ năng CSSKSS thì mục tiêu của mô hình là tuyên truyền, vận động các em từ 13 đến 25 tuổi tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và được hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn như: Mang thai, sinh đẻ, các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh... góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Triển khai mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, hướng dẫn các trạm y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập Câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân làm nơi tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân (sinh hoạt định kỳ 1 lần / 2 tháng), thu hút 1.050 thành viên tham gia. Tại mỗi điểm triển khai mô hình hiện có ít nhất 3 giáo dục viên, đây là đội ngũ tuyên truyền viên chủ chốt phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục SKSS cho đối tượng vị thành niên tại điểm và tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, tổ chức khám, kiểm tra SKSS và làm các xét nghiệm viêm gan B, HIV cho vị thành niên, thanh niên tại các điểm triển khai mô hình. Đồng thời, tổ chức được 16 buổi tuyên truyền, vận động tại các địa phương với 800 lượt người tham gia, đồng thời, tuyên truyền những kiến thức về SKSS/KHHGĐ cho các em trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Bình, Đài PT-TH địa phương, Bản tin Dân số..

Theo bà Hoàng Thị Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quảng Trạch, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” rất cần thiết đối với thanh niên, vị thành niên hiện nay. Tại Quảng Trạch, mô hình được thí điểm tại 3 xã: Quảng Phương, Quảng Đông và Cảnh Dương, mỗi năm thu hút được hơn 200 em tham gia. Các kiến thức được tiếp nhận ở CLB đã giúp nhiều bạn trẻ có suy nghĩ đúng, hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình; nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Không những thế, hoạt động này cũng đã thúc đẩy sự phối hợp, tạo hiệu quả kép giữa các hoạt động của tuổi trẻ và dân số, góp phần đưa hoạt động dân số ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, khi triển khai mô hình thì các xã vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa sẵn sàng, tâm lý e ngại, các em ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói” với người khác nên khi sinh hoạt CLB, các em vẫn chưa trải lòng để hỏi những vấn đề thắc mắc, ngại đến trạm để khám sức khỏe...
Vì vậy, để triển khai mô hình có hiệu quả và có sức lan tỏa, cần sự chung tay phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì.

T. Hoa