.

Nỗ lực khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS từng bước được đẩy mạnh, góp phần khống chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Xác định mục tiêu giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng, chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: lồng ghép truyền thông về HIV/AIDS cho người dân thông qua các buổi họp tổ dân phố, thôn bản, cấp phát tờ rơi, xây dựng panô, áp phích tại các điểm dân cư, tuyến giao thông và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào việc phổ biến các đường lây truyền, biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS...

Chương trình can thiệp giảm tác hại, cung cấp kiến thức sử dụng bơm kim tiêm an toàn, tình dục an toàn tới nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như: tiêm chích ma túy, người mua, bán dâm được đẩy mạnh ở các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Mô hình nay đang thu hút đông đảo đối tượng nghiện ma túy tham gia. Qua đó, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu cho những người nghiện chích ma túy và nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh.

Học sinh, sinh viên ở các trường học tích cực hưởng ứng các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.
Học sinh, sinh viên ở các trường học tích cực hưởng ứng các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Chương trình điều trị HIV/AIDS từng bước được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV sớm được tiếp cận điều trị ARV. Các bệnh nhân trước khi điều trị đều được khám sàng lọc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tất cả các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị ARV đều được tư vấn kỹ kiến thức về HIV/AIDS, cách phòng lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng, kiến thức về thuốc ARV và lợi ích của việc tuân thủ điều trị. Các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, điều trị Methadone, khám, điều trị cho người nhiễm HIV được tiến hành tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã giúp người bệnh dễ tiếp cận với các dịch vụ cách thuận tiện. Vì vậy đã phát hiện kịp thời các trường hợp dương tính với HIV để giới thiệu, tư vấn cho người bệnh tiếp cận sớm với chương trình chăm sóc điều trị; đồng thời tăng tính tuân thủ điều trị của bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV và Methadone.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc đẩy mạnh công tác chăm sóc điều trị người nhiễm HIV mà tỷ lệ người nhiễm chủ động tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ngày càng cao. Qua đó giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.

Công tác phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở cũng đạt được một số kết quả nhất định. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt tập huấn, trang bị kỹ năng truyền thông, kỹ năng giám sát và một số nội dung khác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS ở các xã, phường. Hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể và huy động được sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể đối với công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Số người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ, chăm sóc ở xã, phường, thị trấn tăng, góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng phòng chống HIV/AIDS, làm giảm các hành vi, nguy cơ lây nhiễm cao trong một số đối tượng. Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Nhiều địa phương đã thành lập được các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội, thu hút nhiều người ở các tổ chức, đoàn thể tham gia.

Để góp phần giảm thiểu số người nhiễm mới HIV và đạt được mục tiêu chiến lược 90-90-90 đến năm 2020, thời gian tới, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, điều trị, mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Bên cạnh đó, tỉnh ta sẽ củng cố, mở rộng hệ thống các cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và tiếp tục huy động sự chung tay tích cực của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa lây nhiễm HIV cho thanh niên, thiếu niên... để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Nhật Văn