.

Giám định BHYT: Dấu lặng phía sau bệnh nhân

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Bệnh nhân nhập viện hay ra viện đều gặp họ - những giám định viên (GĐV) BHYT ngày ngày túc trực tại các tuyến bệnh viện từ huyện đến tỉnh. Nếu đội ngũ y bác sỹ là mặt trước, trực tiếp khám điều trị cho bệnh nhân thì GĐV BHYT là mặt sau, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc “thượng vàng hạ cám” cho người bệnh liên quan đến chế độ, chính sách BHYT. Vì thế có thể xem họ là dấu lặng phía sau bệnh nhân.

Một ngày làm việc bình thường tại Phòng Giám định, BHXH tỉnh, Trưởng phòng Đinh Thái Quang cho chúng tôi biết: “Từ năm 2014, BHXH tỉnh ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) với 14 cơ sở KCB, trong đó 10 cơ sở có thẻ KCB ban đầu. Địa bàn phân bổ rộng khắp tỉnh nhưng cán bộ làm công tác giám định chỉ được 23 người, tại BHXH tỉnh 13 người và BHXH tuyến huyện, thành phố, thị xã 10 người”.

Theo câu chuyện của Đinh Thái Quang, chúng tôi phần nào hình dung ra được công việc thường ngày của đội ngũ GĐV BHYT:  họ trực tiếp kiểm soát quỹ BHYT tại các cơ sở KCB đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh; phối hợp với Phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế kiểm tra liên ngành tại các cơ sở KCB; chỉ đạo công tác giám định tại BHXH các huyện, thành phố đạt hiệu quả cao và bảo đảm tính thống nhất về mặt chuyên môn nghiệp vụ...

Khám chữa bệnh cho đối tượng thuộc diện BHYT tại Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới.
Khám chữa bệnh cho đối tượng thuộc diện BHYT tại Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới.

Toàn tỉnh hiện tại có 602.597 thẻ BHYT, chi phí KCB trong năm 2014 trên 321.486 triệu đồng, chi phí KCB BHYT phát sinh ngoại tỉnh trên 102.211 triệu đồng chiếm tỷ lệ 31%. Kết dư quỹ BHYT năm 2014 trên 35.420 triệu đồng. Một số tiền khổng lồ, nếu chia bình quân, mỗi cán bộ GĐV thuộc Phòng giám định, BHXH tỉnh gánh gần 14 tỷ đồng trong mỗi năm, họ phải kiểm tra, giám sát, quyết toán tránh tình trạng lạm thu, chi sai quỹ BHYT tại các tuyến bệnh viện đồng thời bảo đảm tốt quyền lợi, lợi ích của bệnh nhân điều trị. Ngoài công tác kiểm soát quỹ BHYT, Phòng giám định còn phối hợp với Phòng kiểm tra, BHXH tỉnh kiểm tra hiện trạng, tình hình KCB, chăm sóc điều trị ban đầu cho bệnh nhân ở hệ thống các trạm y tế, phòng khám đa khoa trực thuộc các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình...

Trương Minh Tuấn, cán bộ thuộc BHXH thành phố Đồng Hới hiện tại đang là GĐV BHYT tại Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới. Có lẽ Tuấn là một trong nhiều cán bộ BHXH tỉnh có thâm niên làm GĐV khá lâu, luân chuyển nhiều tuyến bệnh viện, từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và hiện tại là Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới. Gắn bó, vui buồn với nghề giám định BHYT, ngày ngày Trương Minh Tuấn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, anh chia sẻ: “Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh và điều trị nội trú tại bệnh viện đông nhưng chúng tôi chỉ có hai người phụ trách giám định BHYT, áp lực công việc rất lớn. Không như các y bác sỹ trực tiếp thăm khám bệnh nhân, thường để lại dấu ấn đậm nét cho bệnh nhân, cán bộ giám định chúng tôi lặng thầm đồng hành cùng người bệnh. Ở đây, cán bộ giám định thường xuyên gặp những thắc mắc từ bệnh nhân cùng người nhà mà chúng tôi cần phải hướng dẫn, giải đáp tận tình, chu đáo. Và khi bệnh nhân ra viện, họ chỉ nhớ đến bác sỹ điều trị cho mình, còn mấy ai nhớ cán bộ giám định BHYT lặng thầm làm hết mọi thủ tục thanh toán quyền lợi BHYT cho họ”.

Công việc lặng thầm nhưng mỗi một GĐV BHYT đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình nhất là đối với bệnh nhân nghèo, đối tượng cận nghèo, bệnh nhân BHYT ở các địa bàn vùng sâu vùng xa; bệnh nhân chuyển viện trái tuyến... Trưởng phòng giám định Đinh Thái Quang, BHXH tỉnh cho biết thêm: “Với một khối lượng công việc lớn như thê, nên công tác giám định BHYT gặp rất nhiều khó khăn: lực lượng GĐV rất mỏng, nhất là tuyến BHXH huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện đa khoa, bệnh viện khu vực; việc đấu thầu thuốc trong năm tại các cơ sở KCB theo hình thức đấu thầu riêng lẻ nên Phòng giám định khó khăn trong việc bố trí nguồn nhân lực theo dõi”.

Năm 2015, Luật BHYT sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, nhiệm vụ của đội ngũ GĐV BHYT- những dấu lặng phía sau bệnh nhân càng hết sức nặng nề hơn khi ngoài công tác chuyên môn còn phải trực tiếp giải quyết mọi thắc mắc, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì vậy, Phòng giám định tập trung phối hợp với các cơ sở KCB hướng dẫn thay đổi về mã thẻ, quyền lợi hưởng BHYT theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và bảo đảm quyền lợi KCB BHYT của người bệnh BHYT theo quy định mới; thành lập tổ thường trực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung tiếp nhận thông tin từ phía người tham gia BHYT, cơ sở KCB BHYT, BHXH các huyện, thành phố, thị xã để kịp thời hướng dẫn giải quyết.

Thanh Long - Tuyết Trinh