.

Khẩn trương triển khai biện pháp phòng tránh rắn lục đuôi đỏ

Thứ Hai, 19/01/2015, 09:21 [GMT+7]

Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường tại một số tỉnh khu vực miền Trung, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đe dọa đến sức khỏe của người dân, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng.

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở Quảng Ngãi.(Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở Quảng Ngãi.(Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Trước tình hình đó, để hạn chế các tác hại do rắn lục đuôi đỏ gây ra,  bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên cần khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng tránh loại rắn độc này.

Cụ thể, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về hiện tượng xuất hiện bất thường rắn lục đuôi đỏ, cảnh báo và hướng dẫn người dân có các biện pháp đề phòng, sơ cứu khi bị rắn cắn; tránh gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Vận động người dân tổ chức các đợt phát quang bụi rậm, dây leo quanh nhà, gần đường đi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xua đuổi và tiêu diệt khi phát hiện rắn lục đuôi đỏ.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp thực hiện và tích cực hỗ trợ người dân phòng tránh, tiêu diệt rắn lục đuôi đỏ, kiên quyết không để lan rộng, phát triển trong thời gian tới. Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng cứu chữa kịp thời cho nhân dân khi bị rắn cắn ở các cơ sở y tế và khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn phải đến ngay các trung tâm y tế để chữa trị kịp thời.

Các chuyên gia bò sát xác định loài rắn xuất hiện bất thường tại một số tỉnh Nam Trung bộ trong thời gian vừa qua chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ (tên khác là rắn lục mép trắng, rắn lục tre) có tên khoa học là Trimeresurus albolabris thuộc họ Rắn lục Viperidae.

Rắn lục đuôi đỏ không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. Việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều tại một số địa phương trong thời gian qua có thể do điều kiện của thời tiết ấm áp hơn; các trận lũ lớn trước đây đã mang theo một số cá thể rắn lục từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển nhanh hơn, gia tăng về số lượng./.

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, nọc độc của rắn lục thường tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Nọc độc của rắn lục thường không tác dụng lên hệ thần kinh như nhóm rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia nên không gây liệt ngay. Tuy nhiên, không thể chủ quan với nọc độc của rắn lục. Một số lưu ý khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn như sau:

- Hạn chế vận động tối đa vì sẽ làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể. Khi bị cắn nên đưa bệnh nhận đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiêm huyết thanh chống độc.

- Đối với rắn lục cắn, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Nếu có thể, bắt cá thể rắn vừa cắn đem theo đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.

- Không nên ga-rô bằng dây cao su (dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới băng ga-rô).

- Không nên rạch vết cắn, hút máu từ vết cắn (bằng ống hút hoặc miệng), sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc và không biết chính xác tác dụng.

- Khi rắn cắn, nó chỉ tiêm một phần nọc độc với mỗi lần cắn, vì vậy nó vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương sau khi đã cắn lần đầu tiên. Khi rắn mới chết hoặc với phần đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ.

 

 

Theo Thanh Tâm (Vietnam+)