.

Quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng: Cần tình thương và trách nhiệm

Thứ Tư, 08/10/2014, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Với nhiều gia đình có con em mắc bệnh tâm thần, đó vừa là nỗi đau, vừa là gánh nặng. Với xã hội, người bệnh tâm thần trong cộng đồng luôn mang một nỗi lo sợ mơ hồ nhất là vừa qua, vụ án một đối tượng tâm thần tại tỉnh Hải Dương giết cả bốn người thân trong gia đình càng khiến cộng đồng thêm phần hoang mang.

Nỗi đau của gia đình

Nhiều năm nay, hình ảnh bà cụ già hơn 80 tuổi nhưng bất kể trời nắng mưa, vẫn bền bỉ với đôi quang gánh chất đầy giấy vụn đã không còn xa lạ với người dân phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới). Bởi hơn ai hết, những người hàng xóm của cụ Mai Thị Điu hiểu rằng, đó là phương tiện duy nhất để cụ tìm kiếm miếng cơm nuôi sống chính mình và hai đứa con tâm thần cùng đứa cháu nội đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Hai người con bất hạnh của cụ là anh Đặng Văn Đông (47 tuổi) và anh Đặng Văn Hợi (41 tuổi) đều mắc chứng bệnh tâm thần nên hầu như không lao động được, gánh nặng kinh tế gia đình lại đặt lên vai gầy người mẹ già còm cõi. Nhiều đêm liền, hai anh bỏ nhà đi lang thang. Người mẹ già tội nghiệp ấy lại tất tả giữa đêm tối, giữa gió mưa đi tìm con trở về. ..

Gần 3.000 người tâm thần ở tỉnh ta sẽ có gần 3.000 câu chuyện đời nhưng ở họ, vẫn có một điểm chung là nỗi đau đang đè nặng lên từng số phận người. Không còn đủ tỉnh táo để hiểu hết những thiệt thòi mà mình đang gánh chịu nhưng với gia đình họ, nỗi đau ấy chưa bao giờ nguôi ngoai.

Đó có thể là gánh nặng khi mất đi một trụ cột gia đình, sự tự ti trước sự xa lánh của cộng đồng và cũng có thể là nỗi đau về thể xác do chính những người thân “không bình thường” của mình gây ra. Như trường hợp cụ Hoàng Thị Bẻo (82 tuổi, Đức Ninh, Đồng Hới) có đứa con gái mắc bệnh tâm thần từ chục năm nay. Mỗi lúc lên cơn điên dại, chị cứ dùng hết sức mà đánh đập, hành hạ cụ. Người mẹ ấy chỉ biết cắn răng chịu đựng, “thà để hắn đánh mình còn hơn hắn chạy ra ngoài đánh người”.

Mỗi gia đình có người thân mắc chứng tâm thần mà tôi đã gặp đều có một nỗi khổ riêng. Hầu hết đều là những người cha, người mẹ tóc trắng, già nua, thay vì được cháu con chăm sóc tuổi già thì nay, họ phải vừa vất vả kiếm ăn, vừa phải chăm sóc đứa con điên dại. Nhiều người chấp nhận sống chung, cũng có gia đình buộc lòng phải xích, hoặc nhốt con em mình vào một góc riêng đề phòng gây họa cho xóm làng.

Nhưng nhìn đứa con vốn lành lặn nay lại ngây ngô giữa cuộc đời, người làm cha, làm mẹ nào chẳng thấy xót xa. Nhiều gia đình có con bị tâm thần, mỗi lúc lên cơn lại bỏ nhà đi lang thang, đến nay vẫn “bặt vô âm tín” thì họ đau nỗi đau mất con đã đành, lại thêm một nỗi lo nặng trĩu: chẳng biết con em mình sẽ gây ra hiểm nguy nào cho cộng đồng, xã hội?

Nỗi lo của cộng đồng

Nhiều người dân sống quanh khu vực chợ Nam Lý (Đồng Hới) đã quá quen với hình ảnh một người đàn ông ăn mặc rách rưới, ngày lang thang quanh chợ, tối về co quắp ngủ ở vòng xoay giữa đường. Dù trời mưa gió hay nắng gắt, cái bóng dáng tiều tụy của ông cứ dật dờ như một bóng ma đầy ám ảnh.

Dù đã già yếu nhưng cụ Hoàng Thị Phương (Đức Ninh Đông) vẫn phải chăm sóc đứa con bị bệnh tâm thần.
Dù đã già yếu nhưng cụ Hoàng Thị Phương (Đức Ninh Đông) vẫn phải chăm sóc đứa con bị bệnh tâm thần.

Thỉnh thoảng, mỗi khi lên cơn, ông lại cười sằng sặc, đôi mắt hoang dại lấp ló dưới mái tóc dài xồm xoàm, rũ rượi. Chẳng ai biết người đàn ông ấy tên gì, từ đâu đến, chỉ biết ông chọn góc đường đó làm nhà từ lâu lắm rồi. Họ chỉ biết, đó là “một người điên khá lành”, chẳng rượt đuổi hay chọc phá ai bao giờ. “Lành” nhưng cũng không ai dám đến gần, bởi “chẳng biết ông ta nổi cơn điên lên thì sẽ làm những gì?”, một người dân sống quanh đó ái ngại. Nhưng những khi ông lão có hành động gì kỳ quái lại thu hút ánh mắt tò mò của người đi đường, xe cộ ùn tắc, giao thông cản trở.

Tình trạng người tâm thần lang thang khắp các ngả đường không còn là chuyện hiếm gặp. Đó có thể là những người vô gia cư, chọn góc phố là nhà, sống dật dờ nhờ những thứ nhặt nhạnh được, cũng có người có gia đình, có người thân hẳn hoi, nhưng họ chẳng còn đủ tỉnh táo để biết mình đang làm gì?

Đi đến đâu họ cũng bắt gặp những ánh mắt ái ngại, sự xa lánh, lo sợ của chính những người sống quanh mình. Đã có không ít trường hợp bệnh nhân tâm thần sống tại cộng đồng có hành vi đe dọa, đuổi đánh người qua đường, thậm chí là hành hạ, đánh đập chính người thân của mình.

Tại tỉnh ta, chưa có vụ án nghiêm trọng nào liên quan đến người tâm thần, thế nhưng những đối tượng đặc biệt này vẫn luôn là nỗi lo thường trực của những cộng đồng dân cư có người bệnh tâm thần sinh sống. Không biết được những hậu quả gì sẽ xảy ra nếu những con người không còn khả năng làm chủ được hành vi, nhận thức ấy không được sự giám sát, quản lý của chính gia đình và những người xung quanh.

Nỗi lo ấy vốn đã thường trực thì vụ án một đối tượng tâm thần giết bốn người thân vừa xảy ra tại tỉnh Hải Dương càng dấy lên trong cộng đồng thêm nhiều nỗi hoang mang. Nỗi lo với những bệnh nhân tâm thần giờ không còn là nỗi sợ mơ hồ.

Một điều đáng nói là trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân tâm thần gia tăng như hiện nay có liên quan đến sự thiếu quan tâm của gia đình và chính cộng đồng. Một số chuyên gia y tế cho rằng nhiều gia đình có con em có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần nhưng chủ quan, giấu diếm dẫn đến tình trạng bệnh tình càng nặng thêm.

Họ trở thành mối đe dọa, nguy hiểm cho xã hội. Và điều nguy hiểm là người dân và cộng đồng cùng sống chung với “nguy cơ” nhưng lại yếu về kiến thức phòng ngừa, giám sát, nhận biết các biểu hiện tái phát bệnh tâm thần.

Cộng đồng cùng chung tay

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 3.000 đối tượng tâm thần, trong đó có hơn 500 đối tượng nặng cần được nuôi dưỡng, chữa trị tập trung. Con số đó ngày càng gia tăng, nhất là trong tình trạng cuộc sống ngày càng nhiều mối quan tâm, ảnh hưởng lớn đến tâm lý con người.

Thực tế cho thấy, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh tâm thần tại nhiều địa phương chưa có điều kiện chăm sóc, quản lý là do tại tỉnh ta chưa có trung tâm đặc thù nào để chăm sóc đối tượng này... Hơn 100 đối tượng bệnh nhân nặng của Quảng Bình hiện đang được gửi vào điều trị tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế. Số lượng người bệnh không ngừng gia tăng, đòi hỏi phải có một trung tâm điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần ngay tại địa bàn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, năm 2010, đề án thành lập Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng tâm thần tỉnh Quảng Bình ra đời. Hiện đề án đã được triển khai và sau khi hoàn thành, công trình sẽ được trang bị nhiều thiết bị phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều trị cho gần 400 đối tượng tâm thần nội trú và 100 đối tượng nuôi dưỡng bán tập trung. Sự ra đời của trung tâm sẽ góp phần giảm gánh nặng cho những gia đình có con em mắc chứng bệnh đặc biệt này, đồng thời, giảm áp lực và nỗi lo cho chính cộng đồng. 

Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất để giải quyết nỗi lo từ người tâm thần sống trong cộng đồng, đòi hỏi vai trò quan trọng từ sự quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Bởi theo nguyên tắc khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân quá nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý.

Song hiện nay, một phần do năng lực, phương tiện của đội ngũ y tế cơ sở chưa đồng đều nên hầu như rất ít nơi có được biện pháp tốt nhất để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất trật tự an toàn tại khu dân cư.

Chính vì vậy, để vừa bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo cũng như ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra, đòi hỏi các ngành chức năng cần chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế nhằm quản lý và điều trị tốt người bệnh tâm thần, hạn chế thấp nhất các hiểm họa do người bệnh tâm thần gây ra.

Và trên tất cả, nếu người bệnh được quan tâm, chăm sóc bằng chính tình yêu thương của gia đình, của xã hội thì vẫn có thể được phục hồi và tránh được nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Diệu Hương