.

Nỗ lực đổi mới để chăm lo sức khỏe nhân dân

Thứ Sáu, 12/09/2014, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chú trọng phòng chống dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), tay-chân-miệng, sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở điều trị trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 

Hoạt động ứng dụng kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị cho người bệnh đang được đẩy mạnh ở nhiều bệnh viện trong tỉnh.
Hoạt động ứng dụng kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị cho người bệnh đang được đẩy mạnh ở nhiều bệnh viện trong tỉnh.

Nhờ tăng cường công tác giám sát các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên và có biện pháp xử lý kịp thời nên trong bối cảnh cả nước có nhiều ca mắc cúm A(H5N1) nhưng Quảng Bình vẫn kiểm soát tốt, không có trường hợp nào mắc bệnh mặc dù trên địa bàn tỉnh có xảy ra dịch H5N1 trên gia cầm.

Các dịch bệnh khác  như chân-tay-miệng, sởi và nghi sởi xảy ra rải rác chủ yếu tại các huyện, thành phố: Quảng Trạch, Bố Trạch và Đồng Hới, song được các đơn vị y tế kiểm soát kịp thời, không để bệnh bùng phát thành dịch.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị y tế trong tỉnh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống sốt rét với các hoạt động được đẩy mạnh như phun tẩm hoá chất, phân phối đầy đủ, kịp thời thuốc, hoá chất, vật tư cho hoạt động này ở tuyến cơ sở, đặc biệt là các vùng có sốt rét lưu hành nặng, vùng sâu, vùng xa.

Ngành cũng đã phối hợp với Viện Sốt rét Quy Nhơn và Viện Sốt rét Trung ương giám sát, khảo sát, đánh giá tình hình sốt rét gia tăng tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa.

Mặc dù số bệnh nhân mắc số rét tăng so với cùng kỳ năm trước song nhờ làm tốt công tác giám sát nên các trường hợp mắc bệnh được điều trị kịp thời, không có người tử vong do sốt rét. Toàn ngành đã chủ động triển khai các kế hoạch, công văn chỉ đạo của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng, chỉ đạo các cơ sở y tế nắm chắc đối tượng và tiến hành tiêm bổ sung vắc xin sởi cho cho trẻ em trong độ tuổi, đạt tỷ lệ >95%.

Trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh, các bệnh viện đã chủ động triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như phẫu thuật chấn thương sọ não có tụ máu ngoài và dưới màng cứng; phẫu thuật kết hợp xương ở các vị trí phức tạp; nối gân; cắt tử cung toàn phần, bán phần; kỹ thuật thay toàn bộ khớp háng; phẫu thuật nội soi lấy đĩa đệm, khâu vết thương tim, siêu lọc máu, phẫu thuật cuốn mũi dưới bằng sóng cao tần (Coblator), phẫu thuật làm nhuyễn tinh thể bằng siêu âm (Phaco), đặt thể thủy tinh nhân tạo, phẫu thuật trồng lại niệu quản một bên... và các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... bảo đảm cho việc chẩn đoán, điều trị các loại bệnh.

Từ việc ứng dụng các kỹ thuật mới, các bệnh viện đã cứu được nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, chất lượng khám, điều trị ngày được nâng cao. Tỉnh ta đang triển khai áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành và tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Các bệnh viện trong tỉnh đã chú trọng hơn đến việc hoàn thành hệ thống đường dây nóng, niêm yết công khai số điện thoại nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế và Ban giám đốc bệnh viện để tiếp nhận, xử lý kịp thời các ý kiến phản ánh của người dân; đồng thời triển khai thực hiện Luật khám chữa bệnh... Hầu hết các bệnh viện đã thành lập Hội đồng xây dựng danh mục chuyên môn kỹ thuật và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị khu vực cách ly để thu dung, điều trị người bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Việc thực hiện 2 mục tiêu cơ bản của chính sách quốc gia về thuốc ở tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh được chú trọng đúng mức. Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra việc tổ chức triển khai đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, vị thuốc y học cổ truyền tại một số đơn vị trực thuộc nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trúng thầu năm 2014 tại các đơn vị chiếm từ 70%  trở lên. Nhiều hoạt động khác được đẩy mạnh như kiểm tra, thanh tra các cơ sở bán lẻ thuốc về niêm yết giá thuốc theo quy định của Thông tư 50/2011/TTLT- BYT-BTC ngày 30-12-2011; phối hợp với các phòng y tế trong chỉ đạo các trạm y tế dự trù, xây dựng danh mục nhằm bảo đảm đủ thuốc khám, chữa bệnh tại các các trạm y tế xã.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác y tế trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn lớn nhất của toàn ngành là kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 đều bị cắt giảm trên 70% so với năm trước; một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được cung ứng kịp thời như: vắc xin sởi, vắc xin Quinvaxem (DPT-VGB-Hib); vấn đề xử lý chất thải tại hầu hết tại các bệnh viện vẫn chưa bảo đảm theo quy định tại QĐ 43/2007/QĐ-BYT ngày 30-11-2007. Nhiều đơn vị hệ thống xử lý chất thải không bảo đảm, hư hỏng hoặc xuống cấp nên công tác xử lý chất thải gặp rất nhiều khó khăn...

Từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập, toàn ngành đang tập trung thực hiện mục tiêu đạt 100% trạm y tế có bác sĩ và có đủ cán bộ, duy trì kết quả của chương trình tiêm chủng mở rộng với mục tiêu trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tại các bệnh viện. Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch phát triển y tế biển đảo trên địa bàn tỉnh.

P.V