.

Kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông

Thứ Năm, 20/11/2014, 15:54 [GMT+7]
Quang cảnh phiên thảo luận về chủ đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông”.
Quang cảnh phiên thảo luận về chủ đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông”.

“Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 17-11.

>> Bế mạc Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6

Bốn nhân tố lớn tác động đến tình hình Biển Đông

Hòa bình, ổn định trên Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với an ninh, sự thịnh vượng của khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, năm 2014 có lẽ là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. An ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông có thời điểm bị đe dọa nghiêm trọng. “Có những vụ việc lần đầu tiên xảy ra nhưng hết sức nghiêm trọng, kéo dài về thời gian, dồn dập về diễn biến và thu hút sự chú ý trong và ngoài khu vực. Có những vụ việc đã từng xảy ra nhưng được lặp lại với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước".

Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ trong phát biểu khai mạc hội thảo. “Riêng trong năm nay, đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hy vọng của nhân dân trong khu vực về một Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại”,  Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tại Biển Đông, môi trường ngày càng xuống cấp, các nguồn lợi hải sản bị suy giảm và “nguyên trạng” dần bị thay đổi.

Các học giả nhận định có bốn nhân tố lớn tác động đến tình hình Biển Đông thời gian gần đây: Thứ nhất là sự thay đổi trong tính toán của một số nước về lợi ích chiến lược của các bên và cán cân sức mạnh giữa các quốc gia; thứ hai là sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở tất cả các bên tranh chấp, trong đó có chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một số nước; thứ ba là sự cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc; thứ tư là sự bất đồng trong việc lý giải và áp dụng luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông cũng dẫn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Mối quan tâm không của riêng ai

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh chung.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh chung.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhận định, tình hình Biển Đông trong năm tới có thể còn diễn biến phức tạp hơn nữa. Bất ổn tất yếu sẽ xảy ra nếu các bên liên quan không kiềm chế và thiếu các nỗ lực hợp tác. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế đã ngày càng quan tâm hơn tới tình hình Biển Đông và mong muốn các tranh chấp được xử lý ổn thỏa.

“Có thể nói, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC), không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông”, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ.

Ông Myint Thu, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Mi-an-ma, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cũng khẳng định duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông là một mối quan tâm không của riêng ai. Theo ông Myint Thu, trong năm Chủ tịch của Mi-an-ma, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên hàng đầu của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Tại hội thảo, ông Myint Thu cũng nhắc lại yêu cầu của các Ngoại trưởng ASEAN về việc các bên liên quan cần kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và đẩy nhanh đàm phán để hướng tới COC. Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vừa diễn ra tuần trước tại Nây Pi Tô, Mi-an-ma đã tiếp tục khẳng định mong muốn trên của ASEAN, đồng thời nhất trí thúc đẩy các biện pháp "thu hoạch sớm" nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình ở Biển Đông.

Theo các học giả, có hai yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông mà các bên cần phát huy. Đó là nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế bao gồm việc bảo đảm năng lượng, quản lý và phát triển các nguồn hải sản và bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường vận tải biển quốc tế. Các lĩnh vực được cho là có nhiều triển vọng hợp tác là nghề cá, bảo vệ môi trường biển, an ninh, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại một khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Đông tại Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo sẽ kết thúc vào chiều 18-11.

Theo Bảo Trung (QĐND)