.

Nga, Trung Quốc triển khai dự án khí đốt chiến lược

Thứ Ba, 14/10/2014, 07:24 [GMT+7]

Báo The Hindu ngày 11-10 cho biết, Nga và Trung Quốc bắt đầu triển khai dự án hợp tác dầu khí chiến lược trị giá 400 tỷ USD, cho phép Nga giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu và mở ra triển vọng khai thác nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở châu Á-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất...

Sau khi Trung Quốc phê chuẩn bản thiết kế và kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí nối với Nga ngày 9-10 vừa qua, hai nước đã chính thức triển khai dự án hợp tác dầu khí được cho là quy mô toàn cầu trị giá 400 tỷ USD này.

Theo kế hoạch, đường ống dẫn khí được xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ bắt đầu từ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc nước này và kết thúc tại thành phố Thượng Hải. Công trình này bắt đầu với tuyến đường ống từ thành phố Hắc Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang tới huyện Trường Lĩnh thuộc tỉnh Cát Lâm, và một đường ống phụ từ huyện Trường Lĩnh tới thủ phủ Trường Xuân của tỉnh này. Tiếp theo là tuyến đường ống trung tâm từ huyện Trường Lĩnh tới huyện Vĩnh Thanh thuộc tỉnh Hà Bắc, sau đó là tuyến đường ống phía Nam từ Vĩnh Thanh tới thành phố Thượng Hải. Dự kiến, công trình trên sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2015 và hoàn thành sau 3 năm.

Trong khi đó, phía Nga bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí với chiều dài 4000km nối các mỏ khí Kovyktin và Chayandin ở Xi-bi-ri với thành phố cảng Vla-đi-vô-xtốc ở miền Đông, từ đầu tháng 9 vừa qua.

Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận cung cấp khí đốt, chấm dứt cuộc đàm phán cung cấp khí đốt kéo dài một thập kỷ giữa hai bên, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) tới Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua. Theo thỏa thuận, phía Nga sẽ cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2018, sau khi đường ống dẫn khí hoàn thành. Sự hợp tác này cho phép Mát-xcơ-va giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu âu, đồng thời mở ra triển vọng khai thác nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất.

Tổng thống Nga V. Pu-tin tại Lễ khởi công xây dựng đường ống khí đốt Nga-Trung Quốc hồi đầu tháng 9. Ảnh: AP
Tổng thống Nga V. Pu-tin tại Lễ khởi công xây dựng đường ống khí đốt Nga-Trung Quốc hồi đầu tháng 9. Ảnh: AP

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh hiện đang triển khai một dự án chiến lược quy mô lớn cấp toàn cầu. Dự án này sẽ tăng cường hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước hết là với Trung Quốc. Phát biểu của Tổng thống Pu-tin cho thấy, ngành năng lượng Nga đang thực thi chiến lược hướng Đông và Trung Quốc sẽ là trụ cột của chiến lược này. Về phần Trung Quốc, nước đang khát năng lượng, tất nhiên, Bắc Kinh sẽ lợi dụng cơ hội này để có được nguồn cung nhiên liệu ổn định và giá rẻ hơn.

Kể từ năm 2013, hai nước Nga-Trung đã nhận ra những lợi ích to lớn của quan hệ song phương, không chỉ về kinh tế thuần túy mà còn là lợi ích an ninh-quân sự trong thế cân bằng chiến lược toàn cầu và sự vận động trong cấu trúc an ninh quốc tế, trong bối cảnh Mỹ đang vượt trội về vũ khí thông thường và chiến lược “Đông tiến" của NATO.

Theo giới quan sát, hiện nay, 50% ngân sách quốc gia của Nga thu được từ việc xuất khẩu năng lượng. Trong bối cảnh đó, Nga buộc phải tìm những đối tác mới để xuất khẩu. Trung Quốc là nước có khả năng đáp ứng được nhu cầu của Nga và luôn “rộng mở vòng tay đón chào Nga”. Với thỏa thuận dầu khí có tổng giá trị hợp đồng lên đến 400 tỷ USD này, Nga đã giải được cơn khát năng lượng cho Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng “cứu” nền kinh tế Nga trước các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Phát biểu tại buổi Lễ khởi công hồi đầu tháng 9, Tổng thống Pu-tin cho rằng: “Tuyến đường ống này sẽ không chỉ tăng cường xuất khẩu và mở rộng phạm vi địa lý cho hàng xuất khẩu nhiên liệu năng lượng của chúng ta, mà còn là một bước tiến quan trọng trong quá trình “khí hóa” đất nước, đặc biệt là đối với khu vực phía Đông nước Nga”.

Với dự án khổng lồ này, tỷ trọng các nguồn năng lượng của Nga tại thị trường châu Á có thể chiếm tới 30%. Khối lượng khí đốt cũng chiếm khoảng 25% mức tiêu thụ hiện nay của Trung Quốc và khoảng 10% nhu cầu khí đốt của nước này vào năm 2020. Năm ngoái, Trung Quốc tiêu thụ tới 170 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, cao hơn 10 tỷ m3 so với lượng khí đốt mà Nga đang xuất sang châu âu, và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 420 tỷ m3 khí/năm vào năm 2020.

Theo chuyên gia an ninh năng lượng A. Tơ-bin (Alexei Turbin), dự án này bao hàm cả yếu tố năng lượng và chính trị. Tuyến đường ống này sẽ cung cấp khí đốt cho vùng Viễn Đông của Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc, mở đường cho những kế hoạch to lớn hơn của Nga ở châu Á, tới cả Nhật Bản, Hàn Quốc, In-àö-nê-xi-a… làm giảm đáng kể sức ép từ phương Tây.

Theo Ngọc Hà (QĐND)