.

Lệ Thủy: Tăng cường bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Thứ Hai, 30/05/2016, 06:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có chuyển biến tích cực, số vụ xâm hại tài nguyên rừng bị phát hiện xử lý đã giảm mạnh so với các năm trước.

Vùng rừng giáp ranh về phía Nam của tỉnh Quảng Bình thuộc địa giới hành chính huyện Lệ Thuỷ (gồm các xã Kim Thuỷ, Sen Thuỷ, Thái Thuỷ) tiếp giáp với 2 huyện Vĩnh Linh (gồm xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô) và Hướng Hoá (xã Hướng Lập) của tỉnh Quảng Trị.

Do đặc điểm khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh nằm trải dài trên diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp, đặc biệt có điểm cao trên 800m, độ dốc hơn 40 độ...nên việc kiểm tra, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng cũng như đối với các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Được biết, tài nguyên rừng khu vực giá ranh dồi dào, trữ lượng gỗ khá lớn và có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: lim, gõ, dỗi, huỵnh... Xác định khu vực rừng giáp ranh là địa bàn xung yếu, nên Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (BQLRPH) đã tăng cường lực lượng, thành lập các trạm kiểm soát ngăn chặn đối tượng vào rừng. Hạt đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập tổ liên ngành để truy quét lâm tặc, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 8-2015 đến 30-4-2016 tổ liên ngành của 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã phối hợp tổ chức được 18 đợt kiểm ra, truy quét tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh (chủ yếu tại khu vực rừng xung yếu ở các tiểu khu: 527, 531, 534, 536, 537, 538, 529 thuộc địa bàn xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ).

Gỗ lậu bị tịch thu trong năm 2016 tại Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy.
Gỗ lậu bị tịch thu trong năm 2016 tại Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy.

Qua công tác kiểm tra, truy quét, lực lượng chức năng đã xác định được một số toạ độ có dấu hiệu rừng bị xâm hại, khai thác trái phép; tiến hành ngăn chặn, đẩy đuổi hàng trăm trường hợp vào rừng trái phép; tháo dỡ 1.500 bẫy săn bắt động vật hoang dã; phá huỷ một số tuyến đường vận chuyển gỗ và nhiều lán trại của lâm tặc; bắt giữ, xử lý 6 xe quẹt tự chế cùng 15m3 gỗ khai thác, vận chuyển trái phép tại khu vực rừng giáp ranh

Riêng BQLRPH Động Châu được giao quản lý gần 20 nghìn ha rừng tự nhiên, là "mái nhà xanh" che chở cho hàng vạn cư dân sống ở lưu vực sông Kiến Giang và sông Long Đại, trong đó 2/3 diện tích nằm ở khu vực rừng giáp ranh. Chính vì Động Châu là khu rừng giàu nên đã trở thành “tâm điểm” mà “lâm tặc” thường xuyên ngắm đến trong việc khai thác trái phép gỗ. Những năm qua lâm tặc của 2 địa phương thường tập trung hoạt động xâm hại ở các tiểu khu rừng giàu trữ lượng này.

Trong lâm phần do BQLRPH Động Châu quản lý có 10 bản dân tộc Vân Kiều với hơn 500 hộ dân sinh sống. Phần giáp ranh với tỉnh Quảng Trị địa hình hiểm trở nên tình hình khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, vào mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn ở mức rất cao.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy cho biết, khu vực rừng giáp ranh với huyện Vĩnh Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị các năm trước luôn là “điểm nóng” về phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Nhưng trong hai năm qua tình hình vi phạm lâm luật ở đây giảm hẳn. Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp số 01/QCPH-KL ngày 12-7-2013, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Trong đó coi trọng công tác phối hợp  trao đổi thông tin và tổ chức các đợt ra quân truy quét lâm tặc khu vực giáp ranh. Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã phối hợp với Hạt kiểm lâm Vĩnh Linh và Hướng Hóa, Quảng Trị tăng cường kiểm tra khu vực rừng giáp ranh.

Trên tuyến giáp ranh lực lượng kiểm lâm huyện Lệ Thủy và Ban BQLRPH Động Châu bố trí 3 trạm bảo vệ rừng, mỗi trạm có từ 3-5 nhân viên làm nhiệm vụ canh gác 24/24h. Đặc biệt khu vực trạm bảo vệ rừng số 3 (trạm Cầu Khỉ) trước đây xảy ra những vụ phá rừng có tổ chức và trắng trợn. Lâm tặc còn tấn công cả lực lượng tại các trạm bảo vệ rừng nếu bị chặn đường khai thác gỗ. Thủ đoạn của lâm tặc là bí mật vào các tiểu khu tìm và khai thác các loài gỗ có giá trị kinh tế cao như lim, gõ, dỗi...sau đó vận chuyển vào địa bàn xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tiêu thụ. 

Qua các vụ phát hiện bắt giữ đối tượng vi phạm chủ yếu từ địa bàn Quảng Trị khai thác gỗ khu vực giáp ranh. Từ khi có các trạm quản lý bảo vệ rừng, nhất là sau khi các tổ liên ngành 2 tỉnh được thành lập hoạt động có hiệu quả, việc xâm hại rừng khu vực giáp ranh đã giảm nhiều so với trước.

Ông Phạm Đức Hóa, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết, đơn vị có 22 cán bộ, nhân viên và 8 nhân viên hợp đồng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Thời gian qua Ban đã tập trung triển khai đồng bộ những biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực giáp ranh có hiệu quả. Cụ thể, đơn vị đã triển khai tổ chức giao rừng cho các tổ, trạm quản lý, bảo vệ đối với những diện tích rừng đã được xác định.

Đồng thời, củng cố và tăng cường lực lượng cơ động, phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đơn vị có 5 trạm bảo vệ rừng và một tổ bảo vệ rừng cơ động thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn để quản lý, bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc tại các “điểm nóng”. Thường xuyên thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các tổ, trạm nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy đã hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn rừng do đơn vị quản lý.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn vùng giáp ranh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, các đơn vị chủ rừng xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn; chủ động phối hợp triển khai tổ chức kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc, đặc biệt là tại những khu vực rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên...

Việc phá rừng trong thời gian gần đây ngày một tinh vi hơn, nếu như thời gian trước lâm tặc thường sử dụng xe trâu và trâu kéo lỉa để vận chuyển gỗ thì nay chuyển sang xe máy hoặc cõng gùi gỗ lậu.

Để khắc phục tình trạng đó, Hạt kiểm lâm và BQLRPH Động Châu đã tăng cường chốt chặn tại các ngã đường vào rừng, kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng ở các khu vực xung yếu. Các trạm, tổ và cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát địa bàn hoạt động, nắm bắt, xử lý thông tin, phối hợp với đội kiểm tra liên ngành, các chủ rừng khi cần thiết.

Chính quyền các xã vùng giáp ranh trên địa bàn Lệ Thủy đã ra chỉ thị nghiêm cấm các hộ gia đình, cá nhân vào rừng khai thác gỗ, củi, than, đào gốc cây cảnh, phát đốt rừng trồng cây trái phép. Các trường hợp vi phạm lâm luật được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

P.V