.

HTX Mỹ Lộc Thượng: Tìm kiếm đầu ra cho nông sản

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (HTX) Mỹ Lộc Thượng xã An Thủy, Lệ Thủy được xây dựng và phát triển hơn 50 năm. Bằng nhiều hướng đi tích cực, phù hợp, HTX đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã. Sau khi thực hiện việc chuyển đổi, vấn đề HTX quan tâm hướng đến chính là tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trong xu hướng hội nhập hiện nay.

HTX Mỹ Lộc Thượng được đánh giá là điểm sáng của huyện Lệ Thủy trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bằng nội lực và cách làm sáng tạo. HTX đồng hành cùng với người dân từ những ngày đầu thành lập với các dịch vụ, như: phân bón, thủy lợi nội đồng, giống cây con các loại, bao tiêu sản phẩm... và sau khi chuyển đổi theo luật HTX mới, các thành viên đã cùng đồng hành cùng với HTX trong tất cả các khâu hoạt động để đưa kinh tế ngày một phát triển.

Là HTX có bề dày thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp, HTX Mỹ Lộc Thượng đã phát huy tốt vai trò của mình cùng với thành viên HTX tìm những hướng đi tích cực và phù hợp nhất của địa phương để nâng cao thu nhập, bảo vệ lợi ích của mỗi một hộ thành viên.

HTX  Mỹ Lộc Thượng đã thực hiện tốt 8 khâu dịch vụ: dịch vụ giống cây trồng, dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ thủy nông, dịch vụ khâu làm đất; dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đến cuối năm 2016, tổng số vốn sản xuất kinh doanh của HTX đạt gần 8,5 tỷ đồng, doanh thu các khâu dịch vụ đạt trên 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1,1 tỷ đồng, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI của HTX Mỹ Lộc Thượng góp phần giảm chi phí đầu vào 2 triệu đồng/ha.
Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI của HTX Mỹ Lộc Thượng góp phần giảm chi phí đầu vào 2 triệu đồng/ha.

Trong những năm qua, HTX luôn thực hiện  tốt công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, quản lý tốt tài sản và vốn quỹ. HTX đã đảm nhận một số khâu dịch vụ mà tư nhân không thể đảm đương được hoặc thực hiện nhưng không có hiệu quả. HTX luôn tạo điều kiện thuận lợi để thành viên yên tâm phát triển sản xuất,  thực hiện tốt theo Điều lệ HTX; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng khang trang phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đóng góp vai trò tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. HTX Mỹ Lộc Thượng thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy cho người dân, là cầu nối giữa Nhà nước và người nông dân một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo luật HTX mới, vấn đề mà HTX cũng như chính quyền địa phương quan tâm chính là đầu ra cho các sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tạo tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, diện tích lúa sử dụng phương pháp canh tác mới SRI giảm chi phí đầu vào đã được HTX Mỹ Lộc Thượng nhân rộng và mang lại hiệu quả cao.

Là một đơn vị đi đầu ở huyện Lệ Thủy trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, vụ đông-xuân 2016-2017, tất cả 268 ha lúa của HTX đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: P6, TBR225. Qua 5 năm áp dụng mô hình SRI, năng suất lúa bình quân đạt 74 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 4 tạ/ha.

Anh Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết: “Năm 2011, HTX đưa vào thí điểm canh tác lúa SRI, chỉ mới bàn đến việc thực hiện gieo thưa 3kg giống/1 sào đã gặp không ít khó khăn, vì tập quán gieo dày (6-7kg giống/sào) xưa nay đã ăn vào tiềm thức của bà con nông dân. Vì vậy, HTX đã tích cực đứng ra tuyên truyền vận động xã viên, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, làm mẫu có hiệu quả để nông dân làm theo nhân ra diện rộng”. Triển khai mô hình canh tác lúa theo kỹ thuật SRI, nông dân được nâng cao năng suất lao động, chất lượng lúa và tăng thu nhập nhờ giảm chi phí.

Tiếp theo việc áp dụng KHKT vào sản xuất lúa là việc bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Trong vấn đề này, không ai khác, chính HTX đóng vai trò chủ đạo để làm cầu nối cho thành viên từ khâu chọn giống lúa cho đến ứng dụng KHKT trong chăm sóc và thu hoạch theo quy trình để khẳng định được chất lượng đầu ra của sản phẩm, từ đó xây dựng uy tín và nhãn hiệu, thương hiệu lâu dài. Với diện tích canh tác 268ha, mỗi năm, sản lượng lúa HTX vào khoảng 2.700 tấn. Trong đó, số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trong địa bàn chỉ khoảng hơn 1.000 tấn.

Như vậy, lượng lúa gạo người dân đưa ra bán trôi nổi trên thị trường là rất lớn, điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân luôn đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, nhiều năm qua, HTX Mỹ Lộc Thượng đã tiến hành đứng ra liên kết với một số cơ sở tiêu thụ, thu mua lúa cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 3 đến 5 giá. Cùng với việc bao tiêu sản phẩm, HTX Mỹ Lộc Thượng tiến hành đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại xay xát, đánh bóng và đóng gói gạo thành phẩm với công suất 6 đến 7 tạ/giờ. Sau 6 tháng hoạt động, đến nay, cơ sở này đã bán ra thị trường gần 20 tấn gạo chất lượng cao, được thị trường đón nhận.

Cũng từ đầu năm 2016, HTX Mỹ Lộc Thượng đã hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy". Đây chính là điều kiện để lúa gạo của người nông dân ở đây nói riêng và hạt gạo của xứ lúa Lệ Thủy nói chung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)