.

Làm giàu từ trồng nấm

Thứ Ba, 12/07/2016, 19:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự quyết tâm và hướng đi đúng, chị Trương Thị Lược ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng các loại nấm.

Sinh ra trên vùng quê nghèo, trước kia chị Trương Thị Lược tập trung nuôi lợn, trồng sắn, trồng ngô nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Bởi trên vùng đất này, thời tiết rất khắc nghiệt, mùa khô thì nắng cháy, mùa mưa thì lũ lụt, ngập úng. Không chịu đầu hàng với nghèo khó, chị Lược đã quyết tâm làm giàu bằng cách trồng nấm.

Năm 2009, qua các kênh thông tin, chị Lược bắt đầu học cách trồng nấm sò. Để làm được mô hình bày, chị gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư lẫn kỹ thuật trồng. Qua quá trình học hỏi và chăm sóc, chị đã dần quen tay rồi mô hình dần ổn định. Khoảng một tháng sau, những mẻ nấm sò đầu tiên được bán ra thị trường với nguồn thu nhập khá hơn hẳn so với việc trồng sắn, trồng ngô trước đây.

Chị Trương Thị Lược đã thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng nấm.
Chị Trương Thị Lược đã thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng nấm.

Đến năm 2014, khi sản phẩm nấm sò đã có chỗ đứng trên thị trường, chị Lược tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình để trồng thêm nấm linh chi. Theo chị, đây là loại nấm dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, được khách hàng ưa chuộng. Để trồng nấm linh chi, chị Lược đã mua các trang thiết bị hỗ trợ, lắp hệ thống phun sương, làm mát cho nấm, mở rộng và cải tạo lại khu vực trồng...

Tuy mới triển khai, nhưng mô hình nấm linh chi của chị mang lại hiệu quả hơn cả mong đợi. Hiện mỗi năm chị Lược trồng trên 5.000 bịch nấm sò, 5.000 bịch nấm linh chi. Ngoài trồng nấm sò và nấm linh chi, chị đang đầu tư để trồng thêm nấm rơm. Với giá bán 25 nghìn đồng/kg nấm sò, 100 nghìn đồng/kg nấm rơm, 800 ngàn đến 1 triệu đồng/kg nấm linh chi, chị Lược thu lãi ròng mỗi năm trên 100 triệu đồng. Cơ sở sản xuất nấm của chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong thôn.

Ngoài mô hình trồng nấm, chị Lược đang đầu tư gần 200 triệu đồng để nuôi hươu sao và thỏ với dự định sẽ xây dựng một mô hình kinh tế gia trại khép kín. Chị Lược cho biết: “Hiện tôi đang trồng hơn 1ha ngô, gần 2 sào sắn. Sau khi thu hoạch nấm xong, tôi lấy phế thải từ các bịch nấm trộn với phân hươu, phân thỏ đưa ra bón cho ruộng ngô. Khi thu hoạch ngô, sắn đưa về sẽ cho hươu và thỏ ăn. Làm như rứa thì có thể tận dụng được mọi thứ, lại tiết kiệm khá nhiều chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. Khi trang trại đi vào hoạt động ổn định, tôi sẽ thành lập một tổ hợp tác khoảng 10 chị em gồm những người neo đơn để tạo việc làm cho họ thoát nghèo, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và những buồn vui trong cuộc sống.

Đức Long