.

Lệ Thủy: Kỹ thuật canh tác lúa SRI mang lại hiệu quả cao

Thứ Ba, 07/06/2016, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 4 năm huyện Lệ Thủy đưa kỹ thuật canh tác lúa SRI vào đồng ruộng, đến nay diện tích lúa sử dụng phương pháp canh tác mới này đã được các địa phương trong huyện nhân rộng và mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

HTX Sản xuất-Kinh doanh - Dịch vụ Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy là một đơn vị đi đầu ở huyện Lệ Thủy trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Vụ đông-xuân 2015-2016, tất cả 268 ha lúa của HTX đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI sử dụng các giống lúa chất lượng cao như P6, TB225.

Theo kết quả thăm đồng vừa qua, năng suất bình quân đạt hơn 74 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 4 tạ/ha. Anh Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ Mỹ Lộc Thượng cho biết: “Năm 2011, HTX đưa vào thí điểm canh tác lúa SRI, chỉ mới bàn đến việc thực hiện gieo thưa (3kg giống/1 sào) đã gặp không ít khó khăn, vì tập quán gieo dày (6-7kg giống/sào) xưa nay đã ăn vào tiềm thức của bà con nông dân. Vì vậy thôn, HTX đã tích cực đứng ra tuyên truyền vận động nông dân, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, làm mẫu có hiệu quả để nông dân làm theo nhân ra diện rộng”.

Triển khai mô hình canh tác lúa theo kỹ thuật SRI, nông dân được chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh lúa cải tiến thay phương pháp canh tác truyền thống. Phương pháp SRI gieo mật độ thưa chỉ 2-3kg giống/sào, giảm lượng nước tưới, thuốc BVTV, phân bón hóa học và công lao động, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích, ngoài ra mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Trưởng trạm BVTV huyện Lệ Thủy cho biết: “Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần giảm phát khí thải nhà kính trong sản xuất lúa được Chi cục BVTV tỉnh Quảng Bình chuyển giao mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và lợi nhuận”.

Từ mô hình thí điểm trên đồng ruộng ở một số HTX nông nghiệp, vụ đông - xuân 2015-2016, huyện Lệ Thủy đã mở rộng diện tích lúa theo phương pháp canh tác SRI lên 539ha ở 5 xã: An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Cam Thủy, Văn Thủy. Thực tế cho thấy lúa canh tác theo kỹ thuật SRI ít bị sâu bệnh, tiết kiệm được 40-50% giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật 30-35%, giảm 10 công lao động/ha, tiết kiệm lượng nước 20-30%; năng suất lúa tăng 300kg/ha.    

SRI là một phương thức canh tác sinh thái giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất (trên 2 triệu đồng/ha), giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Qua nhiều năm thực hiện có hiệu quả, nông dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)