.

Khi nhà nông "khát" đất

Thứ Tư, 01/06/2016, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc sống của người nông dân từ bao đời nay luôn gắn chặt với ruộng đồng, vườn tược. Với họ, tấc đất chính là “tấc vàng”. Thế nhưng, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta, do nhiều nguyên nhân, người nông dân đang phải đối mặt với tình trạng “khát” đất sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Nông dân và nỗi khổ “khát” đất

Nhà nông “khát” đất, chuyện tưởng như nghịch lý nhưng lại đang xảy ra tại không ít địa phương, nhất là ở các xã miền núi, rẻo cao. Tại không ít xã, người dân đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) là một điển hình. Mặc dù là xã nông nghiệp nhưng hàng trăm hộ dân địa phương đang phải đối mặt với cảnh thiếu đất sản xuất.

 Hơn 12 ha đất trồng lúa của Cảnh Hóa (Quảng Trạch) bị “đắp chiếu” vào vụ hè-thu do thiếu nước khiến quỹ đất của địa phương ngày càng bị thu hẹp.
Hơn 12 ha đất trồng lúa của Cảnh Hóa (Quảng Trạch) bị “đắp chiếu” vào vụ hè-thu do thiếu nước khiến quỹ đất của địa phương ngày càng bị thu hẹp.

Theo thống kê, toàn xã hiện có 1.194 hộ với hơn 4.800 khẩu nhưng chỉ có 83 ha đất sản xuất bao gồm cả đất trồng lúa nước và hoa màu. Nếu may mắn thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho bà con trong vòng khoảng 6 tháng, 6 tháng còn lại họ phải xoay chuyển theo nhiều phương kế khác.

Toàn xã Cảnh Hóa có 7 thôn thì 2 thôn Ngọa Cương và Cây Thị “trắng” đất trồng lúa, lại không có ngành nghề khác nên nhiều bà con ở đây phải vào rừng chặt củi, đốt than kiếm thêm thu nhập, một số thì đi làm thuê làm mướn, còn số khác chọn con đường “ly hương” làm ăn tại các tỉnh miền Nam. 5 thôn còn lại là Kinh Tân, Kinh Nhuận, Cấp Sơn, Thượng Thọ, Vĩnh Thọ mặc dù có đất sản xuất nhưng cũng chỉ được 53ha đất trồng lúa nước, nhưng lại có đến 12ha phân bố ở địa hình tương đối dốc nên vụ hè-thu thiếu nước trầm trọng, đành “đắp chiếu” chờ vụ đông-xuân năm sau.

Hiện tại, do thiếu đất sản xuất, kinh doanh nên nhiều ngành nghề của địa phương không có đủ điều kiện để phát triển một cách đồng bộ. Không thể chỉ sống dựa vào những bấp bênh của việc làm nông, nhiều hộ nuôi ý định lập mở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp để cải thiện đời sống gia đình, nhưng như ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết thì dù có muốn mở cũng khó vì thiếu đất, thiếu vốn.

Cùng chung cảnh ngộ với Cảnh Hóa là xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa). Toàn xã có 704 hộ với 2.824 khẩu nhưng chỉ có vẻn vẹn 131 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa, trồng màu chia đều cho 7 thôn.

Tính ra bình quân mỗi hộ chỉ có chưa được 0,18 ha đất canh tác. Là một xã nông nghiệp miền núi, sản xuất nông-lâm nghiệp là hướng phát triển chủ lực nên việc thiếu đất sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của người dân Thuận Hóa. Nông sản hàng hóa nghèo nàn, chưa hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nên năng suất, chất lượng lương thực chưa cao. Ngay cả đối với loại cây chủ lực là lúa nước cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lương thực cho địa phương.

“Đó là chưa kể đến tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra. Hàng năm cứ vào mùa mưa lũ là Thuận Hóa lại bị mất khoảng 2-5 ha diện tích đất do bị sạt lở, khiến cho quỹ đất vốn ít ỏi của xã ngày càng bị thu hẹp”, ông Phùng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa tâm sự.

Việc thiếu đất sản xuất cũng khiến nhiều lao động của xã lâm vào cảnh “ăn không ngồi rồi” khi họ gặp khó khăn trong chuyện kiếm việc làm thêm tăng thu nhập lúc nông nhàn. Theo thống kê, hàng năm xã có khoảng 15-20% lao động thất nghiệp do thiếu đất sản xuất. Nhiều thanh niên không có việc làm buộc phải ly hương làm ăn xa nhưng thu nhập lại rất bấp bênh. Và chính điều này càng làm tăng thêm gánh nặng giảm nghèo cho địa phương.

Cảnh Hóa và Thuận Hóa chỉ là hai trong số rất nhiều địa phương ở tỉnh ta đang phải từng ngày đối mặt với “cơn khát” đất sản xuất. Những hệ lụy mà “cơn khát” này gây ra không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân mà còn là trở lực đáng ngại trên lộ trình hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Đáng nói thêm là từ tình trạng thiếu đất sản xuất đã nảy sinh những phức tạp mới, trong đó có việc tranh chấp, lấn chiếm đất giữa người dân với các đơn vị nông, lâm nghiệp. Cụ thể người dân trồng rừng, canh tác nông nghiệp trong diện tích đất của các công ty lâm nghiệp, nông nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, trong đó có cả diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai mà còn làm mất an ninh trật tự xã hội, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

Đâu là nguyên nhân?

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bố Trạch, hiện toàn huyện có 28.354 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 22.584 ha là của hộ gia đình. Với tổng số 44.570 hộ và 182.351 khẩu, tính bình quân đất sản xuất nông nghiệp của huyện chỉ xấp xỉ khoảng 0,5 ha/hộ và 0,12 ha/người. “Quỹ đất hạn hẹp, trong khi đó dân số lại ngày một tăng nên việc đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sạt lở đất là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nông dân thiếu đất sản xuất.
Sạt lở đất là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nông dân thiếu đất sản xuất.

Nhiều hộ dân trước đây đủ đất sản xuất nhưng một vài năm sau khi có thêm thành viên mới hoặc tách hộ cho con cái thì ngay lập tức bị thiếu đất”, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Bố Trạch cho biết thêm.

Một nguyên nhân khác của thực trạng nông dân thiếu đất sản xuất chính là tình trạng sạt lở. Hiện nay, có không ít địa phương đất sản xuất vốn đã khan lại bị “ngốn” mất không ít do sạt lở. Xã miền núi Thạch Hóa (Tuyên Hóa) là một điển hình. Tình trạng sạt lở đất dọc 2 bên sông Gianh trên địa bàn xãngày một gia tăng, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là 4 thôn Huyền Nịu, Đạm Thủy 1,2,3 thuộc khu vực Huyền Thủy.

Sạt lở không chỉ đe dọa đến cuộc sống của người dân trên địa bàn mà còn khiến cho tình hình sản xuất của bà con gặp không ít khó khăn. Trong khi toàn xã chỉ có 123 ha diện tích đất trồng lúa thì việc mỗi năm có trên 0,5 ha bị sạt lở và cuốn trôi khiến cho đời sống của người nông dân vốn đã khó càng thêm khó vì thiếu đất sản xuất.

Cũng như Thạch Hóa, nhiều năm nay, người dân thôn Tân Thượng, xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) luôn sống trong cảnh bất an vì sạt lở đất. Vị trí của thôn nằm ngay chính giữa ngã ba hai nhánh sông Gianh nên cứ vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn đổ về, tấp thẳng vào thôn gây sạt lở. Người dân địa phương cho biết, vị trí giữa sông bây giờ khoảng 10 năm trước đây là ruộng lúa và nhà ở của bà con trong thôn. Nay vị trí đó đã cách bờ gần 80m, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất vườn đã bị cuốn trôi khiến cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Với người nông dân mỗi tấc đất là một “tấc vàng”. Chính vì vậy, việc thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của họ. Các cấp, ngành cần xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định. Để làm được điều đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp.

Quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho nông dân có việc làm mới để có thu nhập ngay trên địa bàn với phương châm “ly nông bất ly hương”. Cùng với các giải pháp trên, các ngành chức năng cần mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, đồng thời đề xuất chính sách cho vay vốn ưu tiên để nông dân chuyển nghề...

Tâm An