.

Thi đua phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số: Những tín hiệu vui

Thứ Tư, 25/05/2016, 10:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhớ lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước” những năm qua, cùng với toàn tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là thi đua xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến, là những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác chính trị... được bà con, dân bản học tập noi theo.

Thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa là một trong những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhờ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, đa dạng hóa ngành nghề  nên người dân ở các địa phương đã có cuộc sống ổn định. Không ít hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu nhờ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Điển hình cho phong trào này là ông Cao Tiến Thuỳnh, bản Mò O-Ồ Ồ xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Ông là một bí thư chi bộ nhiệt tình, luôn nêu gương sáng cho bà con noi theo và là người đi đầu trong trồng lúa nước, trồng rừng, xóa bỏ tập tục cổ hủ, lạc hậu để xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ.

Chị Hồ Thị Thanh ở  bản Hưng, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cũng là một trong những điển hình xuất sắc của tỉnh trong phong trào thi đua phát triển kinh tế. Sống dựa vào rừng, từng “chặt, đốt, cốt, trỉa” nhưng chị sớm nhận thức được rằng cứ theo cách ấy thì cũng có ngày rừng cạn kiệt.

Nghĩ thế chị đã chọn cách trồng rừng, phủ xanh những đồi đất hoang hóa bằng các cây trồng có chất lượng kinh tế cao. Chị còn tiên phong trong việc phát triển chăn nuôi song cách nuôi của chị cũng khác với nhiều hộ dân là nuôi trong chuồng trại, chứ không thả rong.

 Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.

Là một cán bộ phụ nữ, được tiếp cận các thành tựu của khoa học kỹ thuật, chị Thanh đã đầu tư nuôi giống lợn phổ biến ở bản địa (lợn khùa), mỗi lứa chừng 20-30 con, thời gian nuôi khoảng 6-7 tháng là có thể xuất chuồng. Nguyên liệu chăn nuôi hoàn toàn là thực phẩm tự nhiên như sắn, lá cây, rau... nên chất lượng thịt rất bảo đảm, được các thương lái đặt mua ngay tại chỗ.

Ngoài ra, chị còn nuôi bò, làm dịch vụ và tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho bà con cách chăn nuôi hiệu quả nhưng bảo đảm vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh. Ở bản Hưng, chị là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, được bà con yêu mến, cảm phục.

Ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có chị Hồ Thị Hết là một trong những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó thoát nghèo. Không cam chịu cuộc sống thiếu cơm rách áo, chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng và trồng lúa nước.

Nhờ đó chị đã có được nguồn thu nhập ổn định với mức lãi ròng 60-70 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình từng thiếu cái ăn, cái mặc, đói, nghèo cứ đeo đẳng từ ngày này qua ngày khác đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá từ việc trồng rừng, chăn nuôi với các mô hình kinh tế trang trại.

Phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... được nhân dân các dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng. Đi đầu trong mọi phong trào phải đến vai trò của các già làng, trưởng bản, những người được xem là trung tâm đoàn kết có vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sông văn hóa mới ở cơ sở. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân.

Điển hình là các ông Đinh Mể, già làng người Ma Coong, xã Thượng Trạch, Bố Trạch; Hồ Pung, dân tộc Khùa, già làng bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa; già làng Hồ Văn Pan, dân tộc Vân Kiều ở Bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy; ông Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh...

Đây là những tấm gương điển hình trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là vận động bà con không trông chờ ỷ lại, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc, bảo vệ rừng, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Điều đáng ghi nhận là những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã giành nhiều nguồn lực để giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện xóa đói giảm nghèo, vươn lên hòa nhập vào sự phát triển chung của các nước.

Các chương trình, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi như Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, chính sách di dân, định canh định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các xã biên giới... được triển khai tạo nên diện mạo mới cho các địa phương.

Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô về tận trung tâm xã, có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và được phủ sóng phát thanh, truyền hình... Hệ thống chợ trung tâm cụm xã, chợ xã được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hóa trong vùng.

Nhờ kết cấu hạ tầng được tăng cường nên bà con có điều kiện phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất từ nương rẫy sang sản xuất thâm canh lúa nước.

Nhiều hộ đã cải tạo vườn đồi, vườn nhà để trồng rừng kinh tế, trồng cây có giá trị hàng hóa kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, hình thành nên các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập khá cao. Kết quả đó ghi đậm dấu ấn của các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên sự khởi sắc cho các vùng quê.

Hà Anh