.

Sơn Lộc còn lắm khó khăn

Thứ Hai, 16/11/2015, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một xã miền núi nằm cách trung tâm huyện lỵ Bố Trạch chỉ hơn 10km, nhưng người dân xã Sơn Lộc thực sự còn lắm khó khăn. Thiếu việc làm, thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu…đó là những khó khăn hiện nay của địa phương.

Xa vời đích đến nông thôn mới

Khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Sơn Lộc đã tuyên truyền rộng rãi về nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phát động toàn dân chung sức thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay địa phương mới chỉ đạt 6 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (quy hoạch, an ninh trật tự, điện, bưu điện, y tế và hệ thống chính trị xã hội).

Xã đang
Xã đang "trắng" tiêu chí thủy lợi.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Vốn ngân sách cấp chưa đủ để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, chợ, các công trình công cộng...; nguồn viện trợ của các doanh nghiệp không có, người dân phần lớn nghèo nên chỉ có thể đóng góp ngày công lao động.

Cái khó thứ hai là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Với một xã thuần nông nhưng đất đai canh tác ít, ngành nghề phụ không có, dịch vụ chưa phát triển cộng với hạ tầng yếu kém nên chuyển dịch và sản xuất có hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa vẫn là cái đích xa vời đối với xã Sơn Lộc.

Qua tìm hiểu được biết, xã Sơn Lộc có 1.120 ha đất tự nhiên nhưng chỉ có 630 ha là diện tích đất ở và đất nông nghiệp, còn lại là đất lâm nghiệp do các lâm trường sử dụng. Với 614 hộ/2.418 nhân khẩu nhưng toàn xã chỉ có có 150 ha đất lúa, 384 ha đất hoa màu, thiếu đất sản xuất đang là tình trạng diễn ra nhiều năm nay tại địa phương. Trong khi đó, xã đang "trắng" với tiêu chí thủy lợi, diện tích lúa và hoa màu của xã đang nhờ vào các khe nước tự nhiên và nước mưa, những năm hạn hán, người dân không thể làm lúa và rau màu vào vụ hè-thu được.

Không chỉ khó với tiêu chí thủy lợi mà chính quyền và người dân xã Sơn Lộc cũng đang loay hoay với tiêu chí đường giao thông nông thôn. Sơn Lộc là xã miền núi có địa hình hết sức phức tạp, phần lớn là vùng đồi núi có độ dốc lớn, dân cư sinh sống phân tán, hệ thống đường vẫn chủ yếu là đường đất. Theo tìm hiểu, hiện toàn xã mới bê tông hóa được khoảng 30% các tuyến đường, nhiều tuyến đường liên thôn của xã còn là đường đất, đến mùa mưa lũ rất lầy lội, khó đi.

Kinh tế chậm phát triển, ngành dịch vụ nơi đây cũng như thế. Hiện nay, địa phương chưa có chợ để buôn bán trao đổi hàng hóa, bà con phải ra chợ Hải Trạch (cách 7km) hoặc chợ Thọ Lộc, xã Vạn Trạch (cách 5km) để mua bán, trao đổi hàng hóa. Mặc dù đã có quy hoạch cụ thể nhưng chưa có kinh phí để xây dựng chợ. Nhiều người vì bận công việc thì cứ một tuần đi chợ một lần cho tiện.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đến từng hộ gia đình, được từng người dân xã Sơn Lộc nhiệt tình hưởng ứng. Song, trước những khó khăn nêu trên, việc hoàn thành các tiêu chí khác đúng kế hoạch sẽ là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Do vậy, ngoài việc phát huy nội lực, địa phương đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Thiếu việc làm trầm trọng

Mặc dù có hai công ty lâm nghiệp (Công ty giống cây trồng Bắc Trung Bộ và Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại) đóng trên địa bàn xã, đã tạo việc làm cho nhiều lao động nhưng tình trạng thiếu việc làm vẫn đang phổ biến ở địa phương này, vì vậy giải quyết việc làm đang là vấn đề nan giải của xã Sơn Lộc.

Hệ thống giao thông vẫn chủ yếu là đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội khó đi.
Hệ thống giao thông vẫn chủ yếu là đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội khó đi.

Một trong những nguyên nhân là dân sinh còn nghèo nên trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em phải bỏ học giữa chừng, con em tại địa phương có tỷ lệ đậu đại học khá thấp, năm 2015 toàn xã chỉ có 2 em đậu đại học.

Bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết: Thiếu việc làm đang là vấn đề nóng của địa phương hiện nay. Thiếu đất canh tác nên nghèo đói đeo đẳng, vì vậy không ít thanh niên Sơn Lộc học chưa hết cấp 2 đã phải bỏ học vào miền Nam tìm kiếm việc làm.

Thời gian qua, tại địa phương đã có hàng trăm người dân nghe theo lời rủ rê của kẻ xấu để rồi vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng có thu nhập cao. Lời hứa về một viễn cảnh “công việc nhẹ nhàng, ổn định và lương cao” ở đâu không thấy, mà ngược lại cuộc sống của họ vốn dĩ đã khó khăn giờ đây lại trở thành con nợ, trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo trong đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động đi làm việc tại Trung Quốc”.

Hiện nay, toàn xã có khoảng 30 người xuất khẩu lao động tại Đài Loan, 40 người xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Riêng số lao động trái phép sang Trung Quốc khoảng hơn 100 người. Đây là tình trạng báo động cần ngăn chặn kịp thời để người dân khỏi lâm vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo lời kể của em Dương Hải Âu, thôn Đồng Sơn, người đã trở về sau một thời gian lao động ở Trung Quốc, công việc của họ không nhàn hạ như lời các cò lao động hứa hẹn, mà chủ yếu phải lao động trong môi trường khắc nghiệt, nặng nhọc và độc hại cho sức khỏe.

Vì nhiều người “quảng cáo” nên Hải Âu cùng với bạn rủ nhau ra Lạng Sơn tìm đường sang Trung Quốc, em may mắn hơn nhiều người là sang tìm được việc làm tại xưởng chế tạo nồi gốm, nồi inox nhưng công việc không thường xuyên, có việc thì đi làm, không thì ở nhà trốn chui trốn lủi vì sợ cảnh sát phát hiện, vì không có tiền về nên đành phải chịu đựng để làm. Việc lao động chui trái phép luôn tiềm ẩn những rủi ro không ai có thể lường trước được, nếu bị phát hiện, bắt giữ thì toàn bộ công sức lao động bỏ ra bao nhiêu tháng trời sẽ trở thành con số không.

Bên cạnh đó cũng có khoảng 30% số người may mắn có được một món tiền khi trở về quê hương sau khi đi lao động tại Trung Quốc. Thế nhưng để có được số tiền đó họ phải làm việc 12 tiếng/ngày, với tần suất lao động rất cao, cả tháng không có ngày nghỉ, chưa kể đến vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn thường trực đối với những lao động tự do này.

Theo bà Hoa thì Công an tỉnh đã bắt và khởi tố nhiều trường hợp, vì hành vi môi giới lao động trái phép sang Trung Quốc. Chính quyền xã thường xuyên động viên, tuyên truyền cho người dân phải tìm việc làm ăn chính đáng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân trong xã, đa số là lao động chính trong gia đình tìm cách trốn đi, điều này chính quyền địa phương khó quản lý...

Làm thế nào để về đích nông thôn mới đã là bài toán khó, thế nhưng, làm gì để tăng thu nhập, thoát cảnh nghèo cho người dân lại càng khó hơn của chính quyền nơi đây, nếu như không có sự hỗ trợ và giúp đỡ tích cực của các ngành, các cấp.

Thanh Hoa