.

Làm giàu trên đất nghèo

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó nhưng chị luôn nỗ lực cố gắng tìm mọi cách để vươn lên làm giàu. Không những thế, chị còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là chị em phụ nữ địa phương với mức thu nhập ổn định và nuôi các con ăn học thành tài. Chúng tôi đang nói đến tấm gương vượt khó làm giàu của chị Nguyễn Thị Lớn, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy), một tấm gương điển hình của phụ nữ Lệ Thủy học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Khởi nghiệp từ năm 2008 với mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt lên đến 200 con, bước đầu chị Nguyễn Thị Lớn không khỏi có những băn khoăn lo lắng. Điều này dễ hiểu bởi trước nay trên địa bàn hầu như không có mô hình trang trại chăn nuôi nào có quy mô lớn đến thế. Mặt khác, đặc thù địa hình của xã Ngư Thủy Nam phần lớn diện tích là những đồi cát, rừng phi lao; người dân nơi đây từ bao đời chỉ biết gắn bó với nghề đánh cá biển hay chế biến sản phẩm khai thác từ biển nên việc chị Lớn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về khả năng thành công.

Dẫu vậy, chịu khó tranh thủ thời gian rảnh, chị tìm tòi nghiên cứu, học hỏi cách thức tìm chọn giống, phòng bệnh, mô hình chuồng trại và cả nguồn thức ăn, mối tiêu thụ sản phẩm... Thành công bước đầu với mức lãi hơn 30 triệu đồng (năm 2008) đã giúp chị có thêm niềm tin thực hiện các dự định làm ăn khác táo bạo hơn. Năm 2009, tận dụng tiềm năng sẵn có của một địa phương ven biển kết hợp với sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Nông dân huyện, chị quyết định bàn với chồng thực hiện chuyển đổi hướng làm ăn kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Lớn đang kiểm tra mức khô của cá để chuẩn bị đưa vào lò hấp.
Chị Nguyễn Thị Lớn đang kiểm tra mức khô của cá để chuẩn bị đưa vào lò hấp.

Mô hình lò hấp cá với tổng mức đầu tư trên 200 triệu đồng ra đời ngay sau đó. Chị tâm sự: “Phần lớn người dân Ngư Thủy Nam đều tham gia nghề đánh cá biển. Sản phẩm cá tươi sẽ được chị mua lại ngay sau mỗi chuyến ra khơi của họ. Công việc của mình là hấp khô, đóng gói để bán sỉ, bán lẻ ra các thị trường xung quanh. Như thế, bà con trong xã không sợ cá bị ươn, phải bán rẻ mà mình cũng chủ động được nguồn cung cấp hàng khô cho các đầu mối tiêu thụ.” Năm 2010, mô hình lò hấp cá của chị Lớn hấp được trên 100 tấn cá tươi.

Để bảo đảm cho mô hình hoạt động, chị đã chủ động thuê 10 lao động là các chị em phụ nữ địa phương với mức lương 10 triệu đồng/người/vụ cá. 100 triệu đồng là nguồn thu nhập của gia đình chị có được cũng từ mô hình này trong năm 2012. Cũng trong năm này, chị tạo được việc làm cho 15 lao động địa phương có mức thu nhập 15 triệu đồng/người/vụ cá. Tiếp nối thành công, năm 2014 lò hấp cá tươi của chị Nguyễn Thị Lớn hấp được 200 tấn cá tươi, tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập từ 20-25 triệu đồng/người/vụ cá. Trừ chi phí, chị thu lãi ròng trên dưới 200 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện mô hình chế biến sản phẩm từ biển, những năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá nước ngọt của người dân không ngừng tăng cao, chị Lớn đã chủ động bàn bạc với chồng xây 5 hồ nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích trên 1.000m2 thả nuôi cá lóc. Hầu hết sản phẩm cá nuôi này đều được các thương lái đặt trước và thu mua ngay tại hồ nên mô hình của chị hoạt động hết sức thuận lợi. Với diện tích nuôi này, mỗi năm gia đình chị thả nuôi từ 20-30 ngàn con cá giống, sản lượng thu được từ 3-4 tấn cá/vụ nuôi, trừ chi phí, chị có thêm nguồn lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Kinh tế gia đình vững vàng, chị có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, 3 người con của chị đều đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định.

Ngư Thủy Nam là một xã vùng bãi ngang còn nghèo của huyện Lệ Thủy. Nhưng ở địa phương còn nghèo ấy có những phụ nữ như chị Lớn đang từng ngày từng giờ trăn trở tìm cách thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương điển hình của cả huyện Lệ Thủy.

Nguyễn Hoàng