.

Khi du lịch song hành cùng nông thôn mới

Thứ Sáu, 12/12/2014, 15:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có lợi thế về phát triển du lịch, ngành “công nghiệp không khói” này được đánh giá vừa là động lực thúc đẩy, đưa đến những “cú hích” quan trọng, vừa là đích nhắm đến trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn, tăng lực lượng lao động qua đào tạo, hướng đến nâng cao thu nhập và từng bước đổi thay cuộc sống người dân. Tuy vậy, để du lịch và nông thôn mới có thể song hành, biến những tiềm năng thành cơ hội “vàng”, không phải là điều đơn giản, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của chính quyền, người dân, các sở, ban, ngành, mà còn cả những định hướng đúng đắn, phù hợp, bền vững.

Với sự giúp sức từ Dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông, các cựu chiến binh (CCB) của xã Sơn Trạch (Bố Trạch) được hỗ trợ 14 chiếc thuyền vận tải khách du lịch bằng vật liệu composite (trị giá 220 triệu đồng/chiếc). Những chiếc thuyền này được giao cho 14 CCB của 3 thôn Trằm Mé, Xuân Tiến và Na, sử dụng chuyên chở khách ghé thăm hang động Phong Nha-Kẻ Bàng. Các CCB tham gia đối ứng thêm 20 triệu đồng, số tiền này được gửi vào ngân hàng, tiền lãi sử dụng để sửa chữa thuyền khi hỏng hóc và thăm hỏi các CCB khi đau ốm.

Theo ông Hoàng Văn Thái, Đội trưởng Đội thuyền composite, sau 2 tháng vận hành cùng đội thuyền của Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, CCB được tạo thêm cơ hội việc làm với 1 chuyến/1 tuần, thu nhập 200.000 đồng/chuyến. Vào mùa du lịch hè, chắc chắn số chuyến cũng sẽ tăng cao hơn mang lại thu nhập ổn định cho các CCB xã. Trước đây, ngoài một số ít gia đình CCB có thuyền gỗ chở khách, các CCB chủ yếu chăn nuôi, làm ruộng, đi rừng..., thu nhập thấp và bấp bênh hơn.

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch khẳng định, không chỉ tạo công ăn việc làm cho các CCB, chiếm 44% cơ cấu ngành kinh tế, du lịch đã góp phần tích cực trong tạo kế sinh nhai cho người dân của xã, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, hạn chế tối đa vào rừng chặt phá, săn bắt thú. Trong 6.000 lao động của xã, đã có tới hơn 30% lao động hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và lao động qua đào tạo cũng nhờ đó đạt 35%.

Xã Sơn Trạch (Bố Trạch) duy trì đội thuyền du lịch hơn 300 chiếc, tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động.
Xã Sơn Trạch (Bố Trạch) duy trì đội thuyền du lịch hơn 300 chiếc, tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động.

Theo số liệu thống kê năm 2013, toàn xã có hơn 300 thợ chuyên chụp ảnh, hơn 300 thuyền vận tải du lịch (mỗi thuyền thu hút hơn 2 lao động), đó là chưa kể đến đội ngũ nhân lực từ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ...

Đặc biệt, gần đây, khi du lịch mạo hiểm phát triển, số lượng các “porter” (người gùi hàng cho du khách) tiếp tục được gia tăng, mang lại công việc ổn định và thu nhập cao cho lớp thanh niên. Không ít con em trong xã cũng được Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tuyển dụng. Tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Trạch đã có mức giảm ấn tượng, từ 14,86% đầu năm 2014 xuống còn 6,8% những tháng cuối năm 2014.

Du lịch phát triển, nhiều ngành nghề khác cũng theo đó đổi mới, tăng tốc. Hiện tại ở Sơn Trạch, chăn nuôi dê, cá lồng và trồng nấm phục vụ nhu cầu của khách du lịch đang rất được bà con ưa chuộng. Toàn xã có hơn 500 lồng cá giá trị cao với hơn 240 tấn cá. Đàn dê ở thôn Na lên tới hơn 800 con, mang lại giá trị kinh tế lớn.

Bà con ở các thôn, bản xa xôi, như: Rào Con, đã biết đưa bắp chuối, hoa chuối... bán cho khách du lịch để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa quảng bá đặc sản địa phương. Một số dự án phát triển bền vững đã có những bước đầu tư sáng tạo vào các sản phẩm du lịch đặc trưng, như: nấm, mây tre đan..., không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, mà còn từng bước xây dựng thương hiệu cho du lịch xã nhà.

Theo ông Nguyễn Công Trứ, chính quyền xã và người dân đã và đang nỗ lực để lộ trình xây dựng nông thôn mới được “hưởng lợi” nhiều hơn từ phát triển du lịch, từng bước hoàn thiện 8 tiêu chí còn lại. Trong thời gian tới, bà con mong muốn được quan tâm phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt là khôi phục Lễ hội Đền Nghe, một nét văn hóa đặc sắc của Sơn Trạch, qua đó, thu hút thêm du khách đến với xã nhà và bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống địa phương.

Ngay sát Sơn Trạch, nhưng Hưng Trạch (Bố Trạch) vẫn loay hoay để phát huy thế mạnh du lịch trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của mình. Ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, hình thức du lịch cộng đồng, xây dựng homestay, farmstay mới bắt đầu manh nha ở một vài hộ gia đình và vẫn chưa thu hút nhiều lao động địa phương.

Các chương trình, dự án phát triển bền vững cũng đã đầu tư thử nghiệm một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa cao như mong đợi. Khoai deo được đưa vào sản xuất tại Hưng Trạch từ năm 2012 tại 1 hộ gia đình, diện tích 1 sào giống với sự hỗ trợ từ dự án GIZ.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Hưng Trạch chia sẻ, trong những tháng đầu tiên, khoai trồng loại 1 cho năng suất 5 tạ/sào với chất lượng cao, ăn ngon, làm khoai deo được người tiêu dùng đánh giá cao. Để nhân rộng mô hình cho nhiều hộ gia đình trong xã, khó khăn nhất hiện nay của sản phẩm là giống và thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, giống được bà con giữ lại đều hư hỏng, không trồng được, bà con rất vất vả trong khâu tìm chọn giống.

Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là người trong xã, bà con chưa hướng đến các đối tượng khách hàng tiềm năng khác. Một sản phẩm hướng tới du lịch khác vẫn chưa khai thác tối đa giá trị là măng điền trúc. Được đưa vào trồng từ năm 2011 tại 40 hộ gia đình với 20 góc/hộ, loại măng này mang lại giá trị kinh tế cao khi 1 góc măng cho ra trung bình 20 búp nặng 2kg/búp, mỗi kg măng điền trúc bán trên thị trường cho giá hơn 15.000 đồng. Tuy vậy, cũng như khoai deo, măng điền trúc được bán “nội địa” trong xã, hoặc theo chân thương lái đi các xã phụ cận, chưa nhắm trực tiếp tới đối tượng khách du lịch.

Theo ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch thì Hưng Trạch vẫn còn đó nhiều sản phẩm văn hóa đủ sức níu chân du khách, như: Tuồng Khương Hà, rượu nếp Gia Hưng..., nhưng phần nhiều đã mai một, khó phục hồi lại như xưa. Nếu có sự kết hợp giữa du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch đặc trưng, làng nghề truyền thống, nét văn hóa phi vật thể đặc sắc thì chắc chắn Hưng Trạch sẽ có những lợi thế riêng trong phát triển du lịch.

Hiện tại, Hưng Trạch mới chỉ hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với hơn 70% dân số làm nông nghiệp, các tiêu chí còn lại đều thuộc diện “khó” đối với Hưng Trạch, đặc biệt là về lao động, thu nhập bình quân đầu người...

Mô hình du lịch cộng đồng theo hình thức homestay còn khá mới mẻ ở Hưng Trạch (Bố Trạch), chưa thu hút nhiều lao động tham gia.
Mô hình du lịch cộng đồng theo hình thức homestay còn khá mới mẻ ở Hưng Trạch (Bố Trạch), chưa thu hút nhiều lao động tham gia.

Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, hiện nay, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta vẫn chưa có cơ chế cụ thể nào dành riêng cho các xã có tiềm năng phát triển du lịch. Mọi ưu tiên chủ yếu tập trung vào đẩy mạnh thay đổi cơ cấu ngành nghề nông thôn, thông qua các chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, hướng phát triển tập trung vào các sản phẩm du lịch đặc trưng tại các xã có thế mạnh du lịch, dựa vào sự hỗ trợ của những tổ chức, cá nhân, đơn vị, đang được quan tâm mở rộng tính hiệu quả. Ông Nguyễn Quốc Út nhấn mạnh thêm, trên thực tế, sự song hành chặt chẽ giữa du lịch và nông thôn mới phải bắt nguồn từ chính cơ sở với những hướng đi phù hợp với tình hình thực tiễn. Địa phương cũng cần mạnh dạn đưa ra đề xuất, kiến nghị để đẩy mạnh vai trò của du lịch hơn nữa trong lộ trình về đích nông thôn mới.

Du lịch nông thôn đang được đánh giá là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam và đồng thời là cơ hội “vàng” cho các xã phát huy thế mạnh của mình, góp phần cán đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh các xã liên quan đến Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh ta còn có rất nhiều xã “giàu” tài nguyên du lịch với bãi biển, rừng nguyên sinh, hệ thống các di tích văn hóa-lịch sử, các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc, làng nghề truyền thống...

Chính vì vậy, mỗi địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch kết hợp nhuần nhuyễn giữa du lịch và nông thôn mới, căn cứ trên tình hình thực tiễn của mình, huy động được sức dân và nguồn vốn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, khâu đào tạo nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu sang thương mại, dịch vụ, trang bị các kỹ năng làm du lịch cần thiết và nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ di sản, thiên nhiên cũng đóng một vai trò then chốt. Và tất nhiên, sự quan tâm định hướng và có những hỗ trợ tích cực, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng sẽ là rất cần thiết cho các địa phương trong lộ trình này.

Cuối cùng, nhân rộng một mô hình điểm trong phối hợp giữa du lịch và nông thôn mới cũng là một tác nhân quan trọng thúc đẩy phong trào lớn mạnh.

Mai Nhân