.

Công ty TNHH MTV LCN Long Đại: Mô hình kinh tế lâm nghiệp bền vững

Thứ Năm, 06/11/2014, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) được giao và thuê gần 100 nghìn ha rừng và đất rừng để sản xuất kinh doanh. Trong khi ở nhiều nơi, dù rừng đã có chủ nhưng vẫn bị tàn phá, suy kiệt nặng nề thì vốn rừng của Công ty Long Đại không ngừng phát triển. Từ mô hình này cho thấy, việc sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả của công ty lâm nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị  mang lại thành công khi trách nhiệm được gắn liền với lợi ích của các bên.

 

Hộ dân nhận khoán rừng thông ở xã Sơn Lộc, Bố Trạch.
Hộ dân nhận khoán rừng thông ở xã Sơn Lộc, Bố Trạch.

Mới đây, vào đầu tháng 10-2014, chúng tôi có dịp tháp tùng Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do  đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban dẫn đầu đến khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả của công ty nông, lâm nghiệp tại Công ty Long Đại.

Được biết, sau nhiều năm phát triển với bao thăng trầm, Công ty Long Đại đã tạo ra được một cơ chế khoán, quản khá chặt chẽ và khoa học, vừa giữ được vốn rừng, vừa tạo điều kiện để rừng phát triển, ổn định sản xuất và đời sống cho hàng nghìn lao động và hộ nông dân. Và thực tế ở Long Đại đã cho thấy, khi người dân ý thức rõ lợi ích thiết thực của mình từ rừng, thì họ sẽ phát huy tối đa trách nhiệm bảo vệ và phát triển diện tích rừng được giao, như một người chủ thực sự.

Chúng tôi gặp vợ chồng chị Bùi Thị Ngân, có nhà ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, được nhận khoán rừng của Lâm trường Vĩnh Long. Hộ gia đình chị được nhận khoán chăm sóc, khai thác 2,5ha thông nhựa, tổng cộng có 2.400 cây. Sau cơn bão số 10, nay chỉ còn khoảng 2/3 số cây. Thông ở đây cây nào cũng được đánh số và có hồ sơ riêng để theo dõi.

Mấy năm nay, khoảnh rừng này đã gắn bó với bao nỗi vui buồn của nhà chị. Bởi toàn bộ cuộc sống gia đình, từ bữa ăn hàng ngày đến chuyện học hành của con cái, tu sửa nhà cửa... đều trông vào đó như nhà nông cậy vào thửa ruộng của mình.

Thế nên, vợ chồng chị chăm rừng từng li từng tí: thực bì luôn được dọn sạch, cây nào có hiện tượng sâu bám là lập tức diệt trừ, những ngày nhựa đầy bát, đêm nào chồng chị cũng vào rừng ngủ để phòng mất cắp. Bởi thế, thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng luôn giữ ở mức gần 10 triệu đồng, trong 9 tháng đầu năm nay có sụt giảm hơn mọi năm vì số cây ít và giá thu mua hạ, nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Vợ chồng chị Ngân là một trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác đang tham gia nhận khoán rừng của Công ty Long Đại và có được cuộc sống thật sự ổn định. Theo Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long Đặng Thanh Cương, đơn vị này quản lý 4.080ha rừng trong đó có 1.700ha keo tràm và 1.300ha thông nhựa. Lực lượng công nhân chỉ có 65 người, nhưng số lao động “vệ tinh” như vợ chồng chị Ngân nhận khoán trồng keo tràm và khai thác nhựa thông có gần 500 hộ, thuộc 8 xã ở thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh.

Xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch nơi có gần nửa số dân với hơn 200 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ, khai thác rừng thông và cao su từ Công ty Long Đại. Chủ tịch UBND xã Phan Thị Hoa cho biết: Liên kết với công ty để nhận khoán rừng là một hướng đi đúng và rất hiệu quả để giải quyết một lúc hai vấn đề vốn rất nan giải của địa phương bấy lâu. Đó là giảm áp lực phá rừng và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng, đời sống một bộ phận không nhỏ người dân trong xã được nâng lên rõ rệt.

Có thể nói, Công ty Long Đại đã tạo cơ chế xã hội hóa để huy động đông đảo lực lượng “vệ tinh” tham gia làm chủ rừng, cùng doanh nghiệp quản lý, khai thác, chịu trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi từ rừng. Họ là những hộ nông dân các địa phương ở ven rừng, là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vốn quen sống bằng cách phát- đốt- cốt- trỉa và khai thác lâm sản, từng làm “đau đầu” cơ quan quản lý rừng và chính quyền địa phương.

Đến nay, có hơn 1.500 hộ tham gia trồng, bảo vệ và khai thác ở 5 lâm trường thuộc công ty với tổng diện tích hơn 16 nghìn ha và với cơ chế khoán như vợ chồng chị Ngân ở Lâm trường Vĩnh Long, bình quân mỗi lao động diện “vệ tinh” có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu lao động “vệ tinh” nào tích cực, làm tốt sẽ được xét tuyển vào quân số chính thức của công ty, với quyền lợi như các cán bộ, công nhân khác.

Ông Phan Đình Linh, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty Long Đại cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong 9 tháng đầu năm 2014 khó khăn hơn mọi năm. Tuy nhiên, có dự báo trước nên công ty đã có những giải pháp đối phó, từng bước tháo gỡ khó khăn, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra.

Trong đó, khai thác thu mua nhựa thông được 1.100 tấn/KH 1.400 tấn, đạt 75%; khai thác thu mua gỗ nguyên liệu được 43.000 tấn/KH 30.000 tấn, đạt 140%; trồng mới 154 ha cao su/KH 150 ha, đạt 102%; kim ngạch xuất khẩu 1,23 triệu USD, xấp xỉ 100% KH. Đặc biệt công ty đã nộp ngân sách được 15,6 tỷ đồng/KH 11 tỷ đồng, đạt 142%...

Mô hình thành công của Công ty Long Đại là hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.  Công ty có gần 60 nghìn ha rừng tự nhiên được giao cho hai đơn vị quản lý, bảo vệ là Lâm trường Trường Sơn và Lâm trường Khe Giữa. Trong khi tình trạng phá rừng tự nhiên ở nhiều nơi đang diễn biến phức tạp, thì với vốn rừng giàu gỗ quý như Long Đại, nguy cơ ấy luôn ở mức cao.

Có lần, chúng tôi ngược tỉnh lộ 11 từ nhánh đông lên nhánh tây đường Hồ Chí Minh, đi sâu vào rừng của Lâm trường Trường Sơn sát biên giới Việt- Lào. Đơn vị này đang quản lý 35.500 ha rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu... Ngay sát nhánh tây Hồ Chí Minh, những cây lim cao hai ba chục mét, đường kính hơn một mét bình yên đứng thẳng tắp. Để giữ được những khu rừng như thế người chủ rừng Long Đại có lúc phải đổ cả máu.

Rừng tự nhiên ở lâm trường Trường Sơn được bảo vệ tốt.
Rừng tự nhiên ở lâm trường Trường Sơn được bảo vệ tốt.

Hiếm có nơi đâu công tác bảo vệ rừng được quan tâm thường trực như ở đây. Từ ngoài cửa rừng vào chúng tôi đếm có đến bốn trạm bảo vệ. Trong tổng số hơn 100 cán bộ nhân viên của Lâm trường Trường Sơn, thì lực lượng bảo về rừng đã gần một nửa, được chốt ở 11 trạm với trang thiết bị cần thiết theo luật định, có đầy đủ phương tiện để cơ động và phối hợp hoạt động.

Để bảo vệ rừng thực sự hiệu quả, Công ty Long Đại có cơ chế giám sát khai thác hết sức nghiêm ngặt. Tất cả những cây được đưa vào khai thác, ngoài tiêu chuẩn, chất lượng cây, phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố về mật độ rừng, lộ tuyến vận tải, phương án khai thác nhằm hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến thảm rừng, tán rừng, vì vậy chỉ vài năm sau là có thể mở cửa rừng khai thác trở lại.

Tuy nhiên, để mô hình Long Đại nói riêng và loại hình công ty lâm nghiệp nói chung có thể vận hành tốt hơn, cần thiết phải có những điều chỉnh trong chính sách quản lý ở cả tầm Trung ương và địa phương. Theo ông Giám đốc Công ty Long Đại, một công ty lâm nghiệp có thể đứng vũng được, trước hết phải có quy mô về diện tích đủ lớn (hơn 50 nghìn ha) để có thể tổ chức sản xuất kinh doanh và thực hiện quá trình tập trung hóa sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, khi nhà nước đã cho doanh nghiệp thuê đất thì phải bảo đảm tính ổn định, bởi có ổn định thì doanh nghiệp mới xây dựng được quy hoạch sản xuất và bảo đảm tư liệu sản xuất để phục vụ chuyên môn hóa trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sản xuất kinh doanh ngành lâm nghiệp mang tính đặc thù cao: điều kiện khó khăn, địa bàn rộng, xa xôi, địa hình phức tạp, đất rừng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, trong chính sách tài chính, nhà nước cần có sự ưu tiên, như việc hoàn thiện thủ tục cho thuê, có miễn giảm thuế đất, nhất là với diện tích đất rừng tự nhiên. Ngoài ra, đề nghị nhà nước cho chủ trương công ty lâm nghiệp thực hiện cổ phần hóa đối với diện tích rừng trồng theo hình thức nhà nước nắm cố phần chi phối từ 65% trở lên nhằm thu hút nguồn vốn...

Trọng Thái