.

Lâm Trạch: Xóa đói giảm nghèo từ cây thông

Thứ Sáu, 12/09/2014, 12:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Lâm Trạch (Bố Trạch) là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, diện tích chủ yếu là đất rừng, với 2.246,4ha. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng của Nhà nước, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế, trong đó cây thông là cây trồng chủ lực. Chỉ sau vài năm, cây thông đã cho thấy hiệu quả, được xem là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây.

Về với Lâm Trạch những ngày này, chúng tôi có thể thấy được hiệu quả rõ rệt trong việc giao đất giao rừng để bà con trồng rừng kinh tế. Những vùng đất trống đồi trọc trước kia nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của thông.

Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch cho biết, là một xã miền núi, đất đai khô cằn, sỏi đá, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được hoàn thiện nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích đất trồng lúa của xã ngày càng bị thu hẹp, do thiếu nước sản xuất. Vì vậy, chính quyền xã đã vận động bà con hướng đến trồng rừng, đặc biệt là trồng cây thông để phát triển kinh tế. Số lượng các hộ gia đình tham gia trồng thông ngày càng đông, vì người dân đã nhận thấy được đây là loại cây có thể giúp họ xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống.

Trong sáu tháng đầu năm 2014, giá trị thu nhập từ rừng trên địa bàn xã là 7 tỷ đồng, đạt 280% kế hoạch năm. Nguồn thu từ lâm nghiệp tăng đột biến do bà con đã khai thác và bán nhựa thông với giá khá cao, khoảng trên dưới 30 ngàn đồng/kg.

Ông Phạm Quốc Khánh ở thôn 4, xã Lâm Trạch đang khai thác nhựa thông.
Ông Phạm Quốc Khánh ở thôn 4, xã Lâm Trạch đang khai thác nhựa thông.

Hiện tại, toàn xã Lâm Trạch có hơn 400 hộ trồng thông với tổng diện tích 620 ha, trong đó có 300 ha đã được khai thác để lấy nhựa. Tính bình quân cây thông cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng/hộ/tháng. Theo ông Phúc, người dân trong xã đã bắt đầu trồng thông từ năm 2001, thời điểm đó bà con được dự án Việt-Đức hỗ trợ tất cả các chi phí để trồng thông, từ cây giống cho đến phân bón... Hiện tại, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, UBND xã đang lập kế hoạch xin hỗ trợ vốn và chuẩn bị đất để trồng thêm 320ha thông nhựa trong năm 2015.

Ông Phạm Quốc Khánh, ở thôn 4, xã Lâm Trạch là một trong số những hộ dân thoát nghèo nhờ cây thông. Tiếp chuyện chúng tôi, ông cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông rất vất vả, cơm còn không đủ ăn chứ đừng nói tới việc chi phí cho con cái học hành. Cái nghèo, cái đói cứ đeo bám gia đình ông, mặc dù hai vợ chồng đã làm việc vất vả không quản ngày đêm.

Khoảng hơn mười năm trước, khi nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, gia đình ông đã mạnh dạn trồng 3,5ha thông với mong muốn có thể thoát nghèo. Sau một thời gian dài chăm sóc, rừng thông của gia đình ông cũng đã đến tuổi khai thác và cho thu nhập cao. Từ đầu năm đến nay, ông Khánh đã thu hoạch được khoảng một tấn nhựa thông, bán được 30 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng ông thu nhập từ nhựa thông khoảng 6 triệu đồng. “Từ khi khai thác nhựa thông để bán, thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn, con cái có tiền để ăn học, không còn nghèo đói như trước nữa” - ông Khánh chia sẻ.

Cũng theo ông Khánh, cây thông có lợi hơn hẳn cây keo vì cây thông cho nhựa khoảng 9 tháng/ năm và có thể khai thác trong thời gian gần 20 năm, sau đó, khai thác gỗ để bán; gỗ thông cũng dễ tiêu thụ. Không chỉ gia đình ông Khánh, rất nhiều hộ dân ở xã Lâm Trạch vươn lên thoát nghèo nhờ cây thông như gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn 2), ông Nguyễn Văn Tào (thôn 3)...

Có rừng thông, người dân Lâm Trạch đang dần tự tin trên con đường xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kéo theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều so với trước đây, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các diện tích thông, vì cây thông là hướng phát triển bền vững của xã, rất hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo. Không những thế, trồng thông còn góp phần bảo đảm môi trường" - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch Nguyễn Sỹ Phúc chia sẻ.

Lan Chi