.

Hàng Việt chiếm ưu thế trong các chợ truyền thống

Thứ Hai, 22/09/2014, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước những thông tin dồn dập về hàng hoá nhập lậu độc hại, người tiêu dùng (NTD) ngày càng tìm về với hàng Việt Nam. Và có thể nói, chợ truyền thống đã góp phần xây dựng được niềm tin vững chắc trong lòng NTD về chất lượng của hàng hóa xuất xứ “made in Việt Nam”. Với mẫu mã phong phú, giá thành rẻ, chất lượng ngày một nâng cao, hàng hóa trong nước sản xuất đang dần chiếm ưu thế và tạo niềm tin với NTD.

Thời gian gần đây, mặc dù hệ thống siêu thị và các cửa hàng tự chọn từng bước khẳng định được tính tiện ích, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn không thể bỏ thói quen đi chợ truyền thống. Bởi ở đó, họ không chỉ được chọn lựa mà còn được trao đổi kinh nghiệm mua hàng hóa và cách sử dụng sản phẩm.

Đặc biệt, giá cả hàng hóa ở chợ phải chăng, phù hợp với mức thu nhập bình dân. Vậy nên, dù không thu hút khách hàng bằng việc trưng bày hàng hóa bắt mắt, hay các chương trình khuyến mãi rầm rộ như các cửa hàng, siêu thị, song các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được khách hàng theo những cách riêng.

Nếu những năm trước, hầu hết các mặt mặt hàng thời trang, trái cây, giày dép... đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc rõ ràng, thì nay phần lớn chủng loại hàng hóa này do doanh nghiệp trong nước cung cấp, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, thời gian gần đây, NTD trên địa bàn có xu hướng quay lưng lại với hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc (rau, củ, quả, hóa mỹ phẩm, thời trang) để lựa chọn hàng nội.

Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống như chợ Đồng Hới, chợ Cộn, Chợ Nam Lý... thì trên các quầy, kệ trưng bày điều dễ thấy là những sản phẩm nội địa như hàng may mặc của Thái Hòa, bánh kẹo Hà Nội, Bibica, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, nước giải khát Tân Hiệp Phát, nhựa Duy Tân, nhựa Duy Thành, nước mắm Liên Thành... xuất hiện ngày càng dày đặc. Riêng thực phẩm tươi sống, rau, củ phần lớn được sản xuất tại địa phương hoặc được nhập về từ các tỉnh khác.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn hàng Việt Nam.

Đa số tiểu thương của Đồng Hới đều cho biết, ưu tiên số 1 khi chọn hàng để bán là phải có nguồn gốc của Việt Nam. Chị Tuyết, tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Đồng Hới cho biết: NTD bây giờ khi mua bất cứ loại rau, củ, quả nào cũng hỏi có phải hàng Trung Quốc không, chỉ khi nào chắc chắn là hàng Việt thì người ta mới chọn, thậm chí chấp nhận mua loại củ, quả nhỏ, không bắt mắt nhưng an toàn cho sức khoẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (chợ Nam Lý), chủ một sạp bán áo quần thì cho biết: Hàng Việt Nam hiện nay bán rất chạy, người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng trong nước sản xuất. Khách đến cửa hàng của tôi câu đầu tiên hỏi là hàng Việt hay hàng Trung Quốc. Nếu hàng Việt thì mua, còn không thì họ bỏ đi.

Công tác tuyên truyền người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng được đẩy mạnh thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nên đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành vi của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Thắm (Bắc Nghĩa, Đồng Hới) cho biết: “Thời gian qua, tôi nghe rất nhiều thông tin về sản phẩm của nước ngoài sản xuất gây nguy hại cho người sử dụng, đặc biệt là hàng Trung Quốc và một số loại sữa cho trẻ nhỏ.

Vì vậy, hiện nay, tôi chủ yếu sử dụng hàng trong nước sản xuất, dù có đắt hơn một chút nhưng an toàn cho sức khoẻ gia đình".  Chị Lê Thị Anh Đào (Đức Ninh) cũng cho biết: "Trước đây, khi mua hàng hoá để dùng, thấy loại nào đẹp, bắt mắt thì tôi mua, nhưng từ khi xem được những thông tin độc hại trên ti vi thì tôi chủ yếu tìm hàng có nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là hàng Việt Nam để dùng".

Rõ ràng, hàng hoá Việt Nam đang được nhiều NTD hướng đến. Việc ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” đã chứng tỏ sức lan tỏa của thương hiệu Việt. Đặc biệt, với thị trường nông thôn, trước đây tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, giờ đây, bà con đã tìm đến với hàng Việt. Đó là nhờ những chuyến đưa hàng về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức liên tục tại vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang từng bước đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của đa số người dân. Để thực sự phát huy được lợi thế chợ truyền thống trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ truyền thống trở thành một kênh phân phối hàng hóa quan trọng bên cạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại là điều cần thiết. Bởi thói quen của phần lớn người dân vẫn thích mua sắm ở các chợ truyền thống.                                

Phạm Hà