.

Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới: Hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra

Thứ Sáu, 18/07/2014, 12:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 8 năm triển khai thực hiện Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới với sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ Ban QLDA, sự hỗ trợ kịp thời của các sở, ban, ngành và chính quyền thành phố, đến  nay dự án cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.

 

Vận hành Trạm xử lý nước thải Đức Ninh.
Vận hành Trạm xử lý nước thải Đức Ninh.

Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới là một dự án lớn có nguồn vốn 78,5 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ, lần đầu thực hiện về lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Mục tiêu của dự án đặt ra là, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước; xây dựng nhà máy xử lý nước thải; quỹ quay vòng vốn vệ sinh hộ gia đình; chương trình vệ sinh trường học; nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các chiến dịch truyền thông và tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện dự án...

Sau khi hoàn thành xây dựng các hạng mục dự án sẽ làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu mức độ ngập lụt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm cho cảnh quan thành phố Đồng Hới đẹp hơn, sạch hơn, xanh hơn, là một yếu tố để thu hút đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những ngày đầu khi bắt tay vào thực hiện, Ban QLDA gặp phải không ít khó khăn trở ngại, đó là các thủ tục tài chính có liên quan đến quốc tế và nhất là công tác giải phóng mặt bằng.    

Quá trình thực hiện Ban QLDA đã đề cao trách nhiệm, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương tích cực hợp tác, ủng hộ chủ trương xây dựng công trình vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của địa phương và của nhân dân sở tại; tạo mọi điều kiện để các nhà thầu triển khai thi công xây dựng công trình một cách thuận lợi nhất. Dự án được chia làm hai giai đoạn gối đầu.

Giai đoạn I, được thực hiện từ năm 2007 và đã kết thúc từ năm 2011, chủ yếu là xây dựng các công trình hạ tầng thoát nước, chương trình vệ sinh trường học; nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các chiến dịch truyền thông và tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện dự án. Kết thúc giai đoạn này, dự án đã hoàn thành các công trình và đưa vào sử dụng, bao gồm các hạng mục đầu tư là: xây dựng, nạo vét và kè sông Cầu Rào, mương Phóng Thuỷ, hồ Nam Lý để tăng cường năng lực thoát nước và điều hoà lũ lụt; xây dựng hệ thống cống thoát nước và thu gom nước thải cho một số khu vực thuộc các phường trung tâm Bắc Lý, Nam lý, Đồng Phú, Hải Đình, Đồng Mỹ.

Để bảo đảm an toàn và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình thi công, tại các khu vực đông dân cư sinh sống và đi lại như đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Lợi, đường Lê Quý Đôn v...v..., hệ thống cống thoát nước và thu gom nước thải được thiết kế đặt giữa lòng đường. Sau khi hoàn thành, các tuyến phố đã được dự án hoàn trả lại mặt đường đẹp hơn, được đầu tư thêm cây xanh và điện đường chiếu sáng đô thị. Đối với sông Cầu Rào, hồ Nam Lý và mương Phóng Thuỷ sau khi nạo vét và kè bờ, Dự án đã đầu tư trồng mới các vườn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị.

Hồ Nam Lý sau khi cải tạo trở thành điểm nhấn cảnh quan môi trường đô thị Đồng Hới.
Hồ Nam Lý sau khi cải tạo trở thành điểm nhấn cảnh quan môi trường đô thị Đồng Hới.

Trước khi chưa có dự án, hệ thống thoát nước mưa của thành phố chủ yếu đổ vào hai tuyến chính là sông Cầu Rào và mương Phóng Thuỷ. Cả hai tuyến thoát nước này trước đây bị chặn dòng chảy bởi nhiều con đường đất đắp qua, nhiều khu bị ngăn lại để nuôi tôm, cây cỏ mọc bừa bãi, xâm lấn làm khả năng tiêu thoát nước mưa bị hạn chế đáng kể.

Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới đã đầu tư xây dựng 17 km đường ống thoát nước mưa; nạo vét 183.000m3 bùn đất, cỏ rác; kè bờ chống xói 9.000m3 cho các tuyến thoát nước chính của thành phố như sông Cầu Rào, mương Phóng Thuỷ, hồ Nam Lý, đã làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập lụt trong khu vực trung tâm thành phố.

Tại mương Phóng Thuỷ, dự án đã thực hiện nạo vét 25.000m3 bùn đất để mở rộng lòng mương. Cùng đó, khu dân cư lấn chiếm lòng mương cũng đã được dự án di dời để xây dựng mới vườn hoa công cộng. Để tránh tình trạng xói mòn, 3.000m bờ được xây kè, hai bên bờ là những bồn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị.

Hồ Nam Lý nằm giữa khu vực chợ Ga Đồng Hới, cầu vượt và chợ Nam Lý. Đây là khu vực có mật độ dân số đông với nhiều tụ điểm công cộng như bến xe, trường học, bệnh viện, chợ...Hồ Nam Lý như một hồ điều hoà, vừa là điểm tụ thuỷ trong mùa mưa, vừa cung cấp môi trường trong lành, làm dịu không khí ngột ngạt của mùa nắng nóng. Trước đây, lòng hồ bị thu hẹp bởi nhiều hộ dân ngăn lại trồng rau muống, rau bèo, nuôi cá, rác bẩn từ chợ đổ bừa bãi... do vậy cảnh quan môi trường bị ô nhiễm nặng. Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới đã nạo vét 20.000m3 bùn đất, cỏ rác; bờ kè 1.200m và đầu tư thêm hệ thống điện chiếu sáng công cộng, vườn hoa cây xanh làm thay đổi hẳn bộ mặt của khu đô thị.

Sông Cầu Rào xuất phát từ ngã ba giữa mương Phóng Thuỷ và mương thoát nước thuộc cánh đồng lúa xã Lộc Ninh, với chiều dài tổng cộng khoảng 4,5km chảy băng ngang thành phố theo hướng từ Bắc xuống Nam trước khi chảy ra sông Lệ Kỳ. Những năm trước đây, dọc theo tuyến sông nhiều điểm bị lấn chiếm ngăn lại để làm hồ nuôi tôm, nhiều con đường đất băng qua cây cỏ mọc bừa bãi làm giảm đáng kể khả năng thoát nước và thay đổi cả dòng chảy.

Để nâng cao khả năng thoát nước mưa, Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới đã thực hiện nắn dòng, nạo vét 138.000m3 bùn đất để mở rộng lòng mương, kè bờ 8.000m để tránh tình trạng xói lở vào mùa mưa. Theo quy hoạch, hai bên bờ sông Cầu Rào được thiết kế như một công viên xanh "Rừng trong phố" với nhiều loại cây cổ thụ đan xen những vườn hoa. Sông cầu Rào sẽ trở thành một lá phổi xanh của thành phố trong tương lai không xa.

Giai đoạn II của dự án, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom nước thải, các trạm bơm tại các phường Nam Lý, Bắc Lý, Hải Thành, Đồng Mỹ, Hải Đình, Đức Ninh Đông và trọng điểm là Trạm xử lý nước thải Đức Ninh.

Sông Cầu Rào sau khi cải tạo.
Sông Cầu Rào sau khi cải tạo.

Với tất cả những nỗ lực, quyết tâm và những kinh nghiệm đã tích lũy được, tranh thủ mùa khô nắng, khắc phục bất lợi của thời tiết, không kể ngày đêm, dự án  đã  xây dựng 17km đường ống thoát nước mưa; nạo vét 103.000m3 bùn đất, cỏ rác;  kè bờ chống xói lở 9.000 m3 cho các tuyến thoát nước chính; xây mới 23km tuyến cống thu gom nước thải và 17km cống cấp ba  để thuận tiện nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống thoát nước của thành phố. Cùng đó, 13 trạm bơm nước thải và 607 hố ga ngăn mùi được lắp mới, đây là loại hố ga có đặc tính ngăn mùi từ trong lòng cống, phòng ngừa ngập úng và thuận tiện cho nạo vét, bảo dưỡng.

Trọng điểm của dự án là xây dựng hệ thống thoát nước và đặc biệt là Trạm xử lý nước thải Đức Ninh, nằm bên bờ sông Lệ Kỳ. Công nghệ xử lý nước thải là Chuỗi hồ sinh học. Đây là loại công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép bảo đảm yêu cầu về môi trường và loại công nghệ này gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với chi trả của thành phố. Công suất xử lý của trạm 10.000m3 ngày đêm và đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải cho 78.000 người dân thành phố Đồng Hới.

Theo quy trình vận hành của dự án, nước thải từ các hộ gia đình được thu gom từ các hộ dân qua hệ thống R3 về trạm bơm chính, sau đó được bơm lên trạm xử lý, tại đây, nước thải được làm sạch bằng hệ thống xử lý cơ học và sinh học với hệ thống hồ hiếu khí và chuỗi hồ tuỳ tiện, được khử trùng bằng ánh nắng mặt trời, được kiểm tra chất lượng trước khi chảy về sông Lệ Kỳ.

Để tránh tình trạng xây nhà vệ sinh không đúng quy cách, tự đổ nước thải, nước bẩn bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước, một quỹ quay vòng vốn được thực hiện trong khuôn khổ dự án. Những hộ dân có nhu cầu được vay tiền xây dựng các công trình vệ sinh gia đình. Từ vốn gốc chỉ 4 tỷ  đồng, dự án đã cho 2.800 lượt hộ gia đình vay với giá trị quay vòng đến 12 tỷ  đồng. Số vốn đó đã xây dựng mới 450 công trình và sửa chữa, cải tạo 2.000 công trình vệ sinh hộ gia đình.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, Dự án đã xây dựng mới 11 nhà vệ sinh phục vụ cho hơn 10.000 học sinh tiểu học và trung học; trang cấp các thiết bị thu gom rác thải, xe vận chuyển rác chuyên dụng, xe đẩy tay thu gom, thùng đựng rác thải và cải tạo bãi rác Lý Trạch để chống thẩm thấu và ô nhiễm nguồn nước ngầm của thành phố. Nhờ những trang thiết bị đó, mạng lưới thu gom rác thải hộ gia đình đã tăng từ 13.000 hộ lên 22.000 hộ. Dự án đã tăng cường ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng bằng các chương trình giáo dục tuyên truyền thành phố “Xanh-Sạch-Đẹp".

Tuy nhiên, việc hoàn thành xây dựng các công trình chỉ mới là bước đầu. Vấn đề quan trọng nhất có tính quyết định lâu dài là việc sử dụng nó để phát huy hiệu quả. Bởi vậy Ban QLDA đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân trong khu vực dự án thực hiện đầy đủ quy trình đấu nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống R3 để thu về tuyến chính.

Trọng Thái