.

Đắng cay hạt tiêu Văn Thủy

Thứ Tư, 30/07/2014, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 7, nắng như đổ lửa, tôi trở lại Văn Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi cây hồ tiêu được xem là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Vào mùa này, mấy năm trước trên khắp các con đường liên thôn trong xã đâu đâu cũng rộn ràng tiếng xe cộ thu mua tiêu của thương lái cùng tiếng nói cười của người nông dân khi được mùa tiêu. Thế mà bây giờ trở lại, bầu không khí ảm đạm lại bao trùm khắp nơi, nguyên do cũng từ hạt tiêu mà ra.

 

Máy bóc hạt tiêu được mua với giá hơn 20 triệu đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Ý không phát huy được tác dụng khi tiêu chết hàng loạt.
Máy bóc hạt tiêu được mua với giá hơn 20 triệu đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Ý không phát huy được tác dụng khi tiêu chết hàng loạt.

Cả xã khóc tiêu

Xã Văn Thủy hiện có 7 thôn và hầu như thôn nào cũng có người dân tham gia trồng cây hồ tiêu. Những địa bàn có diện tích hồ tiêu nhiều nhất tại Văn Thủy tập trung ở các thôn: Trạng Cau, Xuân Giang, Văn Minh... Nhiều hộ trồng tiêu ở xã này cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, do cây hồ tiêu của họ bị mắc phải chứng bệnh "nan y" nên rất khó tìm được phương pháp cứu chữa hữu hiệu. Không ít hộ trồng tiêu ở xã Văn Thủy có tới cả nghìn gốc tiêu, nhưng chỉ với một thời gian ngắn bị nhiễm bệnh, tất cả đều chết rụi.

Theo giới thiệu của cán bộ UBND xã Văn Thủy, chúng tôi vào gia đình ông Đỗ Văn Kính, thôn Xuân Giang. Dẫn chúng tôi ra mảnh vườn sau nhà, chỉ tay vào những gốc tiêu đã chết rụi ông Kính bùi ngùi: Cả cơ ngơi của gia đình tôi là hơn 700 gốc tiêu bây giờ chỉ còn lại hơn 20 gốc, đắng cay lắm chú ơi, với 700 gốc tiêu này mỗi vụ gia đình tôi thu về khoảng 7 tạ hạt tiêu có giá khoảng gần 100 triệu đồng, nhưng bây giờ thì mất trắng.

Ông Kính cho biết, đối với người trồng tiêu, chỉ cần khoảng hơn 3 năm, người dân có thể thu hoạch. Từ việc trồng tiêu mà không ít hộ trong thôn đã đủ ăn quanh năm, thậm chí có hộ vươn lên khấm khá và giàu có. Ấy vậy mà chỉ sau một quãng thời gian ngắn, cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết gần như toàn bộ. Nông dân chúng tôi đã thử làm đủ cách để cứu chữa nhưng cũng đành "bất lực" nhìn tiêu chết.

Rời nhà ông Kính, chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Ý, thôn Xuân Giang. Gia đình bà Ý hiện cũng đang lâm vào hoàn cảnh có tiêu chết hàng loạt, bà Ý chua xót cho biết: đến nay bà đã mất hơn 100 gốc tiêu rồi, cả vụ cố vớt vát lắm chỉ thu hoạch 1,2 tạ hạt tiêu, dù gia đình đã tốn biết bao nhiêu công sức, tiền của để đầu tư vào những gốc tiêu này. Buồn nhất là tôi đã mạnh dạn mua máy bóc hạt tiêu giá hơn 20 triệu đồng phục vụ cho công việc nhưng đến nay chỉ để bỏ không mà thôi, xót lắm chú ạ...

Tại xã Văn Thủy không chỉ riêng hộ gia đình ông Đỗ Văn Kính, bà Nguyễn Thị Ý mà nhiều gia đình khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Như gia đình Đỗ Tấn Công, Mai Văn Châu, Mai Thị Vui... từ mỗi vụ thu nhập hơn 4 tạ hạt tiêu bây giờ chỉ biết ngậm ngùi, nhìn tiêu chết, bất lực. Vốn liếng, công sức của các hộ gia đình này bỏ ra đành “đổ sông, đổ bể”.

Tiêu chết, các gốc cây mớc (loại cây nông dân thường dùng để cho cây hồ tiêu bám vào sinh trưởng) sót lại lần lượt được các thương lái tìm đến thu mua. Nhiều gia đình quá khó khăn đã chấp nhận bán đi với giá bèo bọt mong sao kiếm lại một chút vốn liếng đã đầu tư vào cây tiêu.

Loay hoay tìm bài toán khôi phục cây hồ tiêu Văn Thủy

Tình trạng cây hồ tiêu ở xã Văn Thủy, bị chết hàng loạt đã xảy ra nhiều năm nay. Các cơ quan có chuyên môn đã khẩn trương vào cuộc để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ các mầm bệnh nhằm bảo vệ cây hồ tiêu. Và bệnh tiêu chết hàng loạt tại địa phương được các nhà chuyên môn khẳng định nôm na là bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Thế nhưng, bài toán khôi phục cây hồ tiêu tại Văn Thủy vẫn nằm trước sự "bất lực" của chính quyền xã lẫn nông dân...

Ông Đỗ Văn Kính, ngậm ngùi nhìn vườn tiêu đang chết hàng loạt của mình.
Ông Đỗ Văn Kính, ngậm ngùi nhìn vườn tiêu đang chết hàng loạt của mình.

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy, Phạm Xuân Thủy sau cái lắc đầu ngao ngán bảo rằng: Chắc là chịu thua rồi các chú ạ! Nhiều hộ trồng cây hồ tiêu trong xã dù đã được tập huấn cách phòng trừ các mầm bệnh và chăm sóc cây hồ tiêu theo đúng cách hướng dẫn của các nhà chuyên môn nhưng không thể cứu nổi vườn tiêu của họ mỗi khi tiêu bị nhiễm bệnh, nhìn tiêu chết hàng loạt mà xót lắm...

Theo thống kê của UBND xã Văn Thủy, năm 2007, xã Văn Thủy có diện tích cây hồ tiêu là hơn 50 ha. Hiện nay toàn xã chỉ còn chưa tới 10 ha cây hồ tiêu, cá biệt có thôn Trạng Cau, được xem là nơi trồng hồ tiêu lớn nhất của xã trước tình trạng tiêu chết hàng loạt, bây giờ người dân đã loại bỏ cây hồ tiêu và chuyển sang trồng các loại cây khác.

Nhiều hộ gia đình như: ông Đỗ Tấn Công, thôn Trạng Cau; Đỗ Văn Kính, thôn Xuân Giang đã liều mình thử khôi phục lại vườn tiêu. Từ việc vào Quảng Trị mua thuốc phòng trừ, chăm sóc cẩn thận, tỷ mỉ theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn nhưng 2 tháng sau cũng đành "bất lực" nhìn tiêu chết và buộc phải chuyển đổi diện tích trồng hồ tiêu sang trồng cây cao su nhờ có điều kiện kinh tế tương đối khấm khá. Còn các hộ khác đành chấp nhận bỏ hoang, chờ khi nào có điều kiện thuận lợi thì tiến hành trồng lại.

Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho biết thêm: Hiện trên địa bàn đang có một dự án do tổ chức ROP phối hợp cùng Công ty Syngenta tiến hành khôi phục các vườn tiêu trong xã với mục tiêu phát triển cây hồ tiêu, kỹ thuật trồng và cách phòng trừ sâu bệnh cho các hộ gia đình có từ 60 gốc tiêu trở lên. Tuy nhiên, theo khảo sát của dự án năm 2013, toàn xã có 22 hộ đủ tiêu chuẩn tham gia dự án, nhưng đến 6 tháng đầu năm 2014, chỉ còn lại 9 hộ đủ tiêu chuẩn.

Theo lý giải của ông Thủy, do dự án triển khai chậm và tình trạng tiêu chết hàng loạt nên đã có nhiều hộ không đủ tiêu chuẩn để tham gia dự án nữa và dự án khôi phục cây tiêu ở Văn Thủy do vậy vẫn đang còn dang dở.

Ngọc Hải