.

Vùng núi đá "khát"... đá xây dựng!

Thứ Hai, 07/04/2014, 07:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Những núi đá vôi khổng lồ là tài nguyên để phục vụ cho ngành xây dựng ở huyện Minh Hóa. Hiện trên địa bàn đã có 8 mỏ đá được quy hoạch, trong đó có 5 mỏ từng được khai thác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các đơn vị không còn mặn mà với khai thác đá. Và hệ lụy là hàng chục đơn vị xây dựng, người dân đang “khát” đá.

Nhọc nhằn mua đá

Nghe các công ty, doanh nghiệp và những người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa nói về việc “khát” đá xây dựng khiến tôi bán tin, bán nghi. Bởi huyện miền núi rẻo cao này có rất nhiều đá vôi nhưng tại sao lại có hiện tượng này? Nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết đó là sự thật, Minh Hóa đang “khát” đá xây dựng trầm trọng.

Ông Trương Quốc Toán, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Minh Hóa cho hay: “Mặc dù trong huyện có 8 mỏ đá được quy hoạch, trong đó có 5 mỏ được cấp phép nhưng do thời gian cấp phép quá ngắn nên các đơn vị chỉ khai thác được một thời gian, lại thiếu đầu tư trang bị nên hiệu quả chưa cao, thậm chí doanh thu một số mỏ bị lỗ rồi ngừng khai thác. Vì vậy đá trên địa bàn rất khan hiếm, các đơn vị xây dựng rất khó khăn vì thiếu đá”. Việc cấp phép lại các mỏ đá cũng đang gặp nhiều trở ngại do vấn đề thủ tục, thăm dò tốn kém nên nhiều đơn vị không mấy mặn mà.

Đến thời điểm này, huyện Minh Hóa vẫn còn 2 đơn vị khai thác đá là Hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng Liên Hương ở xã Hóa Tiến và Công ty TNHH Liễu Hạnh khai thác tại lèn Hung xã Yên Hóa. Tuy nhiên, trong năm 2013 cả hai mỏ đá đó đã “ngủ yên” vì hết thời gian hoạt động. Do vậy, Minh Hóa đã “khát” đá xây dựng lại càng “khát” hơn.

Theo thống kê, trên toàn huyện có tất cả 47 đơn vị đăng ký hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, còn nhiều đơn vị nơi khác đến Minh Hóa để nhận làm công trình. Nhưng tất cả họ đều phải về huyện Tuyên Hóa hoặc huyện khác để mua đá.

Anh Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty xây dựng tổng hợp Hoàng Giang nói: “Công ty của tôi sử dụng mỗi năm hàng nghìn khối đá các loại để phục vụ cho việc xây nhà cửa và các công trình. Tuy nhiên, việc mua đá ở đây rất khó khăn, thậm chí không thể mua được vì đá quá khan hiếm. Vì vậy, để bảo đảm kịp tiến độ công trình, tôi phải về huyện Tuyên Hóa mua và vận chuyển về với giá 250.000 đồng/khối. Trong khi đó, đá ở Minh Hóa chỉ có giá từ 130.000 - 150.000 đồng/khối”.

Minh Hóa có rất nhiều núi đá vôi nhưng các đơn vị và người dân lại đang “khát” đá xây dựng.
Minh Hóa có rất nhiều núi đá vôi nhưng các đơn vị và người dân lại đang “khát” đá xây dựng.

Không chỉ đơn vị đăng ký hoạt động trên địa bàn mà những đơn vị từ nơi khác đến cũng chịu cảnh tương tự. Anh Nguyễn Văn Phúc, đội trưởng đội công trình phụ trách địa bàn huyện Minh Hóa thuộc Công ty xây dựng tổng hợp Quảng Ninh cho biết: “Mỗi lần về Tuyên Hóa để mua đá đều rất vất vả, tốn kém và nguy hiểm nữa. Nhưng vì để hoàn thành kịp công trình nên chúng tôi phải cố gắng thôi”.

Công ty xây dựng tổng hợp Quảng Ninh nhận thầu một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện, mỗi năm sử dụng khoảng 50.000 khối đá các loại. Tính trung bình mỗi khối đá mua tại xã Tiến Hóa huyện Tuyên Hóa hết 130.000 đồng, cộng chi phí vận chuyển lên tới Minh Hóa thêm 120.000 đồng nữa. Nếu làm phép tính nhân đơn giản là mỗi năm công ty phải chi phí cho việc vận chuyển đá hết 6 tỷ đồng...

Đơn vị khai thác đá gặp nhiều khó khăn

Qua tìm hiểu một số đơn vị khai thác đá chúng tôi được biết: Huyện Minh Hóa có 8 mỏ đá được quy hoạch. Trong đó có 5 đơn vị đã được cấp giấy phép và đi vào khai thác đá phục vụ cho nhu cầu xây dựng. Tuy nhiên, các đơn vị đều làm ăn không lời lãi được bao nhiêu; thời gian cấp phép quá ngắn, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, thuê công nhân khai thác tốn kém nên có 3 đơn vị bỏ không khai thác nữa.

Riêng hai đơn vị đang khai thác trong tình trạng “đâm lao nên phải theo lao” vì không thể bỏ vốn đầu tư trước đó. Hiện thời gian cấp phép khai thác đá tăng lên 25 năm nhưng vẫn không mấy đơn vị nào mặn mà. Anh Đinh Xuân Huy, nguyên Chủ nhiệm HTX vật liệu xây dựng Huy Hoàng cho biết: Đơn vị của anh nhận một mỏ đá tại xã Minh Hóa và đi vào khai thác từ năm 2001.

Trung bình mỗi năm, HTX khai thác được khoảng 50.000 khối đá, giải quyết việc làm cho 70 - 80 lao động mùa vụ. Tuy nhiên, anh phải bỏ mỏ đá năm 2012 vì giấy phép khai thác hết thời hạn. Việc xin cấp lại giấy phép, thăm dò cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện kinh tế suy thoái nên anh đã bỏ không khai thác nữa.

Để hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi đã đến Công ty TNHH Liễu Hạnh- đơn vị đang khai thác mỏ đá tại lèn Hung xã Yên Hóa. Công ty được cấp phép khai thác đá năm 2008. Sau đó, cùng với một người dân trong xã góp vốn với số tiền 1,2 tỷ đồng để mua máy móc, xây kho mìn, bến bãi và đến cuối năm 2009 mới đi vào khai thác. Từ khi hoạt động, mỏ đá của công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 - 30 lao động, bán ra thị trường 15.000 khối đá/năm.

Do thời gian cấp phép quá ngắn (3 năm), đến tháng 6-2011 thì phải ngừng hoạt động khiến hàng chục công nhân phải nghỉ việc, vốn đầu tư thu hồi lại chưa được 1 nửa. Không chịu bỏ cuộc, công ty tiếp tục xin cấp phép, thăm dò để tiếp tục khai thác. Mãi đến tháng 6-2013, mỏ đá của Công ty TNHH Liễu Hạnh mới đi vào hoạt động lại với giấy phép khai thác có thời hạn 25 năm.

Tuy nhiên, do thiếu vốn để đầu tư nên công ty còn khai thác với quy mô nhỏ lẻ, mang tính thủ công nên chỉ cung cấp được một phần nhỏ đá xây dựng. Anh Đinh Quốc Hội, Giám đốc Công ty tâm sự: “Như anh thấy đấy, xe cứ nối dài chờ mua nhưng có đủ đá mà bán đâu. Ở đây chủ yếu là cung cấp nhỏ lẻ cho người dân xây nhà và làm một số công trình nhỏ thôi. Còn các đơn vị có nhu cầu sử dụng đá nhiều đều phải ra Tuyên Hóa mua cả.

Nghĩ mà xót thật, tôi cũng muốn đầu tư máy móc hiện đại để mở rộng quy trình khai thác, giải quyết thêm việc làm cho nhiều người dân nhưng có được đâu. Bởi vốn cũ thì chưa thể thu hồi, không có tài sản thế chấp nên đi vay không ai cho vay”. Theo tính toán, nếu được vay thêm số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng để đầu tư cho mỏ đá thì khoảng 4 năm sau anh sẽ trả xong cả nợ lẫn lãi, cung cấp mỗi năm khoảng 50.000 khối đá. Như vậy chỉ cần có vốn đầu tư thì mỏ đá của anh và mỏ ở Hóa Tiến sẽ đáp ứng được khoảng 50% đã xây dựng cho cả địa bàn. 

Ông Đinh Hữu Niên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Tài nguyên đá xây dựng trên địa bàn huyện là rất lớn, nhưng thấy các đơn vị phải đi mua đá nơi khác về tôi cũng xót lắm chứ. Trên thực tế, huyện cũng đã quan tâm, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp khai thác đá nhưng năng lực và điều kiện của họ có hạn nên cũng bó tay”. Có thể nói, nguồn đá vôi phục vụ cho xây dựng trên địa bàn Minh Hóa là rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác sử dụng có hiệu quả.

Trong khi đó, các đơn vị và người dân có nhu cầu sử dụng đá lại phải đi mua ở nơi khác rất tốn kém. Để giải quyết vấn đề bất cập trên, nhằm tạo  việc làm cho người lao động và tăng ngân sách cho huyện nghèo Minh Hóa, thiết nghĩ nhà nước và các nhà đầu tư cần có những chính sách phù hợp...

Xuân Vương