.

Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn: Những vấn đề cần tháo gỡ

Thứ Hai, 07/04/2014, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã phát huy những hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian triển khai vấn đề trên vẫn còn bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ...

Hiệu quả tích cực

Xác định việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình hoạt động, ngành ngân hàng đã tổ chức triển khai nghiêm túc và kịp thời các quyết định, chỉ đạo của trung ương, đồng thời bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, linh hoạt trong huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp vay vốn.

Trên thực tế, các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay chủ yếu được thực hiện theo Nghị định 41/2010/NĐ - CP của Chính phủ và thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Bình, chỉ tính riêng năm 2013, ngân hàng đã giải quyết cho 30.031 lượt khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với tổng dư nợ 2.786 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện chủ trương của Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các chi nhánh tiếp tục thực hiện nghiêm túc về chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xem đây là thị trường ưu tiên để đầu tư tín dụng.

Đến hết năm 2013, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt 4.094 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 86%/ tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP là 1.655 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn nông thôn.

Nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa.
Nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa.

Nói về hiệu quả của nguồn vốn, chị Trần Thị Lan (thôn Đông, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: Những năm trước đây, đời sống khó khăn, chật vật, muốn phát triển sản xuất nhưng gia đình chị cũng đành bất lực bởi không đào đâu ra vốn. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và đặc biệt là Quỹ tín dụng nhân dân xã, gia đình chị mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế; có nguồn vốn xoay vòng, tiếp tục đầu tư xe chở hàng, mở rộng kinh doanh thức ăn gia súc, đầu tư phát triển vườn rừng... Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng khá giả, con cái có nhiều điều kiện học hành.

Những vấn đề cần tháo gỡ

Mặc dù đã mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có những bất cập cần tháo gỡ bởi ngoài việc thiếu hụt vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, đầu ra thiếu ổn định thì việc quy định khắt khe về nhãn mác hàng hoá thiết bị sản xuất, phục vụ nông nghiệp hay áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay cũng gặp những trở ngại nhất định. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng rất e ngại khi thẩm định, cho vay đối với các khoản vay phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Mặc dù theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, hạn mức cho vay thông thường không cần tài sản thế chấp lên đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, 200 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, 500 triệu đồng đối với HTX, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người dân, Nghị định này vẫn có những điểm chưa thực sự “cởi trói” cho đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Thực chất đây vẫn là cơ chế tín dụng thông thường đòi hỏi người cho vay phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn như phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay, có khả năng trả nợ.

Trao đổi về nhu cầu tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Hầu như chưa có HTX nào trên địa bàn tỉnh ta tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguyên nhân là do đa phần HTX không có tài sản thế chấp, nhiều HTX phi nông nghiệp phải thuê đất để sản xuất kinh doanh nên không đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Không ít HTX phải chọn cách huy động nội lực từ các xã viên bằng cách “cắm” sổ đỏ cá nhân.

Theo anh Trần Xuân Sơn, Trưởng phòng Tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Quảng Bình thì nhiều khách hàng chưa đủ uy tín, thiếu phương án kinh doanh khả thi cùng với việc nâng hạn mức cho vay không cần tài sản thế chấp làm tăng đáng kể rủi ro cho hoạt động của các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, các ngân hàng dù rất muốn nhưng cũng chưa có cơ sở để mạnh dạn cho vay.

Để giải quyết các vướng mắc về tín dụng nông nghiệp nông thôn, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những giải pháp tháo gỡ hiệu quả và kịp thời như đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở thế chấp vay vốn, các ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc xem xét các điều kiện vay vốn... để người dân được hưởng lợi ích cao nhất từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.

Thanh Hải